Hỗ trợ dân thoát nghèo bền vững

.

Trong căn nhà mới thơm mùi vôi vữa, ông Nguyễn Mỹ  (SN 1965, ngụ tổ 75) xúc động chia sẻ: “Tôi sửa xe tại nhà, còn vợ tôi bán quán ăn nhỏ vào buổi chiều cho bà con lối xóm nên thu nhập của hai vợ chồng chắt chiu lắm mới đủ chi tiêu cho cả nhà, chăm lo mẹ già hay đau ốm và nuôi dưỡng hai người con. Nếu không có số tiền 20 triệu đồng phường hỗ trợ, chắc chắn vợ chồng tôi cũng không quyết tâm vay thêm 20 triệu đồng nữa để sửa chữa lại căn nhà đã xuống cấp. Căn nhà mới khang trang, kiên cố hơn là giấc mơ mà tôi chưa từng dám nghĩ đến”.

Nhờ sự quan tâm kịp thời, chu đáo của chính quyền địa phương, anh Trần Quốc Nguyện dần ổn định cuộc sống.
Nhờ sự quan tâm kịp thời, chu đáo của chính quyền địa phương, anh Trần Quốc Nguyện dần ổn định cuộc sống.

Theo lời ông Nguyễn Mỹ, căn nhà cũ của gia đình ông trước đây đã xuống cấp trầm trọng, gỗ mục nát, mái tôn gỉ sét, nền phòng khách lởm chởm “ổ gà”; bếp là miếng ván kê tạm để nấu ăn, vệ sinh cá nhân phải đi nhờ bên nhà hàng xóm. Với trường hợp gia đình ông Mỹ, chính quyền địa phương không chỉ hỗ trợ sửa chữa nhà, mà còn trợ giúp sinh kế để làm ăn. Nhờ đó, ông Mỹ có thể cải thiện dụng cụ sửa xe, bà Tú có bàn ghế để buôn bán gánh ăn nhỏ, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn.

Bà Nguyễn Thị Lợi (SN 1956, ngụ tổ 80) dị tật ở chân, khiếm thính và mất sức lao động. Nhiều năm qua, hai mẹ con bà nương tựa nhau trong căn nhà vỏn vẹn 20m2 ọp ẹp, xuống cấp trầm trọng, không có phòng riêng và nhà vệ sinh. Khi người con trai lấy vợ, sinh hoạt gia đình gặp nhiều bất tiện. Khi được hỗ trợ 50 triệu đồng, bà Lợi vay mượn thêm và cất nhà mới kiên cố.

Theo ông Lê Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững phường (viết tắt là BGN phường), đa số người dân trên địa bàn phường là lao động phổ thông hoặc buôn bán nhỏ. Đầu năm 2017, tổng số hộ nghèo của phường là 159 hộ với 656 nhân khẩu, hộ cận nghèo là 59 hộ với 235 nhân khẩu; trong đó, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 28 hộ. Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo luôn được phường thực hiện quyết liệt bằng nhiều hình thức và mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngày từ đầu năm 2017, BGN phường tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với từng hộ nghèo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; từ đó, có những biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, phường chú trọng huy động các nguồn lực để giúp các hộ nghèo cải thiện nhà ở. Từ đầu năm đến nay, phường đã hỗ trợ 2 hộ xây mới nhà và 2 hộ sửa chữa nhà; xác nhận đơn cho 3 trường hợp hộ nghèo bức xúc về nhà ở có nhu cầu thuê chung cư…

Để bảo đảm giảm nghèo bền vững, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo phường Bình Thuận là trao “cần câu” chứ không trao “con cá”; bản thân các hộ nghèo cũng nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Là một trong những trường hợp vừa được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để tự vươn lên thoát nghèo, anh Trần Quốc Nguyện (SN 1980, tổ 70) tâm sự: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất chật vật khi đồng lương công nhân của vợ tôi thấp, thu nhập từ công việc photocopy của tôi lại bấp bênh. Không chỉ hỗ trợ tôi sửa lại máy photocopy, trang bị thêm mực và giấy in; địa phương còn tư vấn tôi mua thêm xe nước mía đặt trước cửa hàng photocopy để kinh doanh. Nhờ đó, tôi đã cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình”.

Theo ông Lê Hữu Công, từ năm 2016 đến nay, Quỹ Vì người nghèo của địa phương đã hỗ trợ sinh kế cho 5 hộ; qua đó, giúp cho các hộ nghèo có điều kiện làm ăn và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.