.

Đừng im lặng khi trẻ em bị xâm hại

.

Sáng 13-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) đơn vị Đà Nẵng gồm các ông, bà: Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH; Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH; Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH có buổi tiếp xúc cử tri là nữ doanh nhân, nữ trí thức, nữ nhà báo, các luật sư và giảng viên, sinh viên Trường Đại học Đông Á… để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em.

Tại buổi tiếp xúc, đa số cử tri đều bức xúc trước thực trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng.

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ trẻ em thành phố, lo lắng trước thực trạng trung bình mỗi năm nước ta có trên 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận, hay cứ 8 giờ lại có thêm một trẻ em bị xâm hại tình dục. Đó là chưa kể những vụ xâm hại mà trẻ em hoặc người thân của trẻ chưa lên tiếng tố cáo. Đáng nói, 70% người xâm hại là người quen biết hoặc là người thân của trẻ.  

Theo các ý kiến, nạn nhân là trẻ em nên sẽ để lại những sang chấn tâm lý rất lớn sau khi bị xâm hại; do đó, cần phải đặt mục tiêu phòng ngừa lên hàng đầu. Bà Lê Thị Tám nhận định, một số phụ huynh còn lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ và thủ tục tố giác đối với hành vi xâm hại tình dục nên cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về pháp luật cho phụ huynh.

Luật sư Đỗ Thành Nhân bày tỏ sự lo ngại việc giáo dục về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em chưa hiệu quả; đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư, từng hộ gia đình.

Trong khi đó, bà Trần Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ trẻ em thành phố đề nghị nhà trường phối hợp với chuyên gia tâm lý để hướng dẫn về cách giao tiếp, bảo vệ thân thể, phòng tránh kẻ xấu… cho các em học sinh ngay từ lứa tuổi tiểu học.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, gia đình, nhà trường cần trang bị kỹ năng sống cho trẻ; tùy theo độ tuổi mà có cách hướng dẫn phù hợp để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước người lạ lẫn người quen.

Cần có mức án nghiêm để răn đe

Song song với “phòng”, các cử tri đề xuất nhiều ý kiến để công tác “chống” xâm hại tình dục trẻ em có hiệu quả, đủ tính răn đe. Ông Nguyễn Thuật (giảng viên Trường ĐH Đông Á) kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trẻ em phải có đầy đủ các quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tăng mức hình phạt để giáo dục, răn đe các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em; cụ thể hóa và bổ sung vấn đề quấy rối tình dục vào luật…

Bà Lê Thị Tám đề nghị cần có giám sát chuyên đề việc thực thi pháp luật về quyền trẻ em; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em; đặc biệt, cần xây dựng mô hình thân thiện trong việc lấy ý kiến của trẻ bị xâm hại để tránh tổn thương tâm lý cho trẻ.

Trong khi đó, luật sư Đỗ Thành Nhân lo ngại, một số trẻ bị xâm hại và người thân còn có tâm lý e dè, ngại ngùng hoặc nhân chứng lo sợ bị trả thù nên không dám tố cáo người xâm hại, che giấu hoàn cảnh bị tổn thương của trẻ em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ; vì vậy, cần có cơ chế bảo vệ những người tố cáo, nhân chứng… Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, việc bỏ quên quyền lên tiếng của những chủ thể là nạn nhân, người thân của nạn nhân đã vô tình làm vô hiệu hóa pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Những ý kiến của cử tri đưa ra tại buổi tiếp xúc sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp, có báo cáo, kiến nghị những giải pháp hữu hiệu chống xâm hại tình dục trẻ em trên các diễn đàn của QH.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.