XỬ LÝ KHIẾU NẠI KÉO DÀI Ở CỒN DẦU

Không thể vỗ tay bằng một bàn tay

.

Những năm qua, việc chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tạo nên một diện mạo đô thị khang trang với những dự án quy hoạch, xây dựng hạ tầng hiện đại, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao; nhân dân phấn khởi, đồng tình hưởng ứng và luôn tự hào về sự phát triển của thành phố quê mình. Tuy nhiên, trên con đường xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp ấy, vẫn có những người đi ngược với những chủ trương của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc đẩy mạnh công tác quy hoạch và phát triển đô thị; bất chấp những nỗ lực và thiện chí của các cấp chính quyền địa phương.

Mỗi lần ra Hà Nội, các hộ dân ở khu vực Cồn Dầu thường xuyên căng băng rôn, biểu ngữ ở khu vực trước tòa nhà Quốc hội để “kêu oan”.  													Ảnh: A.N
Mỗi lần ra Hà Nội, các hộ dân ở khu vực Cồn Dầu thường xuyên căng băng rôn, biểu ngữ ở khu vực trước tòa nhà Quốc hội để “kêu oan”. Ảnh: A.N

Bài 1: Quyết liệt chống đối

Để có được bộ mặt đô thị Đà Nẵng phát triển như hôm nay, hơn 15 năm qua, trên địa bàn thành phố đã có hơn 110.000 hộ dân trên tổng số hơn 250.000 hộ, với hàng trăm ngàn nhân khẩu cùng chia sẻ khó khăn, chấp nhận một phần thiệt thòi nào đó trong công cuộc giải tỏa, di dời để chỉnh trang đô thị với ước vọng góp chút sức mình cùng xây dựng thành phố có bộ mặt hoàn toàn mới, một tầm vóc mới trong thời kỳ xây dựng và phát triển.

Trong quá trình đó, là đơn vị hành chính mới thành lập, hơn 10 năm qua, quận Cẩm Lệ đã có hơn 70 dự án lớn nhỏ được triển khai với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.800ha và hơn 12.000 hộ dân liên quan đến giải tỏa, đền bù, tái định cư. Riêng trên địa bàn phường Hòa Xuân, có 11 dự án với tổng diện tích quy hoạch 1.100ha, phải thực hiện giải tỏa, di dời 5.168 hộ, cùng với 1 nhà thờ Thiên Chúa giáo (Cồn Dầu), 2 chùa Phật giáo (Trung Lương và Hòa Xuân), 7 đình làng, 87 nhà thờ tộc họ, chi phái, gần 17.000 ngôi mộ với 5 nghĩa địa nhân dân và 1 nghĩa địa tôn giáo, 1 nghĩa trang liệt sĩ (với hơn 400 ngôi mộ).

 Phạm vi và quy mô quy hoạch giải tỏa rộng lớn là vậy, nhưng bằng sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền, sự đồng thuận cao trong nhân dân và các tộc họ, phần lớn chức sắc tôn giáo, giáo dân, đạo hữu đã chấp hành tốt chủ trương của thành phố đối với việc thực hiện giải tỏa, đền bù và tái định cư để phát triển đô thị. Chỉ có một số hộ dân thuộc khu vực Cồn Dầu luôn gây trở ngại cho việc triển khai dự án, cụ thể tại dự án có quy mô lớn nhất quận Cẩm Lệ là Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.

Mặc dù lãnh đạo thành phố và quận Cẩm Lệ hơn 10 lần trực tiếp đối thoại, giải thích nhưng họ vẫn không hợp tác và thiếu thiện chí, cố tình không chấp hành bàn giao mặt bằng mà nhiều lần tập trung khiếu kiện đông người, vượt cấp đến các cơ quan Trung ương tại Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố đã cử nhiều tổ công tác ra Hà Nội vận động, thuyết phục các công dân về lại địa phương để giải quyết nhưng các hộ vẫn không chấp hành.

Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, từ năm 2013 đến nay, các hộ dân ở khu vực Cồn Dầu đã 10 lần ra Hà Nội để “kêu oan”. Thời gian lưu lại Hà Nội có lần lên đến hơn 3 tháng, số lượng đông nhất có lúc lên đến 60 người. Trong thời gian lưu lại Hà Nội, các hộ dân ở Cồn Dầu thường thuê phòng trọ gần khu vực Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước (tại số 1, Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) để ở và thường xuyên căng băng rôn, biểu ngữ ở khu vực trước tòa nhà Quốc hội và khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để yêu cầu giải quyết những vấn đề mà trước đó đã được các cấp lãnh đạo thành phố giải quyết thấu tình, đạt lý, đồng thời đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thủ tướng Chính phủ khẳng định, “chính quyền thành phố Đà Nẵng đều làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”.

