HƯỞNG ỨNG GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG - GIẢI "BÚA LIỀM VÀNG" LẦN THỨ 2 - 2017

Cầu nối giữa Đảng với đồng bào có đạo - Bài 1: Kết nạp Đảng đối với người có đạo: Chủ trương đúng

.

LTS: Hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ hai - 2017, Báo Đà Nẵng thực hiện một số bài viết phản ánh phong phú, sâu sắc, sinh động về công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Qua đó, mang đến cho bạn đọc những góc nhìn đa dạng về những nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố.

Thời gian qua, lực lượng đảng viên (ĐV) trong các tôn giáo ở Đà Nẵng đã thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng với đồng bào có đạo. Họ không chỉ đóng vai trò nòng cốt trong công tác vận động quần chúng mà còn góp phần tăng cường sức chiến đấu của tổ chức Đảng tại nơi đông đồng bào có đạo sinh sống; qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào các tôn giáo đối với Đảng và Nhà nước.

Trong sự phát triển của thành phố Đà Nẵng có sự đóng góp của lực lượng đảng viên là người có đạo. TRONG ẢNH: Khu tái định cư mới Cồn Dầu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).  						    Ảnh: ĐẶNG NỞ
Trong sự phát triển của thành phố Đà Nẵng có sự đóng góp của lực lượng đảng viên là người có đạo. TRONG ẢNH: Khu tái định cư mới Cồn Dầu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Ảnh: ĐẶNG NỞ

Bài 1: Kết nạp Đảng đối với người có đạo: Chủ trương đúng

Kể từ khi có Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “về kết nạp ĐV đối với người có đạo và ĐV có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo”, nhiều cấp ủy Đảng trên địa bàn thành phố đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, trong đó quận Thanh Khê là một trường hợp điển hình.  

Khởi đầu nan…

Theo Ban Tổ chức Thành ủy, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 180.000 tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 20% tổng số dân. Tính đến ngày 30-6-2017, Đảng bộ thành phố có 355 ĐV là người có đạo/55.142 ĐV, chiếm khoảng 0,63% so với tổng số ĐV. Mặc dù các cấp ủy Đảng ở địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển ĐV là người có đạo nhưng số lượng vẫn chưa nhiều so với đồng bào tôn giáo đang sinh sống trên địa bàn do gặp một số khó khăn nhất định.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê - địa phương tập trung khá đông đồng bào có đạo sinh sống cho biết, trên địa bàn quận hiện có 33 cơ sở liên quan đến hoạt động tôn giáo với 48.209 tín đồ; trong đó, Phật giáo: 35.423 người, Tin lành: 2.739 người, Công giáo: 9.231 người, Cao đài: 721 người. Tất cả 10/10 phường đều có cơ sở tôn giáo hoạt động, tập trung nhiều nhất ở hai phường Tân Chính và Xuân Hà. Tuy trong thời gian qua, lãnh đạo quận rất quan tâm đến công tác phát triển ĐV là người có đạo nhưng vẫn gặp không ít khó khăn.

“Ở hầu hết các khu vực có đồng bào có đạo sinh sống, cán bộ, ĐV chủ yếu được cử từ nơi khác về sinh hoạt, ít cán bộ ĐV tại chỗ nên khó phát hiện các quần chúng ưu tú để tạo nguồn. Trong khi đó, lực lượng cốt cán trong đồng bào có đạo còn hạn chế. Cha cố tập trung làm phận sự của mình, chưa mặn mà với công tác phát triển Đảng. Tín đồ các tôn giáo trên địa bàn quận lại sống rải rác, không tập trung một chỗ, một số ở xung quanh nhà thờ Tam Tòa, số khác ở các đường Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng… nên rất khó theo dõi, nắm bắt tình hình, ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Lê Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Tân Chính cũng cho biết, hiện đồng bào có đạo ở phường chiếm 40% dân số, tập trung ở Giáo xứ Chính Trạch, Nhà thờ Tin lành và chùa Tân An. Trong 18 chi bộ khu dân cư (KDC)/24 chi bộ trực thuộc Đảng bộ phường, có 6 chi bộ KDC lãnh đạo các tổ dân phố có người dân theo đạo.

