ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước

Với mục tiêu “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để DNNN giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)  “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” đã đưa ra nhiều điểm mới.

Cụ thể, về khái niệm DNNN, nghị quyết xác định: DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Về vị trí và vai trò, DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; DNNN thực hiện vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết 12 cũng đề ra chủ trương tiếp tục thu hẹp phạm vi ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN, cụ thể: DNNN tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng-an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Về cơ chế hoạt động, nghị quyết xác định quan điểm: DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của DNNN; tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích. Theo định hướng, việc cơ cấu lại, đổi mới DNNN theo cơ chế thị trường là quá trình thường xuyên, liên tục với phương thức thực hiện và lộ trình hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém. Quan điểm này cho thấy quyết tâm cao của Đảng trong việc đổi mới, cơ cấu lại DNNN, nhất là cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Với mục tiêu cụ thể đến năm 2020, cơ cấu lại, đổi mới DNNN giai đoạn 2017-2020 trên cơ sở các tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực. Phấn đấu hoàn thành thoái vốn tại các DNNN không cần nắm giữ, tham gia góp vốn. Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Mục tiêu đến năm 2030, hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần; trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.

Nghị quyết số 12 cũng đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có việc đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN thật sự vận hành theo cơ chế thị trường; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý DNNN…

Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đối với những dự án đầu tư thua lỗ, thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. “Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng DNNN, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn”, nghị quyết nêu rõ: “Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước”.

Nghị quyết cũng đề cập việc xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN, đối xử bất bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực Nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế... Kiên quyết đấu tranh và thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của DNNN móc ngoặc với cán bộ, công chức Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”. Xử lý hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Nghị quyết cũng đưa ra giải pháp thực hiện việc tách người quản lý DNNN khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp. Đồng thời, khẩn trương thành lập một cơ quan chuyên trách của Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN theo hướng: Một là, thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Hai là, phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành. Ba là, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác tổ chức - cán bộ tại doanh nghiệp.

Về thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, lộ trình chậm nhất đến 2018 phải thực hiện. Theo đó, một số giải pháp quan trọng được đặt ra: nâng cao hiệu quả vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng tại DNNN trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, công tác chính trị, tư tương, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp, phát huy dân chủ cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức Đảng trong DNNN khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.