.

Nâng bước những mảnh đời bất hạnh

.

Với những dịch vụ hoàn toàn miễn phí như: can thiệp khẩn cấp, phòng ngừa, phục hồi, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tư vấn, kết nối, huy động nguồn lực trợ giúp người khuyết tật…, Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng đã giúp hàng trăm trẻ em bất hạnh có mái nhà yêu thương, vượt qua khủng hoảng tâm lý hòa nhập cộng đồng.

Gia đình trẻ em bất hạnh ở quận Thanh Khê được Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng giúp đỡ.
Gia đình trẻ em bất hạnh ở quận Thanh Khê được Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng giúp đỡ.

Đến giờ, bé V.Q.B.O (8 tuổi), ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu không còn nhớ mặt mẹ bởi lần cuối cùng em được thấy mẹ cũng cách đây nhiều năm. Mẹ đi lấy chồng khác rồi biệt tích, bố chán nản sa vào nghiện ngập và phải đi cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.

Bà con họ hàng ai cũng nghèo khó nên không nhận nuôi em. O. phải sống với ông nội nhưng ông cao tuổi và bị khuyết tật nên không có khả năng chăm sóc cháu.

Hai ông cháu sống dựa vào tiền cho thuê phòng trọ của gia đình với mức 1,2 triệu đồng/tháng và trợ cấp bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật nên cuộc sống hết sức túng quẫn. Được địa phương giới thiệu, Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) đã tìm cho em một gia đình nhận chăm sóc thay thế tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà).

Ngoài ra, em còn được hỗ trợ 100% chi phí chăm sóc trong 12 tháng đầu tiên. Sau đó, cán bộ Trung tâm thường xuyên thăm hỏi, tham vấn những nội dung liên quan đến chế độ dinh dưỡng, tâm lý, giáo dục, học tập cho gia đình mới nhằm giúp O. có thể thích nghi tích cực môi trường sống mới, đồng thời giảm thiểu những sang chấn do thiếu tình thương từ gia đình.

“Sau khi cha cháu O. cai nghiện xong, chúng tôi sẽ định hướng nghề nghiệp tái hòa nhập cộng đồng, giúp phục hồi kinh tế nhằm bảo đảm điều kiện môi trường sống an toàn cho em khi trở về với gia đình”, bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm nói.

Chị T.P.T.H (23 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) lại là một trường hợp khác. Chị H. và anh M. yêu nhau và định đi đến hôn nhân nhưng gia đình hai bên không đồng ý. Hai người quyết định sống chung và chị H. mang thai.

Thời gian đầu, anh M. chăm sóc chị rất chu đáo nhưng sau đó nghe lời bố mẹ nên bỏ mặc chị H. bụng mang dạ chửa phải ở nhờ nhà người bạn. “Mình không muốn về nhà bố mẹ vì mẹ bị xơ cứng bì, teo thận phải giai đoạn cuối, hiện đang uống thuốc điều trị tại nhà. Còn cha đã lớn tuổi, lại không có việc làm ổn định còn phải chăm sóc mẹ…”, chị H. nói trong nước mắt.

Trong lúc cùng quẫn, chị H. định bỏ đứa bé trong bụng. Người bạn đã đưa chị đến Trung tâm để tư vấn và nhờ giúp đỡ. Tại đây, chị H. được tư vấn ổn định tâm lý và sau đó chị quyết định giữ lại đứa con. Trung tâm còn hỗ trợ chi phí khám thai, sinh đẻ cho chị trong bệnh viện khoảng 8 triệu đồng cùng 2 tháng tiền ăn (mỗi tháng 1,2 triệu đồng) để giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn. Bây giờ, chị H. dự định sẽ gửi bé về nhà bố mẹ đẻ để tiếp tục đi làm nuôi con.

Không chỉ có bé O., chị H., rất nhiều hoàn cảnh đáng thương khác được Trung tâm hỗ trợ giúp đỡ. Bà Trương Thị Như Hoa cho biết, đơn vị đang triển khai nhiều chương trình như: chăm sóc tạm thời trong môi trường gia đình thay thế áp dụng cho những gia đình có trẻ dưới 10 tuổi đang gặp khủng hoảng, cần tìm gia đình khác, không phải là người trong họ hàng, chăm sóc trẻ trong thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm để có khả năng phục hồi và đoàn tụ.

Hay như mô hình trợ giúp phụ nữ đơn thân gặp khó khăn khi mang thai và nuôi con nhỏ mà Trung tâm được sự trợ giúp từ nguồn lực của Tổ chức Holt để thực hiện. “Mô hình này nhằm ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị bỏ rơi hoặc trở thành nạn nhân của việc buôn bán người; đồng thời giúp phụ nữ đang trong giai đoạn khủng hoảng có được chỗ dựa tinh thần vượt qua khó khăn”, bà Hoa nói.

Những phụ nữ đơn thân tham gia mô hình được tham vấn tâm lý, hỗ trợ xây dựng kế hoạch tương lai cho 2 mẹ con, hướng dẫn phòng ngừa nguy cơ san chấn và khủng hoảng tâm lý sau sinh, hỗ trợ một phần chi phí chăm sóc tiền sản, viện phí và chăm sóc hậu sản…

Hiện nay, có khoảng 40 trường hợp trẻ em được chăm sóc thay thế và phụ nữ mang thai gặp khó khăn được hỗ trợ giúp đỡ. Theo bà Hoa, nếu làm tốt và nhân rộng mô hình này sẽ giảm thiểu tình trạng bỏ rơi trẻ em tại các chùa, hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo vệ quyền khai sinh và quyền sống còn của trẻ em; đồng thời thực hiện quyền bình đẳng giới trong việc bảo vệ an toàn cho phụ nữ khi mang thai và sinh nở.

Bài và ảnh: THANH THANH

;
.
.
.
.
.