40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Lào (18-7-1977 - 18-7-2017)

Nhịp cầu kết nối tình hữu nghị Việt-Lào

.

Những năm qua, số lượng du học sinh Lào theo học tại các trường đại học thành viên thuộc Đại học (ĐH) Đà Nẵng ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều thế hệ du học sinh Lào đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước bạn; qua đó cũng hun đúc và củng cố thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Lào nói chung, giữa Đà Nẵng với các địa phương của Lào nói riêng ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu.

Các du học sinh Lào có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện được Trường ĐH Kinh tế trao bằng khen tại lễ tốt nghiệp đại học đợt 1, năm học 2016-2017. (Ảnh do Trường ĐH Kinh tế cung cấp).
Các du học sinh Lào có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện được Trường ĐH Kinh tế trao bằng khen tại lễ tốt nghiệp đại học đợt 1, năm học 2016-2017. (Ảnh do Trường ĐH Kinh tế cung cấp).

Manisene Thongmany (Khoa Luật Kinh tế) là 1 trong 5 du học sinh Lào vừa vinh dự được nhận bằng khen của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tại lễ tốt nghiệp ĐH đợt 1, năm học 2016-2017 vào cuối tháng 1 năm nay vì đạt thành tích cao trong học tập, đặc biệt là đã tham gia tích cực vào các hoạt động do Đoàn - Hội Sinh viên nhà trường tổ chức. Ít ai biết rằng, chàng trai đến từ tỉnh Khammouane đã có ấn tượng đặc biệt với thành phố Đà Nẵng từ lâu, dù chỉ là qua những thước phim, tấm ảnh chụp trên mạng xã hội. “Trước đây, mình chỉ biết đến thành phố bên bờ sông Hàn qua những video mà bạn bè quay được trong những chuyến du lịch, để rồi từ đó mình yêu mến thành phố này lúc nào không hay. Ngoài ra, theo mình tìm hiểu, nhiều trường ĐH tại đây có chương trình giảng dạy chất lượng, cộng với những cảnh đẹp tại Đà Nẵng là lý do khiến mình chọn sinh sống, học tập trong thời gian dài tại nơi này”, Manisene Thongmany chia sẻ.

Với Thongmany, học tiếng Việt là một thách thức vì cách phát âm của tiếng Việt khác tiếng Lào, vốn từ tiếng Việt lại phong phú, đa dạng; tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ tận tình của giáo viên, các bạn sinh viên Việt Nam, Thongmany đã nhanh chóng bắt nhịp được với việc học tập và cuộc sống ở Đà Nẵng. Bên cạnh thành tích học tập đáng nể khi hoàn thành tốt chương trình học chuyên ngành Luật Kinh doanh chỉ trong chưa đầy 4 năm, Thongmany còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể thao do Đoàn, Hội tổ chức. “Đến với một vùng đất mới, ngôn ngữ lạ, ngoài sự nỗ lực của bản thân, em còn nhận được tình cảm nồng ấm từ các bạn sinh viên Việt Nam thân thiện, luôn hỗ trợ, giúp đỡ em khi gặp khó khăn. Những ngày tháng học tập tại nơi đây thực sự là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời của mình”, Thongmany chia sẻ.

Còn đối với sinh viên Vasavang Khotsombath đến từ tỉnh Savanakhet, niềm mong muốn tìm hiểu văn hóa, ẩm thực Việt Nam chính là lý do thôi thúc Vasavang chọn Đà Nẵng là nơi dừng chân tiếp theo trên hành trình của cuộc đời mình. “Gia đình mình vốn kinh doanh hàng nông sản, mình cũng yêu thích ngành Luật nên đã không đắn đo khi lựa chọn theo học ngành Luật Kinh doanh tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Qua tìm hiểu từ các anh chị du học sinh đi trước, mình biết đây là ngôi trường có chất lượng giảng dạy tốt nên gia đình và bạn bè rất ủng hộ”, Vasavang chia sẻ. Vượt qua những khó khăn ban đầu, sau hơn 3 năm sinh sống và học tập tại thành phố biển xinh đẹp này, Vasavang tâm sự rằng em thấy mọi thứ ở Đà Nẵng đã trở nên thân quen, gắn bó, thân thương như chính quê hương của mình. Những tên đường, món ăn đều đã trở nên quen thuộc, nhất là người dân, bạn bè rất thân thiện, quý mến, vì thế mà nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương dần vơi bớt. Cũng giống như cậu bạn đồng hương Thongmany, Vasavang là một trong 5 sinh viên Lào được Trường ĐH Kinh tế khen thưởng tại lễ tốt nghiệp ĐH đợt 1 vừa qua vì đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện.

Giống như các đàn anh Manisene Thongmany và Vasavang Khotsombath, cả Kenphanavanh Soukanya (Khoa Công nghệ thông tin) và Bounmala Phetsamon (Khoa Môi trường) - sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đều cảm nhận được những khó khăn thời gian đầu khi theo học xa nhà, bởi đời sống, văn hóa có phần khác biệt. Kenphanavanh Soukanya cho biết, thầy cô giáo ở trường cũng như các bạn bè sinh viên Việt Nam quan tâm, động viên, hỗ trợ nhiều điều trong học tập và cuộc sống. Ngoài ra, nhà trường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao thu hút đông đảo sinh viên Lào tham gia; tổ chức đón Tết Bunpimay cổ truyền với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. “Thời gian tới, em sẽ nỗ lực học tập để có kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp và năng nổ tham gia tốt các hoạt động xã hội. Em hy vọng Việt-Lào hai nước chúng ta luôn giữ vững tình hữu nghị đặc biệt, hai Nhà nước và nhân dân mãi luôn gắn bó mật thiết với nhau”, Kenphanavanh bộc bạch.

QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.