Để duy trì số lượng người đông tại Hà Nội, bên cạnh những người có mặt thường xuyên và liên tục như: Trần Thanh Cát (Các), Nguyễn Đức Luyện, Nguyễn Hữu Toan, Nguyễn Thị Thôi, Nguyễn Quý…; những hộ gia đình còn lại thì các thành viên trong gia đình lần lượt thay phiên nhau đi và về, như: gia đình bà Lê Thị Ngọc Duyên và các con Đặng Ngọc Dũng, Đặng Ngọc Hòa Bình; ông Nguyễn Diệp và con gái là Nguyễn Thị Hoài Phương; ông Nguyễn Văn Đức và các con Nguyễn Đức Ngọc, Nguyễn Thị Bích Ngà; ông Nguyễn Đức Dũng và vợ là Huỳnh Thị Thông…

Các hộ dân ở khu vực Cồn Dầu trong một lần căng băng rôn, biểu ngữ “kêu oan” tại trụ sở HĐND thành phố Đà Nẵng, số 42 Bạch Đằng. 		        		        Ảnh: A.N
Các hộ dân ở khu vực Cồn Dầu trong một lần căng băng rôn, biểu ngữ “kêu oan” tại trụ sở HĐND thành phố Đà Nẵng, số 42 Bạch Đằng. Ảnh: A.N

Tụ tập tại Hà Nội, những hộ dân này căng băng rôn, biểu ngữ để “kêu oan”; đồng thời có những hành động gây rối trật tự, nhiều lần bị các cơ quan chức năng thuộc Công an thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi gây mất trật tự nơi công cộng, đặc biệt, có người bị xử phạt đến hai lần như trường hợp ông Lê Thanh Cát (Các).

Sau mỗi chuyến đi “kêu oan” của các hộ dân ở Cồn Dầu, UBND thành phố Đà Nẵng đã tốn không ít công sức và tiền bạc để cử nhiều đoàn công tác ra Hà Nội nhằm làm việc giữa ba bên: người dân-chính quyền thành phố và các cơ quan Trung ương; qua đó, vận động, thuyết phục người dân về lại địa phương nhằm tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Bất chấp những nỗ lực giải quyết của chính quyền thành phố, những hộ dân này cứ về rồi lại ra, không những gây tốn kém tiền bạc, công sức của chính bản thân và gia đình họ, mà còn làm xấu đi hình ảnh của thành phố Đà Nẵng trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế tại thủ đô Hà Nội. Không những thế, việc khiếu nại dai dẳng của các hộ dân ở Cồn Dầu đã gây mất đoàn kết tại địa phương, làm trở ngại việc triển khai thực hiện dự án và cản trở quá trình phát triển trên chính mảnh đất của quê hương mình.

“Cài bẫy” cán bộ

Tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Hà Nội, có lần cán bộ thành phố Đà Nẵng bị các hộ dân Cồn Dầu “cài bẫy”. Anh T. L.C cho biết: “Sau khi làm việc với các hộ dân và các cơ quan Trung ương, tôi vừa ra khỏi cửa thì bị một số người xông vào ôm lưng, ôm chân, phía đối diện mình có mấy thanh niên mặt đầy sát khí, giơ tay, múa chân xông thẳng vào, xung quanh là nhiều máy ghi hình đã được chuẩn bị sẵn. Chỉ cần mình giơ tay lên, hoặc có biểu hiện khác sẽ bị ghi hình và bị rêu rao là cán bộ đánh dân ngay”. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của bản thân, anh T.L.C rất bình tĩnh và khôn khéo xử lý để không phải vướng vào “bẫy” của họ.

Sự cần thiết của việc triển khai dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân

Việc hình thành dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân cùng các dự án khác tại khu vực phía nam cầu Cẩm Lệ là chủ trương lớn của thành phố nhằm giải quyết 3 mục tiêu cơ bản: Thứ nhất, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Quyết định số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 và Định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 17-6-2002. Thứ hai, thúc đẩy sự phát triển khu vực phía tây nam thành phố trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, hạ tầng đô thị và an sinh xã hội. Thứ ba, đáp ứng cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị, hình thành mạng lưới giao thông đô thị với trục liên kết, nối khu vực nam Sân bay quốc tế Đà Nẵng với cửa ngõ phía nam thành phố; giải quyết cơ bản tình trạng ngập lụt hằng năm gây ảnh hưởng lớn đến lao động sản xuất, sức khỏe và an toàn tính mạng của nhân dân.

ĐẶNG NỞ
 

;
.
.
.
.
.