.

Xác định rõ trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy

.

ĐNĐT - Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 15 vụ cháy, làm 3 người chết, thiệt hại tài sản khoảng hơn 300 triệu đồng. Chưa có thống kê chính xác nguyên nhân các vụ cháy, song qua điều tra ban đầu cho thấy khoảng hơn 60% nguyên nhân cháy do sự cố về hệ thống điện.

Thông tin trên được nêu tại hội nghị công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn Đà Nẵng do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì vào ngày 20-4. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo từ Cảnh sát PCCC thành phố, nhóm có nguy cơ cao nhất xảy ra cháy nổ về điện là nhà dân, các chợ, khu chung cư thu nhập thấp, khu dân cư (KDC), cơ sở có mặt bằng cho thuê, nhà trọ. Hiện nay, toàn thành phố có 70 chợ, 40 siêu thị và trung tâm thương mại, 836 cụm, KDC, 196 cơ sở cho thuê mặt bằng thuộc diện quản lý về PCCC… đều có nguy cơ cháy, nổ cao.

Theo ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, nguyên nhân chập, phóng điện gây cháy thường là do các hộ dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện và vì người dân câu trộm điện rồi đấu nối sai, hệ thống dây điện sau công-tơ không bảo đảm yêu cầu. Chỉ riêng quý 1-2017, Điện lực Đà Nẵng phát hiện đến 28 vụ trộm cắp điện, với trên 100.000kW/h điện thất thoát. Hiện Điện lực Đà Nẵng cũng đã phát triển thêm dịch vụ lắp đặt dây dẫn sau công-tơ với chi phí hợp lý để khách hàng sử dụng điện có hệ thống dây dẫn bảo đảm an toàn.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, lâu nay ngành điện chỉ có trách nhiệm bán điện, nay cần phải gắn thêm trách nhiệm cụ thể của ngành nếu xác định nguyên nhân cháy, nổ do điện. Tương tự, nếu xảy ra cháy do gas thì cơ sở kinh doanh gas phải chịu trách nhiệm. “Ngoài việc tư vấn, hướng dẫn người dân về cách sử dụng điện an toàn, ngành điện lực cũng cần tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát vi phạm, nhắc nhở, cảnh báo nguy cơ cho người dân; khuyến khích việc hướng dẫn lắp đặt hệ thống dây điện sau công-tơ nhưng xem xét giá cả hợp lý để người dân được sử dụng điện an toàn”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nói.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự phối hợp giải quyết hậu quả cháy nổ, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu: “Cả hệ thống chính trị, trong đó người đứng đầu địa phương, cơ sở phải vào cuộc để tuyên truyền, hướng dẫn, trang bị đầy đủ kiến thức về PCCC tới từng hộ dân để họ làm tốt công tác phòng ngừa. Việc này phải làm thực chất, đừng làm theo kiểu hình thức. Hầu hết các vụ cháy nếu được xử lý kịp thời tại chỗ chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản”.

Dẫn chứng vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại số 48 Nguyễn Tư Giản (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) của hộ ông Nguyễn Văn Bảy vào ngày 5-4 làm 3 người chết, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ truy vấn lãnh đạo phường này về việc có nắm hộ ông Bảy đã được tuyên truyền kiến thức và trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà hay chưa; Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ An cho hay, trên danh sách, hộ ông Bảy đã được trang bị, còn thực tế thì… chưa chắc. Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Huỳnh Cự cùng thừa nhận, mặc dù công tác tuyên truyền kiến thức PCCC được các cấp triển khai khá tốt song khâu kiểm tra, giám sát lại chưa tốt. Bên cạnh đó, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy xách tay và kỹ năng thoát hiểm khi có cháy nổ xảy ra ở phần đông người dân còn nhiều hạn chế. Theo Đại tá Trần Đình Chung, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng, trong vụ cháy nói trên, ngoài việc thiếu kiến thức PCCC, hoạt động phối hợp trong xử lý sự cố còn chậm, thiếu chặt chẽ. Đại tá Trần Đình Chung kiến nghị cần tập huấn cho người dân sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy và trang bị ít nhất mỗi hộ 1 bình chữa cháy để kịp xử lý khi có sự cố xảy ra.

Về vụ cháy nhà số 48 Nguyễn Tư Giản, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định: Chắc chắn gia đình này chưa trang bị bình chữa cháy vì khi trực tiếp kiểm tra hiện trường, quan sát trong đống đổ nát không hề có bình hoặc xác bình chữa cháy mini. Nếu được trang bị bình chữa cháy, số người được sống sót có thể cao hơn.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng yêu cầu thời gian đến, lãnh đạo cấp phường, xã phải sắp xếp thời gian tới từng hộ dân nhắc nhở, tuyên truyền về công tác PCCC. Với hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, UBND quận, huyện chủ động vận động kinh phí, nếu không có nguồn vận động thì trích ngân sách quận mua bình chữa cháy mini cấp cho 100% hộ dân.

ĐẮC MẠNH

* Sáng 20-4, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC &CNCH) số 4, phối hợp với UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) tổ chức diễn tập phương án chữa cháy với tình huống giả định: đám cháy bùng phát tại Hội trường nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư Quang Thành 3B1 và một dãy trọ của nhà dân thuộc địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, thu hút hàng trăm người dân trên địa bàn phường tham gia.  

Ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc cho biết, việc phối hợp xây dựng và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao tính chủ động, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng để xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra; qua đó, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy nổ ở khu dân cư.

TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.