Phía sau "hung thần xa lộ"

.

Những tài xế xe container thường bị người đời gắn cho biệt danh “hung thần xa lộ” - nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Nhưng ít ai biết, đằng sau biệt danh ấy là những nỗi khổ khó nói hết bằng lời…

l Bất cập về hạ tầng giao thông khiến xe container đi chung đường với các phương tiện giao thông khác cũng là nỗi ám ảnh với tài xế container.
Bất cập về hạ tầng giao thông khiến xe container đi chung đường với các phương tiện giao thông khác cũng là nỗi ám ảnh với tài xế container.  Ảnh: THANH TÂN

Chỉ mong “đi an, về yên”

Lê Văn Anh Vũ (SN 1982, người gốc Huế, trú tại đường Nguyễn Quang Bích, quận Hải Châu, Đà Nẵng) trải lòng, cầm tay lái hơn 10 năm nhưng chỉ 4 năm trở lại đây khi lái xe container anh mới hiểu hết áp lực của nghề tài xế. Điều khiển con xe nặng mấy chục tấn lưu thông trên đường không phải dễ dàng, nhưng tài xế container không ít lần bị người đời đồn thổi bằng những câu chuyện không có thật hoặc chỉ có ở một bộ phận nhỏ “làm rầu nồi canh”. Người ta gọi những người lái xe container là “hung thần xa lộ”, “tử thần đường phố”… “Một lần, tôi vào quán cà-phê, nghe nhóm bạn trẻ bàn bên cạnh tán gẫu về nghề lái xe container. Một cậu nói: Lái xe container mà nhỡ tông phải ai thì sẽ de xe tới/lui để cán chết người đó, chứ không để người ta “sống dở chết dở”, vì như vậy phải nuôi nạn nhân cả đời. Những cậu thanh niên còn lại đều gật gù đồng tình và nói cũng đã nghe nhiều người kể vậy. Tôi nghe mà hết sức xót xa. Tài xế container cũng là con người, cũng có lương tâm. Lương tâm không bao giờ cho phép chúng tôi làm thế”, anh trầm giọng.

Theo anh Vũ, có câu chuyện đồn thổi trên có thể do cách đây vài năm, báo chí đưa tin một tài xế container ở tỉnh Bình Dương tông trúng người đi xe máy và tài xế đã không giữ tay phanh mà để xe lùi lại, khiến bánh xe cán qua người bị nạn một lần nữa. Tuy nhiên, anh và các đồng nghiệp đều cho rằng, trong trường hợp đó, khi gây tai nạn, tài xế đã quá hoảng loạn nên mới để xảy ra tình trạng trên và đó là trường hợp hy hữu cho đến thời điểm này.

Anh Vũ còn chia sẻ, tài xế container cũng có cha mẹ và vợ con. Mỗi sáng khi ra khỏi nhà, họ cũng mong “đi an, về yên” với gia đình. Khoảng cách từ tay lái đến mặt đường khá cao, một số trường hợp tầm nhìn rất hạn chế. “Sợ nhất là những gã say rượu chực đâm vào xe hay những bà, cô đi chợ sớm, đi xe không còi, không đèn xuất hiện lờ mờ, đột ngột trong đêm tối. Vì vậy, không chỉ người đi đường sợ chúng tôi mà thực sự trong một số trường hợp, chính họ làm chúng tôi rất sợ…”, anh Nguyễn Hữu Bảo (42 tuổi, người gốc Quảng Ngãi) bộc bạch.

Thực tế, để cầm lái chiếc container không phải đơn giản. Trước tiên phải có bằng B2 (xe con), chạy xe con vài năm thì nâng cấp lên bằng C (xe tải), chạy xe tải vài năm mới lên được bằng FC - bằng container. Thời gian học dài khiến cánh lái xe container được cho là “bản lĩnh” hơn những người lái xe khác. Theo quy định mới, tài xế container không được lái quá 4 tiếng liên tục. Tại Công ty CP Container miền Trung Đà Nẵng, các tài xế được tuyển vào dù đã có bằng nhưng vẫn phải trải qua các đợt kiểm tra, sát hạch, đào tạo lại nghiệp vụ và đạo đức nghề. Tất cả các đầu xe của công ty đều được gắn thiết bị định vị kiểm soát đường đi và thời gian làm việc của các tài xế như: không được chạy liên tục quá 4 giờ đồng hồ, ngày tổng cộng không lái quá 10 giờ… Chặt chẽ là vậy, song, mỗi năm, các tài xế của công ty này vẫn để xảy ra 1-2 vụ tai nạn. “Các tai nạn có nhiều mức độ và do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan từ tài xế. Chỉ cần một phút mất tập trung sẽ xảy ra chuyện ngay”, ông Hồ Khả Quốc, Trưởng phòng Vận tải (Công ty CP Container miền Trung Đà Nẵng) thừa nhận. Với những trường hợp tai nạn do nguyên nhân chủ quan, các tài xế sẽ bị công ty cảnh cáo, xử phạt, buộc thôi việc, tùy mức độ. “Các lỗi như vượt đèn đỏ, lấn đường thì không có gì để biện hộ, công ty sẽ xử lý nghiêm”, ông Quốc khẳng định.

