.

Ưu tiên giải quyết hồ sơ người có công, quản lý an toàn thông tin mạng

.

Ngày 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khóa XIV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn theo hình thức truyền hình trực tuyến từ trụ sở QH kết nối với Đoàn đại biểu QH của 63 tỉnh, thành phố. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên chất vấn. Tại điểm cầu Đà Nẵng, có các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu QH thành phố: Trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố, Bí thư Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thanh Quang; Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố Nguyễn Bá Sơn; Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến.

Giải quyết chế độ, chính sách cho người có công

Trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp đẩy nhanh việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ tồn đọng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện cả nước có khoảng 9 triệu người có công, trong đó có 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Qua tổng rà soát, hiện còn khoảng 18.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách. Tuy nhiên, các trường hợp kê khai tồn đọng chủ yếu do không có giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết và có những trường hợp được giám định nhưng không có thương tích, hoặc có thương tích nhưng không đủ tỷ lệ để xác nhận thương binh.

Đại biểu Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam nêu tình trạng tồn đọng hơn 860 trường hợp TNXP hy sinh chưa được công nhận liệt sĩ, khoảng 8.700 TNXP bị thương chưa được giải quyết chế độ chính sách của thương binh. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Ngọc Dung cam kết sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cụ thể đối với TNXP. Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Hội Cựu TNXP tổng rà soát, chốt số lượng cựu TNXP tham gia kháng chiến và chọn 2 tỉnh có nhiều TNXP là Quảng Nam, Thanh Hóa để thí điểm giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách cho TNXP.

Bộ trưởng Đặng Ngọc Dung cũng bày tỏ day dứt đối với chất vấn của các đại biểu QH về việc vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ hy sinh trên địa bàn các tỉnh trong nước và nước bạn vẫn chưa được quy tập, còn 300.000 liệt sĩ chưa được xác định danh tính. Bộ trưởng cam kết Bộ LĐ-TB&XH sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức quy tập và xác định danh tính liệt sĩ.

Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng

Trả lời chất vấn của các đại biểu về đào tạo nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận thực trạng quản lý Nhà nước về đào tạo nghề có nhiều bất cập, hạn chế, dẫn đến tình trạng cả nước có nhiều cơ sở đào tạo nghề từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề nhưng chất lượng đào tạo thấp, đào tạo không theo nhu cầu của xã hội, người được đào tạo nghề không tìm được việc làm; năng suất làm việc của lao động Việt Nam thấp so với khu vực. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu 10 nhóm giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong thời gian tới, trong đó xác định 3 nhóm giải pháp đột phá: xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục, đào tạo nghề; tăng cường tự chủ đối với cơ sở đào tạo nghề, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề.

Về việc chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện ma túy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhìn nhận chất lượng dịch vụ của các cơ sở cai nghiện ma túy còn yếu kém, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ cán bộ làm việc tại các cơ sở này còn hạn chế. Công tác điều hành, quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy nặng về hành chính, còn tính chất mệnh lệnh trong khi quan điểm của Đảng và Nhà nước coi người nghiện như là người bệnh. Hiện cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 5 cơ sở cai nghiện bắt buộc và 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý…

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho biết, có 24 đại biểu đăng ký chất vấn, 16 người trực tiếp hỏi tại hội trường và Bộ trưởng đã trả lời 16 đại biểu này, với 8 đại biểu còn lại Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện các giải pháp đã nêu để giải quyết rốt ráo những tồn tại mà các đại biểu QH chất vấn.

Phối hợp với Facebook gỡ bỏ những trang mạo danh lãnh đạo

Trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH chiều 18-4, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.​200 clip xấu độc trên YouTube và sẽ làm việc với Facebook để gỡ bỏ những trang mạo danh lãnh đạo.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH thành phố Đà Nẵng đặt vấn đề thực trạng tin nhắn rác gây phiền toái cho người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ), trong đó có cả nhà mạng. Nhiều trường hợp người sử dụng ĐTDĐ mất tiền oan do bị tự động kích hoạt dịch vụ mà họ không hay biết. Cũng theo ông Sơn, hiện nay, thông tin tiêu cực được các cơ quan báo chí tập trung khai thác quá nhiều, gây tác động ngược, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Trong khi đó, những bài viết, phóng sự về người tốt, việc tốt, về nội dung tích cực thì rất hạn chế. Ngoài ra, ông Sơn cũng đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như những giải pháp căn cơ trong việc định hướng, trấn an dư luận trước những thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng, gây hoang mang trong xã hội.

Liên quan việc ngăn chặn thông tin nói xấu bất hợp pháp, kích động thù hằn... trên mạng internet, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, sắp tới sẽ đẩy mạnh việc cung cấp thông tin chính thống, minh bạch thông tin; trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; xử phạt nghiêm các trường hợp sai phạm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng... Trong thời gian qua, Bộ TT-TT đã yêu cầu gỡ bỏ 2.200 clip xấu độc trên YouTube và đến nay đã ngăn chặn được hơn 1.200 clip. ​Ngoài ra, cơ quan này sẽ phối hợp cùng Facebook để gỡ bỏ những trang giả mạo lãnh đạo...

Về vấn đề tin nhắn rác, Bộ trưởng Tuấn cho rằng, sở dĩ chưa giải quyết được triệt để vì lợi ích của nhiều bên (cả nhà mạng lẫn đại lý và người dùng...). Trong thời gian tới, Bộ sẽ quản lý chặt chẽ tài nguyên kho số quốc gia; giảm đầu 11 số; quy trách nhiệm cho các nhà mạng; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu...; đồng thời hạn chế thuê bao trả trước và khuyến khích thuê bao trả sau.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận, trong thời gian qua, trên một số ấn phẩm báo chí, nhất là báo điện tử khai thác sâu về các vụ án mạng, gây phản cảm, kích động, giật gân câu khách... Bộ trưởng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các cơ quan báo chí nếu để xảy ra sai phạm. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử trong việc thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Về quản lý và xử lý các trang mạng xuất hiện các thông tin xấu, Bộ trưởng Tuấn luôn khuyến khích và đề nghị Sở TT&TT cùng chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp kiểm tra, xử lý các nhà mạng ở trong nước. Tuy nhiên, đối với các mạng ở nước ngoài, việc xử lý rất khó tiếp cận. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tìm giải pháp xử lý vấn đề này.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đối với những thông tin bôi xấu trên mạng, nói xấu cá nhân trên mạng, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin về sự thật, mang cái tốt đấu tranh lại cái xấu, đồng thời tăng cường xử lý nghiêm những người vi phạm.

SƠN TRUNG - TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.