KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Đưa vi phạm kinh doanh đa cấp vào Bộ luật Hình sự

.

Chiều 24-5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng đã có bài phát biểu trước QH. Báo Đà Nẵng trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu này.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu trong phiên thảo luận.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu trong phiên thảo luận.

Trước hết, tôi bày tỏ sự tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH trình bày. Tôi cũng tán thành với việc quy định bổ sung thêm trách nhiệm của pháp nhân thương mại đối với tội “Tài trợ khủng bố”.

Đồng thời, tôi cũng nhất trí cao với việc cần có một tội danh quy định riêng cho việc bán hàng đa cấp trái pháp luật. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” - Khoản 49, Điều 1 của dự thảo luật thì thấy rằng, quy định chưa được rõ nét về yếu tố cấu thành cơ bản để phân biệt giữa tội này với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vì vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ hơn dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội này để bảo đảm xác định nhanh và xử lý vụ việc được thuận lợi.

Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, hình phạt của tội danh này còn quá nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh loại tội phạm này. Bởi, giữa hành vi lừa đảo và hành vi lừa đảo thông qua hoạt động bán hàng đa cấp thì tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi lừa đảo thông qua hoạt động bán hàng đa cấp trái phép lớn hơn rất nhiều so với hành vi lừa đảo thông thường. Mức độ ảnh hưởng và tác động đến nhiều người hơn, thiệt hại lớn hơn. Thời gian qua, chúng ta thấy nhiều vụ có đến hàng chục người, thậm chí hàng chục ngàn người thuộc nhiều tỉnh, thành khác nhau bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khung hình phạt của tội danh này được quy định trong dự thảo luật chưa tương xứng, chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong công cuộc đấu tranh đối với loại tội phạm này. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét thêm vấn đề này.

Thứ hai, về vấn đề quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội (Khoản 13, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 86 BLHS 2015), tại điểm c, Khoản 1, Điều 86 quy định: “Nếu hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì được cộng lại thành hình phạt chung nhưng không vượt quá 3 năm”. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 78 BLHS 2015, thời hạn đình chỉ hoạt động có thời hạn là từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu trong trường hợp này, nhiều hành vi vi phạm đều xử lý ở mức cao nhất là 3 năm nhưng khi tổng hợp hình phạt cũng chỉ tối đa là 3 năm thì chưa hợp lý, chưa tương xứng với sai phạm đã xảy ra, không đủ sức răn đe. Do đó, tôi đề nghị nên xem xét mức tổng hợp hình phạt ít nhất phải lớn hơn mức phạt tối đa của một hành vi phạm tội.

Thứ ba, Khoản 2, Điều 1 - sửa đổi, bổ sung Điều 9 - BLHS 2015 về phân loại tội phạm vẫn giữ nguyên 4 loại tội phạm là: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, mỗi một loại tội phạm tương ứng với mức hình phạt là phạt tù đến 3 năm; từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù; từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù; từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên, trong các điều luật cụ thể như tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV tôi đã nêu, có nhiều điều khoản mà khung hình phạt nằm vắt ngang giữa tội ít nghiêm trọng với tội nghiêm trọng, giữa tội nghiêm trọng với tội rất nghiêm trọng, giữa tội rất nghiêm trọng với tội đặc biệt nghiêm trọng. Tôi cho rằng quy định như trên không phù hợp với phân loại tội phạm quy định tại Điều 9 của BLHS 2015; mặt khác, quy định như trên dẫn đến khung hình phạt quá rộng, là điều kiện để dẫn đến sự tùy tiện trong việc áp dụng luật, cũng như khó xác định mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội cụ thể, dẫn đến chính sách hình sự không đạt được mục đích đề ra.

ĐB NGUYỄN BÁ SƠN

;
.
.
.
.
.