Rà soát tổng thể bán đảo Sơn Trà để hoàn thiện quy hoạch

.

ĐNĐT - “Đà Nẵng đang triển khai rà soát tổng thể bán đảo Sơn Trà trên tinh thần cầu thị và cởi mở để hoàn thiện 3 loại quy hoạch gồm: quy hoạch chung, quy hoạch du lịch và quy hoạch bảo tồn vùng rừng đặc dụng Sơn Trà”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết như vậy tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà”, do Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp tổ chức sáng 15-7.

Bán đảo Sơn Trà được ví như “hòn ngọc xanh” của Đà Nẵng, với hệ sinh thái đa dạng cần được bảo vệ và phát triển. Ảnh: THU HÀ
Bán đảo Sơn Trà được ví như “hòn ngọc xanh” của Đà Nẵng, với hệ sinh thái đa dạng cần được bảo vệ và phát triển. Ảnh: THU HÀ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, bán đảo Sơn Trà như bình phong che chắn, bao bọc cho Đà Nẵng, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh và kinh tế, có vai trò quan trọng là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây. Đặc biệt, bán đảo Sơn Trà có hệ sinh thái đa dạng, có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, trong đó nổi bật là voọc chà vá chân nâu được xem là “nữ hoàng linh trưởng”.

Ông Hồ Kỳ Minh khẳng định, việc phát triển bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng như quy hoạch tổng thể vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đà Nẵng đang triển khai rà soát tổng thể bán đảo Sơn Trà trên tinh thần cầu thị và cởi mở để hoàn thiện 3 loại quy hoạch gồm: quy hoạch chung, quy hoạch du lịch và quy hoạch bảo tồn vùng rừng đặc dụng. “Quan điểm của thành phố về bán đảo Sơn Trà vẫn là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; trong đó ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn tài nguyên thiên nghiên và phòng chống thiên tai. Phát triển bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, gắn kết phát triển với khu vực Non Nước - Ngũ Hành Sơn - Hải Vân- Bà Nà - Núi Chúa”, ông Hồ Kỳ Minh cho hay.

Tại hội thảo, hiện trạng đa dạng sinh học trong hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà một lần nữa được cập nhật. TS. Nguyễn Xuân Hòa, Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, bán đảo Sơn Trà có hệ sinh thái dưới nước rất đa dạng gồm các rạn san hô và thảm cỏ biển phân phối dọc đường bờ xung quanh bán đảo. Tuy nhiên, qua khảo sát năm 2016, diện tích các rạn san hô ở vùng ven bờ bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng 46,9ha, giảm 34ha so với diện tích được báo cáo năm 2006 là 80,9ha. TS. Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cũng chỉ ra, Sơn Trà có hệ sinh thái tự nhiên vô cùng giá trị và đặc biệt với hơn 1.000 loài thực vật, trong đó có 43 loài trong danh mục sách đỏ, 21 loài trong sách đỏ thế giới và nhiều loài đặc hữu…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh nêu quan điểm: Để bảo đảm tính bền vững, phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà, cần quy hoạch, đánh giá và lập kế hoạch cẩn thận. Theo ông Vinh, phát triển du lịch Sơn Trà theo định hướng du lịch sinh thái bền vững là hợp lý nhất. Muốn vậy, việc quy hoạch cần được xây dựng trên nguyên tắc giảm thiểu tác động môi trường và cung cấp các lợi ích tài chính trực tiếp cho việc bảo tồn. Từ đó, du khách được khám phá, tận hưởng, trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên, thông qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

TS. Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên lại cho rằng, cần lập mẫu hình chuẩn về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái với sự tham gia của Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp. Theo đó, nên thành lập Ban quản lý khu bảo tồn/khu dự trữ thiên nhiên bán đảo Sơn Trà; xây dựng đề án phát triển và kinh doanh du lịch Sơn Trà; phát triển các kế hoạch hợp tác bảo tồn dài hạn giữa ban quản lý và các tổ chức khoa học; nghiên cứu lồng ghép quản trị cảnh quan bền vững trong xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh của Đà Nẵng.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, trong quá trình phát triển bán đảo Sơn Trà, phải thực hiện đúng quy định của phát luật, đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học. “Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà là mục tiêu ưu tiên số một. Chúng tôi đồng ý với ý kiến rằng phải xác định rõ mục tiêu, lấy mục tiêu nền tảng bảo tồn trên cơ sở đó phát triển bền vững, phát huy lợi thế về bảo tồn cho hoạt động phát triển du lịch”, bà Nhàn nhấn mạnh.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.