Xử lý khiếu nại kéo dài ở Cồn Dầu - Bài 2: Khiếu nại thiếu cơ sở

.

Không phải đến thời điểm bây giờ, mà ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (năm 2008), một số hộ dân ở khu vực Cồn Dầu đã có hành động quá khích, cố tình chống đối lại chủ trương của thành phố bằng việc tuyên truyền sai sự thật về các chính sách đền bù, tái định cư của thành phố, kích động làm nhân dân lo lắng. Đến nay, sau gần 10 năm, vẫn còn hơn 60 trường hợp cố tình chây ỳ, không chịu bàn giao mặt bằng cho dự án mà tiếp tục khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Từ một khu thấp trũng - “nắng bụi, mưa bùn”, sau khi giải tỏa, Hòa Xuân hôm nay bừng lên một sức sống mới với những khu tái định cư khang trang, sạch đẹp. Trong ảnh: Một góc khu tái định cư phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ
Từ một khu thấp trũng - “nắng bụi, mưa bùn”, sau khi giải tỏa, Hòa Xuân hôm nay bừng lên một sức sống mới với những khu tái định cư khang trang, sạch đẹp. Trong ảnh: Một góc khu tái định cư phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ

Qua nội dung đơn khiếu nại, cũng như qua các ý kiến tại các buổi đối thoại trực tiếp với đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, cũng như tại Hà Nội, các hộ dân ở Cồn Dầu kiến nghị 3 nội dung chính, đó là: việc thu hồi đất, giao đất; cưỡng chế thu hồi đất và việc bố trí đất tái định cư tại chỗ.

Ông Huỳnh Ngọc Trường (tổ 21), một trong những người tham gia khiếu kiện cho rằng, dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là một dự án kinh tế thì người dân vùng giải tỏa phải được ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ; chính quyền để cho chủ đầu tư phân lô bán nền là sai; giá đền bù cho người dân thì thấp nhưng giá bán lại thì cao ngất ngưởng.

Bà Huỳnh Thị Thu Khẩn, một người dân bị thu hồi đất so sánh: “Bồi thường đất nông nghiệp cho chúng tôi chỉ 50.000 đồng/m2, tính ra một sào ruộng chỉ được 25 triệu đồng nhưng các vị bán lại với giá khoảng 2-3 tỷ đồng. Trong khi đó người dân sống cảnh khốn khổ, không có đất canh tác…”.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Cát (Các), tổ 21, yêu cầu chính quyền các cấp bố trí đất tái định cư tại chỗ: “Đất chúng tôi đương nhiên là chúng tôi được tái định cư tại chỗ, không việc gì phải hoán đổi”. Ông Nguyễn Đức Luyện (tổ 23) cho rằng, việc cưỡng chế 27 hộ dân là không đúng quy định, 4 năm nay người dân chưa có đất để xây dựng nhà; việc chính quyền thu hồi đất của dân giao cho dự án là không đúng quy định của Luật Đất đai…

Từ những nội dung khiếu nại của các hộ dân, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư sử dụng để triển khai thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là có căn cứ, đúng thẩm quyền và được chính quyền các cấp của thành phố Đà Nẵng thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đất đai.

Thứ nhất, việc thu hồi để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là thực hiện dự án phát triển kinh tế, được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 34 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Từ căn cứ pháp lý này, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 3581/QĐ-UBND ngày 5-5-2008 về việc thu hồi đất, giao đất cho Công ty Quản lý và Khai thác đất (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố) quản lý theo quy hoạch của UBND thành phố với diện tích 4.100.000m2; Quyết định số 2810/QĐ-UBND ngày 15-4-2009 về việc điều chỉnh diện tích thu hồi đất từ 4.100m2 lên 4.372.841m2; Quyết định số 8242/QĐ-UBND ngày 20-9-2011 về việc thu hồi đất (do Công ty Quản lý và Khai thác đất quản lý), giao cho chủ đầu tư sử dụng để xây dựng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân với diện tích 4.372.841m2.

