Nhà báo trước áp lực mạng xã hội

.

Trong môi trường truyền thông số không ngừng phát triển mạnh mẽ, các trang mạng xã hội (MXH) ra đời ngày một nhiều, mang đến nguồn thông tin khá phong phú và tính tương tác cao. Tin tức trên các trang MXH được cập nhật liên tục, vô hình trung tạo áp lực rất lớn đối với các tòa soạn và nhà báo, bởi nếu không nhanh chân nhập cuộc, đổi mới phương thức tác nghiệp, cách đưa tin thì sẽ rơi vào cảnh “theo đuôi” tin tức trên các trang MXH.

Một trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý do đưa thông tin bịa đặt trên trang Facebook, nhằm mục đích gây sự chú ý của mọi người để… bán hàng (!).
Một trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý do đưa thông tin bịa đặt trên trang Facebook, nhằm mục đích gây sự chú ý của mọi người để… bán hàng (!).

Ở Việt Nam, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram... được sử dụng khá phổ biến. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản để đăng ký theo quy định, ai cũng có thể sở hữu một tài khoản trên những trang mạng này. Tin tức trên MXH có tốc độ lan truyền chóng mặt, kết nối, giúp mọi người gần nhau hơn, cập nhật, theo dõi thông tin thuận tiện qua hình thức “like”, chia sẻ...

Nhiều phóng viên, nhà báo xem MXH là nguồn thông tin để chọn lọc và thực hiện các bài viết. Nhà báo Trương Thanh Thế (Đài Phát thanh - Truyền hình Kon Tum) nhìn nhận: Có nhiều nguồn tin rất hay mà các nhà báo, phóng viên “chộp” được thông qua những trang MXH, làm cơ sở cho việc thực hiện tác phẩm của mình. Bởi lẽ thực tế, có không ít sự việc nhờ một số trang MXH phản ánh, các cơ quan báo chí vào cuộc điều tra, thực hiện bài viết đã buộc cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Nói cách khác, ngày nay, báo chí chính thống không còn là nguồn thông tin “độc quyền” nữa và MXH đang ngày càng “lên ngôi”, là một trong những nguồn thông tin có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội.

Tuy nhiên, MXH cũng như “con dao hai lưỡi” bởi tình trạng thông tin thật giả lẫn lộn, rất khó xác định đâu là thông tin thực tế, đâu là bịa đặt. Không ít kẻ xấu đã lợi dụng các trang MXH để đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, bịa đặt, gây hoang mang, lo lắng cho mọi người. Mới đây, xảy ra sự việc hai đối tượng tung tin thất thiệt trên trang Facebook về 2 vụ bắt cóc trẻ em trên địa bàn quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), với mục đích gây sự chú ý… dễ bán hàng. Trong trường hợp này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí phải nhanh chóng phản ánh sự việc, trấn an dư luận.  

Nhà báo Đặng Quang Ngọc (Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình) cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí không thể “chạy đua” thông tin với các trang MXH. Dù thông tin trên MXH phong phú đến đâu, độc giả vẫn tìm đến các tờ báo chính thống để kiểm chứng nguồn tin. “Vấn đề đáng quan tâm ở đây là trước sự phát triển ồ ạt của các trang mạng, các tờ báo điện tử cần phải cải tiến mạnh mẽ hình thức đưa tin nhanh nhạy, chính xác để định hướng dư luận. Thậm chí tòa soạn phải đưa đường liên kết (link) bài viết lên các trang MXH để thu hút, tương tác độc giả”, nhà báo Đặng Quang Ngọc nói thêm.  

Còn nhà báo Nguyễn Chí Linh, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Trị cho rằng, MXH là môi trường ảo, trong đó có những thông tin được phản ánh chân thực và những thông tin thiếu chân thực, giả tạo nhằm gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh trật tự. Chúng ta thừa nhận rằng, thông tin được cập nhật trên MXH khá nhanh nhạy, có sức lan tỏa cao, tạo áp lực buộc báo chí phải thông tin nhanh hơn nữa.

Tác nghiệp trong môi trường truyền thông số hiện nay, đội ngũ nhà báo cần năng động nhiều hơn, cường độ làm việc cao hơn để đổi mới hình thức đưa tin theo hướng nhanh nhạy, chính xác; đồng thời, phải biết kiểm chứng, phản bác những thông tin xấu trên MXH, định hướng dư luận tiếp cận thông tin. Cũng theo nhà báo Nguyễn Chí Linh, áp lực của truyền thông số đòi hỏi các tòa soạn phải có sự đầu tư con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị để cho ra đời những tác phẩm báo chí đa phương tiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả.

Qua 13 năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Báo mạng điện tử, thạc sĩ Vũ Thế Cường (giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhìn nhận, báo chí khó có thể cạnh tranh về tốc độ thông tin với các trang MXH. Nhưng trong thời đại công nghệ số, xu hướng phát triển báo mạng điện tử đa phương tiện đang ngày càng lên ngôi. Điều này đặt ra yêu cầu các tòa soạn phải đẩy mạnh phát triển các loại hình báo chí.

Thêm vào đó, tâm lý tiếp cận thông tin của độc giả yêu cầu nhanh và chính xác cũng là một trong những thách thức lớn đối với nhà báo. Kỹ năng tác nghiệp của nhà báo phải được trang bị như một “con dao Thụy Sĩ” (đa chức năng) để đáp ứng yêu cầu về làm báo đa phương tiện, tránh tình trạng đưa thông tin quá chậm so với các trang MXH. Cùng với đó, các tòa soạn phải nhạy bén trong chỉ đạo, khai thác thông tin, tận dụng các trang MXH để quảng bá tác phẩm của mình, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.