.

Gìn giữ tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng nhân sự kiện Đảng, Nhà nước CHDCND Lào trao tặng 33 huân chương, huy chương cho các cán bộ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Đà Nẵng, Tổng Lãnh sự Lào tại Đà Nẵng Khamsene Phommaseng chia sẻ: “Trong tôi không bao giờ phai nhạt ký ức về bộ đội tình nguyện Việt Nam đã sang chiến đấu giúp bộ đội Pa-thét Lào trong cuộc kháng chiến cùng chống đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương, đất nước Lào. Ngày nay, các thế hệ chúng ta phải gìn giữ, phát huy mối quan hệ và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào”.

Tổng Lãnh sự Khamsene Phommaseng: “Trong tôi không bao giờ phai nhạt ký ức về bộ đội quân tình nguyện Việt Nam”. 			Ảnh: SƠN TRUNG
Tổng Lãnh sự Khamsene Phommaseng: “Trong tôi không bao giờ phai nhạt ký ức về bộ đội quân tình nguyện Việt Nam”. Ảnh: SƠN TRUNG

* Ông có kỷ niệm đáng nhớ nào với chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào không, thưa ông?

- Quê tôi ở huyện Sê-pôn, tỉnh Savannakhet. Năm 1964, mới 10 tuổi nhưng tôi nhớ có rất nhiều bộ đội Việt Nam về quê tôi đóng quân cùng bộ đội Pa-thét Lào. Mặc dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng các chú bộ đội Việt Nam rất quý trẻ em Lào. Có lần tôi được bộ đội Việt Nam đưa về doanh trại chơi và tặng một bộ quân phục. Bộ quân phục quá rộng so với một đứa bé 10 tuổi nên tôi đem cất làm kỷ niệm. Tôi không nhớ tên chú bộ đội đã tặng bộ quân phục ấy, thỉnh thoảng tôi lấy ra xem, rồi ướm thử người mình có vừa không. Bộ quân phục ấy theo tôi mãi cho đến lúc trưởng thành. Cách đây 15 năm, đúng dịp hai nước Việt Nam và Lào kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, với bài viết về bộ quân phục ấy, tôi đã đoạt giải nhì cuộc thi viết về kỷ niệm quan hệ Việt Nam – Lào, do Hội Hữu nghị Lào - Việt tổ chức.

Tôi nhớ có lần được các chú bộ đội quân tình nguyện Việt Nam đón vào doanh trại ăn Tết cổ truyền Việt Nam. Tôi được ăn một bữa thật no, no đến suýt ốm vì ăn quá nhiều bánh chưng. Năm 1969, tôi đi bộ về tỉnh Nghệ An rồi ra thủ đô Hà Nội của Việt Nam và đến tỉnh Sầm Nưa của Lào học tiếng Việt. Lúc đó, các thầy, cô dạy tôi đều là người Việt nhưng rất giỏi tiếng Lào, như thầy Khương, thầy Mỹ.

* Việc Đảng, Nhà nước Lào trao tặng huân chương, huy chương cho 33 cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam ở Đà Nẵng có ý nghĩa gì, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, hai nước đã thành lập Liên quân Việt-Lào để cùng chung sức chiến đấu chống kẻ thù chung. Những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đã sang Lào cùng chiến đấu sát cánh bên lực lượng vũ trang Pa-thét Lào, cùng quyết tâm, hy sinh xương máu, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang. Thời kỳ sau đó, tinh thần đoàn kết Việt Nam - Lào lại càng được hun đúc và tôi luyện trong cuộc kháng chiến của hai nước chống đế quốc Mỹ. Các lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa Xuân 1975 tại Việt Nam và Chiến thắng ngày 2-12-1975 tại Lào.

Lần này, Đảng, Nhà nước Lào trao huân chương, huy chương cho 33 cán bộ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Đà Nẵng là sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đối với cán bộ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập của CHDCND Lào. Từng chứng kiến bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào, tôi rất vinh dự được làm việc tại Đà Nẵng và tham gia sự kiện này.

* Thưa ông, thế hệ của chúng ta hôm nay phải làm gì để tiếp nối truyền thống, phát huy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào?

- Quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ hiếm có trên thế giới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã đặt nền móng, dày công vun đắp. Trách nhiệm của thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân hai nước hôm nay là phải tiếp tục tô thắm tình hữu nghị đặc biệt này.

Để lưu giữ, phát huy truyền thống hữu nghị giữa hai nước, lịch sử quan hệ Việt - Lào đã được đưa vào chương trình giảng dạy lịch sử cho học sinh phổ thông của hai nước. Trong công cuộc đổi mới của mỗi nước ngày nay, cả Việt Nam và Lào đều giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế, xã hội, đối ngoại. Quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước cũng được đẩy mạnh và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và địa phương hai bên được tiến hành thường xuyên. Giao lưu giữa các tổ chức, các tầng lớp nhân dân hai nước cũng ngày càng phong phú.

Hiện nay, Lào có hơn 10.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học của Việt Nam, nhiều hơn bất cứ sinh viên của nước ngoài khác, trong đó tại Đại học Đà Nẵng mỗi năm có hàng trăm sinh viên Lào theo học. Cùng đóng góp vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ các tỉnh Nam Trung Lào rất thiết thực. Đặc biệt, trong chuyến thăm các tỉnh Nam Trung Lào vào tháng 10-2016 của đoàn cán bộ cấp cao do đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh dẫn đầu, lãnh đạo thành phố đã tiếp tục ký kết chương trình hợp tác, hỗ trợ 5 tỉnh Nam Trung Lào trên các lĩnh vực kinh tế, quy hoạch, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội… giai đoạn 2018-2022. Tôi cho rằng, mối quan hệ tốt đẹp và những chương trình hợp tác hiệu quả giữa Đà Nẵng với các địa phương của Lào đã và đang đóng góp, vun đắp và tiếp tục phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

* Cảm ơn ông!

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.