Trên cơ sở quyết định thu hồi đất của UBND thành phố, căn cứ khoản 2, Điều 44 Luật Đất đai năm 2013, UBND quận Cẩm Lệ đã ban hành các quyết định thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất nằm trong ranh giới của dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là hoàn toàn đúng.

Thứ hai, sau khi có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, được công bố công khai, có hiệu lực thi hành, người bị thu hồi đất phải chấp hành quyết định thu hồi đất. Trường hợp người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất thì UBND các cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Người bị cưỡng chế thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại. Vì vậy, việc ra quyết định cưỡng chế của UBND quận Cẩm Lệ là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, đúng với quy định của pháp luật.

Thứ ba, về yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ. UBND thành phố Đà Nẵng đã có phương án cụ thể tại Quyết định số 5111/QĐ-UBND ngày 27-6-2008 theo đúng quy định tại Điều 43 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, tất cả các hộ thuộc diện thu hồi đất được bố trí tái định cư tại khu E và F Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ hiện nay là thực hiện đúng phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, các hộ khiếu kiện căn cứ khoản 2 Điều 34 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ để yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ là không có cơ sở.

Theo Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) tại khoản 2 Điều 34 nêu trên, quy định: Chỉ “ưu tiên tái định cư tại chỗ cho người thu hồi đất tại nơi có dự án tái định cư”; còn trong trường hợp này, tại khu vực giải tỏa không có dự án tái định cư cho các hộ có đất bị thu hồi tại đây, mà theo phương án, các hộ được bố trí tái định cư tại dự án khu E và F Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ mà UBND thành phố đã phê duyệt trước đó.

Bên cạnh đó, khu E và F Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ là khu tái định cư được xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đã được thành phố đầu tư hạ tầng đồng bộ, đảm bảo đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ và cũng là khu tái định cư cho nhiều dự án, trong đó có dự án trên địa bàn phường Hòa Xuân. Do đó, việc bố trí tái định cư tại hai khu này là đúng quy định tại Điều 35 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ những cơ sở pháp lý nêu trên, ông Lương Công Tuấn, Phó Chánh Thanh tra thành phố Đà Nẵng khẳng định: Việc khiếu nại kéo dài, vượt cấp của các hộ dân ở khu vực Cồn Dầu hiện nay hoàn toàn không có cơ sở.

Quan trọng hơn, tại Văn bản số 5141/BTNMT-TTg về việc báo cáo kết quả kiểm tra việc khiếu nại của các hộ dân Cồn Dầu, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển ký ngày 20-11-2014, cũng đã khẳng định: “Các hộ dân cho rằng dự án khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân là dự án kinh tế nên phải thỏa thuận với các hộ là không có cơ sở”; “Việc UBND quận Cẩm Lệ tổ chức cưỡng chế đối với người bị thu hồi đất không chấp hành bàn giao đất là đúng pháp luật và đúng thẩm quyền”. Nội dung báo cáo này cũng đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) đồng ý với báo cáo của Bộ Tài nguyên-Môi trường tại Văn bản số 2618 ngày 16-4-2015 của Văn phòng Chính phủ.

Thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của người dân Hòa Xuân, lãnh đạo thành phố đã đề ra chủ trương phát triển không gian đô thị về phía đông nam thành phố, với quyết tâm cao nhất đưa vùng rốn lũ trở thành khu đô thị khang trang, hiện đại.

Thực hiện chủ trương này, Đảng bộ, chính quyền phường Hòa Xuân luôn chú trọng đến công tác tổng kết thực tiễn, lắng nghe ý kiến của dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc “đại phẫu” rất đáng tự hào.

“Đổi thay ở Hòa Xuân hôm nay đã thể hiện một cách trung thực, sinh động sự cống hiến, hy sinh công sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Hòa Xuân. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Hòa Xuân đã linh hoạt, vận dụng chủ trương của thành phố, của quận vào tình hình thực tế của địa phương; phát huy tốt khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là kêu gọi sự chung tay, góp sức của các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đặc biệt là trong công tác giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư”, ông Trần Anh Đức, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cẩm Lệ khẳng định.

ĐẶNG NỞ
 

;
.
.
.
.
.