Buồn, vui công tác hòa giải ở cơ sở

.

Những năm qua, tổ nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), tổ phản ứng nhanh và CLB Gia đình hạnh phúc đã giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, thực tế hoạt động vẫn còn không ít khó khăn.

Đại diện các CLB, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng hạnh phúc gia đình quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ.
Đại diện các CLB, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng hạnh phúc gia đình quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ.

Anh T., thành viên CLB Gia đình hạnh phúc phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) kể, những trường hợp CLB tham gia hòa giải có thể được xem như “mỗi tuần một chuyện” bởi không hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào nhưng đều xuất phát từ cái nghèo. Đơn cử trường hợp vợ chồng anh M. có hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn. Chồng làm ở lò bánh mì, vợ bán hàng rong, thu nhập bấp bênh, nhà cửa dột nát, trời mưa chỉ mỗi chỗ ngủ là không bị ướt. Túng quẫn, chồng thường say xỉn và khi say lại đuổi đánh vợ con. Thấy người đến khuyên răn, hòa giải, anh còn lớn tiếng dọa nạt. “Lúc đó cảm giác nặng lòng lắm, nhưng nếu mình tự ái thì mọi việc sẽ hỏng bét. Chúng tôi bàn bạc và quyết định kêu gọi hỗ trợ cho vợ anh tủ bán bánh mì và ít vốn làm ăn. Từ đó, gia đình họ dần ổn định”, anh T. chia sẻ.

Trong khi đó, một đại diện Tổ phản ứng nhanh phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) tâm sự, khi nhận được thông tin một phụ nữ trên địa bàn làm đơn tố cáo lên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố về việc bị chồng bạo hành suốt nhiều năm, các thành viên lập tức vào cuộc. Ngờ đâu, đây chính là cặp vợ chồng từng được hòa giải trước đó. Lần hòa giải đầu tiên, gia đình trở lại vui vẻ, kết quả người vợ mang thai. Tưởng mọi việc sẽ yên, nhưng đang trong tháng thứ tư của thai kỳ, vợ chồng lại lục đục. Mỗi lần mâu thuẫn, cãi cọ, người vợ lại đâm đơn tố cáo chồng, dọn đồ bỏ đi. Nắm bắt điểm này, các thành viên phân tích đúng sai, thiệt hơn để rồi đến 4 lần hòa giải, cuộc sống của gia đình này mới hòa thuận.
Người ta ví làm công tác hòa giải cơ sở giống như “vác tù và hàng tổng”. Những thành viên tổ hòa giải không ai khác là cán bộ Mặt trận, đoàn thể địa phương, bởi họ nắm khá rõ tình hình cư dân nơi mình sinh sống. Khi tiến hành hòa giải, các thành viên trong tổ họp bàn, tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, từ đó phân tích về lý, về tình để các đối tượng hiểu, cảm thông với nhau. Ngoài ra, các tổ hòa giải còn thực hiện phê bình trong cộng đồng dân cư; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ kinh tế...

“Khó khăn nhiều nhưng hiệu quả đạt được thấy rõ. Năm 2016, địa phương giảm 50% số vụ bạo lực gia đình. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục làm công việc “vác tù và hàng tổng”. Tuy nhiên, xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững không hề dễ dàng, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan đoàn thể và cần nhắm đến đối tượng gia đình trẻ, bởi sự đổ vỡ từ những gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng”, đại diện nhóm xây dựng gia đình hạnh phúc phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) nói.

Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cho biết: “Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao tặng giấy khen cho 14 tập thể là các câu lạc bộ, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc có thành tích xuất sắc nhằm kịp thời động viên, khuyến khích các đội nhóm này tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trong các khu dân cư”, bà Hội An chia sẻ.

Hiện nay, các cấp Hội LHPN thành phố duy trì và thành lập hơn 700 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Mỗi địa phương đều có tổ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, tổ phản ứng nhanh và CLB gia đình hạnh phúc. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hội LHPN các cấp tư vấn gần 400 trường hợp và hòa giải thành công 30 vụ.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.