.

Xứng danh anh hùng

.

Nếu trong chiến tranh, Hồng Phước có những “ngọn đèn đứng gác” góp phần làm nên chiến công lẫy lừng của quê hương, đất nước thì ngày nay, Khu tưởng niệm Di tích lịch sử cách mạng B1-Hồng Phước cũng sẽ là ngọn đèn với ánh lửa tiếp tục rực cháy trong “tâm hồn không bao giờ biết tắt” của các thế hệ mai hậu...

Bà Nguyễn Thị Liên kể lại chuyện làm hầm bí mật ở Hồng Phước trước năm 1975 (ảnh chụp năm 2011).
Bà Nguyễn Thị Liên kể lại chuyện làm hầm bí mật ở Hồng Phước trước năm 1975 (ảnh chụp năm 2011).

Căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước được hình thành từ những năm 1960-1961, phát triển mạnh mẽ vào những năm 1965-1967, là căn cứ quan trọng của Quận Nhất Đà Nẵng (từ năm 1969 gọi là Quận Nhì Đà Nẵng) trong các cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và mùa Xuân năm 1975. Đây là nơi đến an toàn, là bàn đạp tiến công có hậu phương vững chắc; là nơi lui về có dân nuôi giấu, đùm bọc, che chở.

Một thời gian khó

Từ năm 1961 đến năm 1975, Hồng Phước trở thành một chiếc nôi cách mạng ở cánh Bắc Hòa Vang, là “căn cứ lõm cách mạng” với mật danh B1. Trong giai đoạn này, các đồng chí lãnh đạo Quận ủy Quận Nhất (Quận Nhì-sau năm 1969) Đà Nẵng được giao nhiệm vụ phụ trách khu vực này là Tăng Ngọc Phương, Đặng Thanh Vân, Lê Quân, Võ Thanh Hùng, Phan Văn Tải…

Trước năm 1975, Hồng Phước thuộc xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang, có 65 hộ dân, nằm trên những trảng cát mênh mông cùng với 4 hóc: Hóc Quân, Hóc Chánh, Hóc Lâu, Hóc Bộ. Đất đai ở các hóc sình lầy, cây mọc thành rừng, nhờ đặc điểm thuận lợi này mà địch không dám đến, còn ta thì dựa vào đó để xây dựng căn cứ, che giấu và tập kết lương thực để đánh địch.

Đặc biệt, người dân Hồng Phước còn vận dụng sáng tạo cách đào hầm bí mật trong cát để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong suốt cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ mà cho đến khi giải phóng vẫn không có một cái hầm nào bị địch phát hiện. Nhiều người mẹ, người chị đã hy sinh tính mạng để giữ kín các hầm bí mật này.

Bà Phạm Thị Miên có đến 7 hầm bí mật trong khuôn viên vườn nhà mình, nhiều nhất ở Hồng Phước ngày đó. Trong đó có một hầm nằm ngay hàng rào Đồn 44 pháo binh Mỹ trên nổng cát. “Tác giả” của cái hầm ngay trong lòng đồn địch này là ông Phan Văn Tải (Sáu Tải, lúc đó là Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì).

Ông Sáu Tải kể, trong 46 hầm bí mật ở Hồng Phước ngày đó có căn hầm nửa công khai nửa bí mật ở nhà bà Hoài, phía ngoài để tránh bom, phía trong là hầm bí mật. Bà khoét tường, dỡ mấy viên táp-lô ra làm hầm bí mật bên trong, bí mật đến độ khi địch phá nhà bà mà vẫn không phát hiện ra hầm. Sau năm 1975, bà về quê làm lại nhà, cho dỡ hầm bí mật. Ông Sáu Tải nghe tin thì chuyện đã rồi, tiếc quá chừng, ý tưởng giữ lại hầm làm di tích chiến tranh của ông đã không thành hiện thực.