Tài xế container luôn phải đối mặt với hiểm nguy trên những cung đường (ảnh nhỏ).  Ảnh: THANH TÂN
Tài xế container luôn phải đối mặt với hiểm nguy trên những cung đường. Ảnh: THANH TÂN

Lắm vất vả, nhiều hiểm nguy

Anh Lê Văn Tam (SN 1985, trú đường Ngô Thiện Kế, quận Sơn Trà), bộc bạch, mỗi khi chạy xe về đến bãi mà nghe tin đồng nghiệp gây tai nạn ở đâu là cánh tài xế đều buồn rười rượi, cả ngày hôm đó không còn động lực chạy xe nữa, phần thương bạn, thương người gặp nạn và phần xót xa cho cái nghề mình đã chọn. Lái xe container là nghề vô cùng nguy hiểm bởi chỉ sơ sểnh một chút là gây họa cho người khác và cho chính bản thân. Cánh tài xế container bươn chải ngoài đường cả ngày, chở hàng đến bãi thì dầm dề chờ đợi bốc dỡ hàng, ăn uống thất thường khiến hầu như 90% lái xe đều bị bệnh dạ dày, thoái hóa cột sống. Trong đó, họ sợ nhất là tình trạng thiếu ngủ. Chẳng thế mà đa phần cánh tài xế container đều có ngoại hình na ná nhau: nhỏ thó, mặt mũi gầy quắt, da sạm đen, mắt lúc nào cũng đờ đẫn như mất ngủ.

Mười mấy năm cầm vô-lăng container nhưng với tài xế Nguyễn Hữu Bảo (hiện là tài xế của Công ty CP Container miền Trung Đà Nẵng), mỗi lần bước lên đầu máy chiếc xe phục phịch, dài ngoằng, bất giác mọi giác quan của anh sẽ “tự động” chuyển sang trạng thái “căng tựa dây đàn”! Nhớ lại thời còn chạy xe chở trái cây tuyến Bắc - Nam cho một công ty vận tải tư nhân ở Phan Thiết, anh Bảo cứ “ớn lạnh”. Ăn không đúng bữa, giấc ngủ chập chờn, tai nạn chờ chực, ngày cũng như đêm, không biết đến thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tạm quên nhớ vợ, nhớ con… là những gì những tài xế xe đầu kéo đường dài như anh Bảo phải nếm trải triền miên trên những cung đường vô tận. Anh Bảo kể, hồi làm ở Phan Thiết, thường thì mỗi tháng anh mới được về thăm nhà một lần. Vậy mà có khi vừa chạm chân tới sân nhà, công ty điện thoại “giật giọng” có đơn hàng gấp, thế là chưa kịp tắm rửa, chưa kịp ăn bữa cơm với vợ con lại phải quay xe đi.

Vào nghề chừng vài năm, “bạn đường” thân thiết của cánh tài xế container luôn là những chất kích thích gây nghiện, độc hại như: thuốc lá, cà-phê, nước tăng lực đóng chai… để duy trì sự tỉnh táo trên những cung đường xa thẳm. Vì phải thường xuyên chống chọi với những cơn buồn ngủ, lâu ngày, nhịp sinh học thay đổi, giấc ngủ của các tài xế như anh Bảo cũng trở nên bất thường. “Có những giờ nghỉ giữa ca có thể ngủ nhưng không tài nào chợp mắt”, anh Bảo thổ lộ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu vận tải bằng container ngày càng tăng cao, riêng lĩnh vực vật liệu xây dựng chiếm trên 50% các loại hàng hóa loại xe này vận chuyển. Theo các đơn vị kinh doanh vận tải, chừng 5 năm trở lại đây, dịch vụ vận tải container tại Đà Nẵng bùng nổ, mật độ container lưu thông trên các tuyến đường ngày càng dày đặc. Đơn cử như Công ty CP Container miền Trung Đà Nẵng ngày mới thành lập chỉ có 5 đầu xe thì nay đã có đến 50 đầu xe. Một doanh nghiệp nhỏ chuyên chở đồ điện tử nhỏ như Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Container Minh Tiến cũng có đến 12 đầu xe với 12 tài xế. Đà Nẵng hiện có 283 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải với 1.745 xe đã được cấp phù hiệu xe container. Theo chia sẻ của người trong nghề, phần lớn các đơn vị làm việc với đối tác, nhà thầu nước ngoài đều có những ràng buộc, kỷ luật về an toàn rất chặt chẽ. Số còn lại, nhất là các công ty vận tải tư nhân chủ yếu chạy theo số lượng đơn hàng thì tài xế thường phải lái xuyên ngày đêm nên tai nạn xảy ra do tài xế làm việc trong trạng thái thiếu tỉnh táo và quá sức… Bên cạnh đó, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện cũng là nỗi ám ảnh thường trực với họ.

Thế nên, khi được hỏi về một ước ao trong đời lái xe container, một tài xế chia sẻ: “Chúng tôi không phủ nhận một số tai nạn trên đường do tài xế container gây ra, đa phần do thiếu tập trung hoặc mất ngủ. Do đó, chúng tôi đều mong mỏi được làm việc theo chế độ của một người lao động bình thường: có ngày nghỉ, giờ làm việc không kéo dài, không quá áp lực về thời gian chở hàng... Nếu được như vậy, chắc chắn tai nạn giảm nhiều”...

Ông Hồ Khả Quốc, Trưởng phòng Vận tải - Công ty CP Container miền Trung Đà Nẵng: Cần triển khai nhanh cảng Liên Chiểu

Nhu cầu vận tải của Đà Nẵng ngày càng lớn nhưng nhiều năm trở lại đây hạ tầng giao thông không có nhiều thay đổi. Để đi vào cảng Tiên Sa (cảng biển hàng hóa duy nhất tại Đà Nẵng) thì chỉ có độc nhất tuyến đường Yết Kiêu-Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn. Phải đi đường chung với các loại phương tiện khác trong khi xe container di chuyển liên tục do hàng hóa nhiều nên tình hình giao thông càng phức tạp, gây bất an cho tất cả phương tiện lưu thông trên đoạn đường đó. Để giải quyết vấn đề này, điểm mấu chốt là phải quy hoạch, phân luồng giao thông. Phương án xây dựng cảng Liên Chiểu là hợp lý, cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng này.

Thanh Tân - Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.