Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chính về nợ công

.

Chiều 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Theo đó, dự kiến thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công là: Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, bao gồm cả huy động vốn vay trong nước, vay nước ngoài, gắn trách nhiệm huy động, quản lý vốn vay, quản lý rủi ro và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công với nghĩa vụ trả nợ của ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính cũng chủ trì huy động, đàm phán ký kết các khoản vay trong nước, vay nước ngoài bao gồm cả vay ODA, vay ưu đãi và vay thương mại nước ngoài. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện nhiệm vụ phối hợp trong quản lý nợ công theo quy định của pháp luật.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quản lý nợ công là vấn đề rất quan trọng, nhất là khi nợ công tăng cao, sát trần. Vừa qua, quản lý nợ công có tồn tại, hạn chế, nên Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) ra đời là để khắc phục tồn tại, hạn chế này. Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế đó. Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quản lý nợ công hiện nay còn có sự chồng chéo. Vay ODA nhiều năm vượt dự toán là do công tác quản lý không tốt.

Theo quy định hiện hành, nội dung quản lý Nhà nước về nợ công bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ được thể hiện tại Điều 4 Luật Quản lý nợ công, trách nhiệm quản lý nợ công được giao cho 3 cơ quan gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính. Việc giữ nguyên mô hình tổ chức 3 đầu mối như hiện nay là chưa thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng về đổi mới quản lý nợ công. Việc quy định nhiều đầu mối trong quản lý nợ công chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tinh giản đầu mối. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, việc vay vốn ODA ngày càng hạn hẹp, đặt ra yêu cầu phải tiếp cận các nguồn vốn vay thương mại theo điều kiện thị trường. Tuy nhiên, do phân tán đầu mối trong huy động, quản lý nợ công nên dẫn đến không thể kịp thời, linh hoạt và chưa chủ động trong việc lựa chọn các phương án vay vốn, cân đối, bố trí, sử dụng nguồn vốn vay.

Báo Tin Tức/TTXVN

;
.
.
.
.
.