Bà Nguyễn Thị Liên là Bí thư chi bộ xã Hòa Khánh - chi bộ Đảng đầu tiên tại xã này. Tới đầu năm 1975, nhà bà Năm Liên có 4 hầm, trong đó có một cái trên nổng, do ông Sáu Tải cùng anh em địa phương đào. Trong nhà có cái hầm nổi làm để tránh đạn, bên trong chất bao trấu làm tường để ngăn ra một hầm bí mật, mỗi lần cán bộ rúc vô là lấy bao trấu che lại.

Cuối tháng 8 năm 2013, bà Nguyễn Thị Liên thanh thản trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 96. Trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu, Đảng bộ hai phường Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc đã tôn kính tỏ lời tiếc thương người cán bộ cách mạng lão thành: “Tấm lòng cao cả của đồng chí còn thể hiện ở tinh thần nhiệt huyết cách mạng, thời kỳ khó khăn gian khổ và khốc liệt của chiến tranh đói cơm cạn muối, hạt gạo cõng củ sắn củ khoai, song không một lúc nào đồng chí xao nhãng với nhiệm vụ của tổ chức phân công...”.

Cháy mãi ngọn lửa hào hùng

Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng được giải phóng. Hòa chung không khí náo nức, phấn khởi của các tầng lớp nhân dân, tất cả người dân Hồng Phước đổ ra đường vẫy chào bộ đội, gặp gỡ người thân. Hơn bao giờ hết, những người con cách mạng kiên trung Hồng Phước bám trụ từng tấc đất của cha ông, che chở cách mạng, mặc cho chiến tranh tàn khốc và đau thương…, tất cả đều thấy ngây ngất trong niềm vui chiến thắng.

Năm 1997, theo chủ trương của thành phố về quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Khánh, Hồng Phước di dời giải tỏa gần 70% diện tích. Hiện nay, toàn bộ khu vực Hồng Phước bị quy hoạch giải tỏa hoàn toàn, phải chuyển đi tái định cư nơi khác để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án quy hoạch: Khu Công nghiệp Hòa Khánh và Hòa Khánh mở rộng, Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, Khu Đô thị công nghiệp Hòa Khánh mở rộng và Khu Đô thị Dragon City Park. Hầu hết nhân dân Hồng Phước đã thực hiện bàn giao mặt bằng để phục vụ cho thi công dự án đúng tiến độ đề ra.

Từ những cống hiến của người dân Hồng Phước cho cách mạng qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, năm 2014, Quận ủy, UBND quận Liên Chiểu xin chủ trương thành phố xây dựng Khu tưởng niệm Di tích lịch sử cách mạng B1-Hồng Phước và công nhận khu căn cứ B1-Hồng Phước là Khu di tích lịch sử cấp thành phố. Ngày 11-3-2016, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1302/QĐ-UBND về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đài bia và Nhà truyền thống di tích lịch sử cách mạng Khu B1-Hồng Phước.

Hiện nay, Hồng Phước có 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 23 liệt sĩ, 129 đối tượng chính sách. Hồng Phước đã trở thành một địa danh thiêng liêng, hào hùng và là niềm tự hào đối với người dân Hồng Phước nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung. Những kỷ vật chiến tranh như: vũ khí, nắp hầm, giày dép, mũ, áo... được trưng bày trang trọng tại nhà truyền thống di tích lịch sử cách mạng này sẽ nhắc nhở chúng ta nhớ về những trang sử hào hùng của Hồng Phước.

Nếu trong chiến tranh, Hồng Phước có những “ngọn đèn đứng gác” góp phần làm nên chiến công lẫy lừng của quê hương, đất nước thì ngày nay, Khu tưởng niệm Di tích lịch sử cách mạng B1-Hồng Phước cũng sẽ là ngọn đèn với ánh lửa tiếp tục rực cháy trong “tâm hồn không bao giờ biết tắt” của các thế hệ mai hậu... Tiếp bước cha anh, thế hệ trẻ Hồng Phước nói riêng và nhân dân Liên Chiểu nói chung nguyện không ngừng phấn đấu, học tập và rèn luyện ra sức thi đua góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, xứng danh vùng đất anh hùng.

Bài và ảnh: VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.