.

Xã hội hóa mạnh hơn dịch vụ sự nghiệp công lập

.

ĐNĐT - Đây một trong những đề nghị của thành phố Đà Nẵng tại buổi làm việc sáng 27-4 với Đoàn giám sát của Quốc hội (QH) khóa XIV về việc thực thi chính sách, pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng ban Công tác đại biểu QH Trần Văn Túy làm Phó Trưởng đoàn.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung.

Theo báo cáo của thành phố Đà Nẵng, công tác cải cách hành chính nói chung và công tác tổ chức bộ máy nói riêng của thành phố từ sau khi chia tách đơn vị hành chính đến nay đều quán triệt nguyên tắc tinh gọn, hạn chế chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, hợp lý, hiệu quả theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và đúng quy định pháp luật.

Từ giai đoạn 2016-2020, thành phố đẩy mạnh phân cấp quản lý trên 5 lĩnh vực thiết yếu: Quản lý tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), quản lý đầu tư công, quản lý đất đai, quản lý đô thị, quản lý ngân sách.

Qua đó từng bước tạo nên chuyển biến tích cực của sở, ban, ngành, quận, huyện trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Thành phố đã chủ động sắp xếp tinh gọn một số đơn vị sự nghiệp trước khi Trung ương có chủ trương. 

Trong những năm qua, thành phố chú trọng tinh giản biên chế bảo đảm 10% theo quy định để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, đồng thời tích cực chuyển đổi 10% các đơn vị sự nghiệp sang cơ chể tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, thành phố đã thực hiện các chính sách đào tạo, thu hút, bố trí sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng vị trí việc làm, đánh giá CBCCVC theo kết quả việc làm phù hợp với quy định pháp luật.

Giải trình các vấn đề do Đoàn giám sát nêu, thành phố thông tin: Vẫn còn sở có số dư cấp phó vượt quy định (Sở Y tế có 5 cấp phó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ có 4 cấp phó) nhưng đến tháng 4 năm 2018 số cấp phó dư sẽ nghỉ hưu.Từ năm 2015 đến nay thành phố đã tinh giản biên chế 185 người.

Thành phố phản ánh vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan như quản lý về hạ tầng giao thông đô thị có sự giao thoa giữa ngành xây dựng và giao thông-vận tải; sự đan xen quản lý an toàn thực phẩm giữa ngành y tế, nông nghiệp và công thương; một số đơn vị vừa thực hiện quản lý Nhà nước vừa hoạt động sự nghiệp…

Giao dịch tại “một cửa” phường Bình Thuận, quận Hải Châu.
Giao dịch tại “một cửa” phường Bình Thuận, quận Hải Châu.

Trên cơ sở những bất cập về tổ chức bộ máy hành chính, Đà Nẵng đề xuất Trung ương một số vấn đề: Nghiên cứu xây dựng cơ chế thí điểm giao quyền tự chủ về sử dụng nhân lực tại một số địa phương nộp ngân sách; đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa mạnh hơn dịch vụ sự nghiệp công lập, nhất là giáo dục, y tế; tiếp tục phân công phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và số người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập; từng bước chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức đặt hàng mà không phân biệt đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; hạn chế thành lập đơn vị sự nghiệp mà các tổ chức tư nhân có khả năng đảm nhận.

Đà Nẵng kiến nghị Trung ương có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng nhân lực tại các địa phương; cân đối phương án giao biên chế phù hợp, đặc biệt là biên chế công chức, tránh tình trạng cùng cơ quan chuyên môn nhưng ở tỉnh này có số lượng người làm việc nhiều hơn tỉnh khác nhưng khi giảm biên chế lại cào bằng tỉ lệ như nhau.

Về tinh giản biên chế, thành phố đề nghị cần có chính sách mở hơn so với quy định hiện nay nhằm 

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng: Thủ tục tinh giản biên chế còn rườm rà

Quy trình, thủ tục hành chính giải quyết chính sách tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định 108/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ rất rườm rà, hồ sơ phải chuyển ra Bộ Nội vụ thẩm định gây khó khăn cho địa phương.

Quy định còn gây khó cho nhiều trường hợp suy giảm sức khỏe, mất sức lao động, thậm chí mắc bệnh ung thư… vẫn không đủ điều kiện để xin nghỉ theo chính sách này.  

Tại Sở Y tế Đà Nẵng đã có một trường hợp tương tự xin nghỉ chế độ Nghị định 108/NĐ-CP nhưng việc giải quyết thủ tục chưa xong người này đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo, không kịp nhận chế độ.

“Cần phải trao cho địa phương quyền được tự chủ trong thực hiện chính sách tinh giản biên chế mới thực hiện được cơ cấu lại tổ chức biên chế. Ở đây Trung ương “thắt nút” cả hai đầu vào và ra làm sao địa phương cơ cấu được”, ông Đồng nói.

khuyến khích những người không bảo đảm sức khỏe, không còn năng lực công tác được nghỉ chế độ.

Thang bảng lương hiện nay chủ yếu dựa theo thâm niên, mang tính bình quân, dàn trải, chi trả lương không gắn với vị trí và kết quả làm việc. Do vậy cần phải xây dựng thang bảng lương CBCC theo hướng quy định mức lương cho từng chức danh, vị trí công việc, thực hiện công bố tiền lương năm cho từng chức danh và vị trí việc làm.

Đà Nẵng đề nghị Trung ương xem xét xóa bỏ chức danh người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã mà quy định thêm số lượng công chức thay thế để phù hợp với đơn vị hành chính, tạo động lực cho công chức an tâm công tác.

Đoàn giám sát đánh giá cao kết thực thi chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước với nhiều đột phá. Những kiến nghị của Đà Nẵng được đoàn tiếp thu ghi nhận trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Tin và ảnh: S.TRUNG
 

;
.
.
.
.
.