Nặng tình đồng đội

.

Tình đồng đội, tình chị em đã làm nên sức mạnh mãnh liệt để hai người phụ nữ-hai thương bệnh binh nặng có thể đương đầu với mọi mất mát, đau thương trong cuộc sống. Các chị đúc kết: “Chiến tranh ác liệt khủng khiếp là thế nhưng không thể quật ngã được các chị, nên bây giờ, nỗi đau trong hòa bình lẽ nào không thể vượt qua”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ (trái) và chị Đặng Thị Lan luôn gắn bó, chia ngọt sẻ bùi sau những năm tháng chiến tranh.
Chị Nguyễn Thị Mỹ (trái) và chị Đặng Thị Lan luôn gắn bó, chia ngọt sẻ bùi sau những năm tháng chiến tranh.

Giữa những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, chị Nguyễn Thị Mỹ (quê xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng như bao người con Quảng Nam-Đà Nẵng khác mang theo lòng yêu nước và căm thù giặc từ giã quê hương, gia đình, thoát ly theo cách mạng.

Chị trở thành chiến sĩ nuôi quân của Bệnh xá 76 thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà. Lúc đó, bệnh xá đóng quân ở Dốc Gió, huyện Đại Lộc nhưng phải di chuyển thường xuyên vì sự đánh phá, càn quét ác liệt của địch. Chị vừa làm công tác nấu ăn, phục vụ thương binh, vừa phải vào rừng hái rau, trồng khoai sắn, xuống đồng bằng gùi lương thực về cho đơn vị.

Trong một chuyến gùi hàng từ xã Điện Tiến qua xã Hòa Khương vào tháng 1-1974, chị và một đồng đội khác vấp mìn của địch. Bị cắt hẳn chân phải, nằm điều trị tại Bệnh xá 78 gần 4 tháng trời nhưng vết thương bị hoại tử không thể lành lặn, chị được chuyển ra Bắc chữa bệnh.

Một năm sau ngày miền Nam giải phóng, chị trở về quê hương và trở thành nữ thương binh có tiêu chuẩn điều dưỡng tại Trại thương binh nặng Hội An. Không chồng, không con, chị đã sống những năm sau chiến tranh với sự cô đơn và vết thương nhức nhối đau buốt mỗi khi trái gió trở trời.

Chị Đặng Thị Lan (quê xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) năm 1966 khi vừa tròn 16 tuổi tham gia du kích xã. Năm 1969 do bị chỉ điểm, chị bị địch bắt và giam ở nhà tù Hiếu Đức (Hội An). Ra tù, chị nhập ngũ vào đơn vị C2 Huyện đội Hòa Vang, đến năm 1972 được bổ nhiệm Trung đội trưởng Trung đội nữ chiến đấu ở chiến trường Hòa Vang-Điện Bàn. Năm 1974, chị bị thương nặng khi bị địch phục kích chặn đường vận tải từ Điện Bàn qua Đại Lộc...

Đến nay, nhiều mảnh đạn M79 vẫn còn nằm trong cuống phổi và cánh tay làm cho tay chân chị bị co rút, bại liệt. Bên cạnh đó, chị còn thường xuyên bị lên cơn động kinh. Cùng với bệnh suy tim, viêm đa khớp, chị vừa là thương binh hạng ¾, vừa là bệnh binh đặc biệt và hưởng chế độ tù đày.

Chị Mỹ và chị Lan gặp và quen nhau trong những ngày điều dưỡng tại Trại thương binh nặng. Tình đồng chí, đồng đội, sự cảm thông của những trái tim người lính đã gắn bó hai nữ thương binh lại với nhau. Hai người đã trở thành đôi bạn chí cốt, cùng nấu cơm ăn chung, cùng giúp đỡ nhau trong mọi sinh hoạt đời thường. Và quý giá nhất vẫn là sự sẻ chia, động viên nhau về tinh thần để vượt qua số phận của những người phụ nữ từng cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân nơi chiến trường, và vì những di chứng của chiến tranh nên họ không thể có được một gia đình hạnh phúc cho riêng mình.

Năm 1998, hai chị được về an dưỡng tại gia đình. Năm 2004, chị Mỹ được thành phố cấp đất, và từ những đồng tiền đóng góp nhỏ nhoi của đồng đội năm xưa, chị cất được căn nhà nhỏ ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Nhận một đứa cháu làm con nuôi, chị bảo bọc, nuôi dưỡng cháu từ khi học lớp 1 đến nay đã lên THCS. Phụ cấp thương binh hạng 1/4 mỗi tháng hơn 4 triệu đồng không đủ chi tiêu cho hai người cùng với tiền ăn học của cháu, tiền thuốc men khi càng lớn tuổi, chị càng mang thêm nhiều bệnh. Có những lúc vết thương hành hạ làm chị đau đớn đến ngất đi, khi tỉnh lại, chị vẫn gượng dậy, chống nạng làm việc nhà, chăm sóc đứa con nuôi.

Còn chị Lan cũng được cấp đất và được Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hỗ trợ kinh phí xây một căn nhà cấp 4 tại quận Liên Chiểu. Dù ở xa nhau nhưng hai chị vẫn luôn là những người đồng đội. Anh Đặng Lai, nguyên Trung tá quân đội về hưu, em ruột của chị Lan cho biết:

“Những lúc chị Lan nằm viện vì lên cơn động kinh, chị Mỹ tự mình lái xe lắc đi hàng chục cây số từ nhà ở quận Hải Châu lên tận Bệnh viện Tâm thần (quận Liên Chiểu) để chăm sóc chị Lan và ở lại trực đêm, dỗ dành chị Lan ăn uống, lau rửa, chăm sóc, ôm chặt chị Lan mỗi lúc lên cơn để chị khỏi đập đầu vào tường hay rơi xuống đất. Tình đồng đội và sự thấu hiểu khi cùng là thương binh nặng của hai chị khiến gia đình chúng tôi rất xúc động”. Giờ đây, khi sức khỏe chị Lan yếu hơn, phải về ở với người thân tận xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) cách xa nhà chị Mỹ 30 cây số, hai chị vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại. Một năm đôi lần, hai chị lại nhờ người thân chở đến gặp nhau để hàn huyên tâm sự.

Chị Mỹ ngậm ngùi: “Dù bây giờ sức khỏe yếu lắm, dù vết thương vẫn còn hành hạ không nguôi nhưng khi nào còn đi lại được bằng xe lăn, chị vẫn còn đi tìm người bạn thân thiết của mình. Tình đồng đội keo sơn chính là sức mạnh động viên to lớn nhất giúp các chị đứng vững trên đôi chân không còn lành lặn, có thêm niềm tin và sức mạnh đi tiếp trong cuộc đời này để cùng vượt qua khó khăn, bệnh tật và nỗi mất mát, cô đơn. Chiến tranh ác liệt khủng khiếp là thế nhưng không thể quật ngã được các chị, nên bây giờ, nỗi đau trong hòa bình lẽ nào các chị không thể vượt qua”.  

"Những lúc chị Lan nằm viện vì lên cơn động kinh, chị Mỹ tự mình lái xe lắc đi hàng chục cây số từ nhà ở quận Hải Châu lên tận Bệnh viện Tâm thần (quận Liên Chiểu) để chăm sóc chị Lan và ở lại trực đêm, dỗ dành chị Lan ăn uống, lau rửa, chăm sóc, ôm chặt chị Lan mỗi lúc lên cơn để chị khỏi đập đầu vào tường hay rơi xuống đất"

CÁT TƯỜNG

;
.
.
.
.
.