Xử lý khiếu nại kéo dài ở Cồn Dầu - Bài 3: Giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người dân

.

Trước đây và bây giờ cũng vậy, trong số những người cố tình “lội ngược dòng”, có những người đã hiểu ra được những chủ trương đúng đắn, đầy tính nhân văn và thiện chí của chính quyền thành phố Đà Nẵng mà sớm bàn giao mặt bằng, nhận đất, xây nhà mới khang trang.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trong một lần kiểm tra thực tế và trao đổi với các giáo dân tại khu vực nhà thờ Cồn Dầu. 					Ảnh: Đ.NỞ
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trong một lần kiểm tra thực tế và trao đổi với các giáo dân tại khu vực nhà thờ Cồn Dầu. Ảnh: Đ.NỞ

Vẫn cái tính “cười to, nói lớn” của anh thợ xây ngày nào, bây giờ gặp lại chúng tôi, ông chủ thầu xây dựng Đoàn Cảng (tổ 68 phường Hòa Xuân) vui mừng khôn xiết, ôm thật chặt và cởi mở: “Cuộc sống của người dân ở Cồn Dầu bây giờ đã thực sự đổi thay một cách tích cực, nhờ vào chính sách đền bù thỏa đáng, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, điều kiện sinh sống tốt hơn rất nhiều so với nơi ở cũ”. Nhìn cách nói cười của anh Đoàn Cảng, ít ai biết rằng, trước đây, anh cũng là một trong những người chống đối quyết liệt chủ trương của thành phố. Nhưng ngay từ những ngày đầu ấy, anh đã sớm nhận ra rằng, giải tỏa “trắng” Hòa Xuân là một chủ trương lớn đầy tính nhân văn của lãnh đạo thành phố để bà con không còn sống trong cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lũ. Từ đó, anh đã bàn giao nhà cửa cho dự án và nhận đất, xây nhà mới khang trang.

Nghe hỏi chuyện về cuộc sống nơi ở mới, anh Đoàn Cảng khẳng định, nếu được giải tỏa sớm hơn thì đứa con trai lớn của mình không thất học như bây giờ. Hồi đó, do làm nông, lúc rỗi đi làm thợ hồ, cuộc sống bấp bênh, hằng ngày luôn phải lo cơm áo, gạo tiền nên đứa con trai đầu của anh chỉ học hết lớp 9 phải nghỉ học. “Vào khu tái định cư, gia đình mới có điều kiện hơn về kinh tế, đường sá đi lại thuận lợi, trường lớp được xây dựng khang trang, nên đứa con gái thứ hai của tôi mới có điều kiện học tập và sắp tốt nghiệp đại học Y dược; đứa con trai út cũng đang theo học Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng”, anh Cảng cho biết.

Ở khu tái định cư, hạ tầng được đầu tư đồng bộ; điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang. Đề cập vấn đề này, anh Cảng cho hay: “Bây giờ, gia đình chúng tôi ổn định nơi ở mới, hằng ngày tập trung làm ăn, tích lũy cho con cái sau này, chứ không phải lo chạy bão, chạy lũ như trước đây nữa. Tôi nói như thế để khẳng định rằng, có một số người vì mục đích nào đó mà rêu rao rằng “chính quyền địa phương luôn gây khó khăn, nhà cửa bị cày ủi xới tung, sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, trẻ con không nơi học hành, người già không chỗ dựa lưng, không biết làm gì để sinh sống” là hoàn toàn không đúng với thực tế, là cái nhìn lệch lạc, thiếu khách quan”.

Rời nhà anh Đoàn Cảng, chúng tôi được ông Trần Quang Anh (tổ 21, Cồn Dầu) đưa đến thăm lô đất hai mặt tiền cạnh khu vực nhà thờ Cồn Dầu mà ông vừa ký kết hoán đổi từ nơi tái định cư của thành phố về khu vực gần nhà thờ theo chủ trương hoán đổi đất của UBND thành phố. Ông Trần Quang Anh vui mừng cho biết, nguyện vọng của ông từ nhiều năm nay là được sống trên mảnh đất bao đời của cha ông mình và được ở gần nhà thờ để tiện cho việc sinh hoạt tôn giáo, nay đã được lãnh đạo thành phố quan tâm hoán đổi, ông thực hiện ngay.

Được biết, sau khi giải tỏa, gia đình ông Trần Quang Anh được bố trí 3 lô đất tái định cư (tại khu tái định cư của thành phố ở phía tây nam cầu Nguyễn Tri Phương), tuy nhiên ông và gia đình không có nguyện vọng ở tại khu tái định cư mới này, nên đã nhiều lần tham gia khiếu kiện kéo dài, vượt cấp tại Hà Nội. Ngay sau khi thành phố có chủ trương hoán đổi đất, ông đã hoán đổi ngay một lô đường 7,5m và được thành phố và nhà đầu tư ưu tiên để ông được chọn lô góc 2 mặt tiền.

Sau đó, ông bán tiếp 2 lô tại khu tái định cư của thành phố và được nhà đầu tư ưu tiên cho mua 2 lô tại khu vực gần nhà thờ. Hiện tại, đã có đất thực tế, nên gia đình ông Trần Quang Anh đang khẩn trương chuẩn bị khởi công xây dựng nhà trước mùa mưa bão năm nay. Ông Anh cho biết, gia đình dự định sẽ xây dựng nhà kiên cố trên diện tích 1 lô, 2 lô còn lại để dành cho các con, cháu sau này. Qua chính sách hoán đổi đất này, theo ông Trần Quang Anh, chính quyền thành phố đã rất thiện chí để đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bà con rất vui mừng khi có đất để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống, tiếp tục chăm lo cho các con cháu.

Ngoài ông Trần Quang Anh, hiện hơn 12 hộ dân khác cũng đã làm các thủ tục để thực hiện việc hoán đổi đất về khu vực gần nhà thờ Cồn Dầu. Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ khẳng định, chủ trương hoán đổi đất cho các hộ dân đã thể hiện rất rõ thiện chí của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Nguyện vọng của bà con muốn ở gần nhà thờ đã được thành phố quan tâm giải quyết thấu tình, đạt lý. Không phải bây giờ, mà ngay từ khi mới triển khai dự án, khi bà con bày tỏ ý kiến về việc ở khu tái định cư mới sẽ xa nhà thờ Cồn Dầu, không tiện cho việc sinh hoạt tôn giáo, thể theo nguyện vọng của bà con, lãnh đạo thành phố cũng đã bố trí ngay nhà nguyện cho bà con tại khu tái định cư mới. Điều đó cho thấy, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, lãnh đạo các cấp cũng luôn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Thực tế cho thấy, từ một phường nông nghiệp với những con đường làng nhỏ bé, đến nay Hòa Xuân trở thành một phường trọng điểm phía nam của thành phố Đà Nẵng, đã có trên 300 tuyến đường được đặt tên, là một phường duy nhất của cả nước không còn kiệt hẻm và không có đường bê-tông.

Hiện nay, 100% nhà dân và các công trình công cộng của Hòa Xuân đều đã được kiên cố hóa, bề thế và hiện đại; nhiều khu phố mới mọc lên sầm uất; chợ, trường học, trạm y tế hiện đại, văn minh được hình thành từ các địa danh vốn là làng cũ của Hòa Xuân xưa; hầu hết nhà của nhân dân đều được trang bị nhiều tiện nghi, phương tiện nghe nhìn hiện đại...

ĐẶNG NỞ

;
.
.
.
.
.