Khó khăn hiện nay là nhận thức của một số cấp ủy chi bộ KDC vẫn còn nhìn nhận chưa đúng chủ trương của Đảng trong phát triển ĐV đối với đồng bào có đạo. Vì vậy, Đảng ủy phải thường xuyên tuyên truyền, quán triệt những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào có đạo; từ đó, tạo chuyển biến về nhận thức của việc phát triển ĐV và làm sâu sắc thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa lương giáo với chính quyền địa phương.

Được kết nạp vào Đảng năm 2006, anh Nguyễn Huy Vũ (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) trở thành đảng viên là người có đạo đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng sau khi có Quy định số 123-QĐ/TW.  Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Được kết nạp vào Đảng năm 2006, anh Nguyễn Huy Vũ (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) trở thành đảng viên là người có đạo đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng sau khi có Quy định số 123-QĐ/TW. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Vận dụng chủ trương sáng tạo, linh hoạt

Để tháo gỡ những khó khăn trên, cùng với việc tổ chức hội nghị quán triệt nội dung Quy định số 123-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt của quận, Quận ủy Thanh Khê đã ban hành Đề án số 11-ĐA/QU ngày 17-7-2007 về “Phát triển đảng viên”, trong đó ưu tiên tập trung phát triển ĐV ở KDC, nhất là khu vực có đông đồng bào có đạo sinh sống.

Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tổ chức quán triệt đầy đủ, tuyên truyền sâu rộng các văn bản trên đến cán bộ chủ chốt, bí thư các chi bộ và ĐV của đơn vị, địa phương, đặc biệt là hướng dẫn một số nội dung cụ thể về quy trình, thủ tục kết nạp ĐV đối với người có đạo.

Nhờ làm tốt công tác trên, các cấp ủy Đảng của quận Thanh Khê đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phát triển ĐV đối với người có đạo, từ đó quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển ĐV đối với quần chúng là người có đạo.

Song song đó, quận thường xuyên triển khai xây dựng kế hoạch, tiến hành khảo sát quần chúng ưu tú trong cơ quan, đơn vị, trường học, Mặt trận và các hội, đoàn thể, tổ dân phố, lực lượng dân quân, dân phòng ở KDC. Thông qua các phong trào thi đua của Mặt trận, các hội, đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên, đã xuất hiện nhiều gương điển hình, quần chúng ưu tú, giúp cấp ủy cơ sở phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp Đảng. Ông Nguyễn Đăng Hoàng cho biết:

“Ngay sau khi có Quy định số 123-QĐ/TW, Đảng bộ quận đã tập trung chỉ đạo sâu hơn. Từ đó, giúp các Đảng bộ địa phương - nơi đông đồng bào có đạo sinh sống, nhận thức sâu sắc hơn và tạo ra cánh cửa mở trong công tác phát triển ĐV là người có đạo. Sau 5 năm thực hiện Đề án số 11-ĐA/QU, đã có 199 ĐV được kết nạp từ phong trào quần chúng ở KDC, tăng 44%, trong đó có 5 ĐV là người có đạo. Lực lượng này góp phần trẻ hóa đội ngũ ĐV, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo nền tảng chính trị vững chắc ở cơ sở”.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ngày 15-3-2013, Quận ủy Thanh Khê ban hành Đề án số 02-ĐA/QU về “Phát triển ĐV ở KDC đến năm 2020” với mục tiêu phấn đấu phát triển 550 ĐV ở KDC bảo đảm chất lượng vào năm 2020. Thông qua đề án này, nhiều Đảng ủy phường đã tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại với cấp ủy chi bộ trực thuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tìm ra những giải pháp đẩy mạnh phát triển ĐV ở KDC. Đến nay, Đảng bộ quận đã phát triển 389 ĐV ở KDC/1.642 ĐV được kết nạp mới, trong đó có 9 ĐV là người có đạo, gồm: 5 ĐV là người Công giáo và 4 ĐV là tín đồ Phật giáo, tăng tổng số ĐV là người có đạo trên địa bàn quận lên 17 người, gồm: 7 ĐV theo đạo Công giáo và 10 ĐV theo đạo Phật, chiếm 0,25% số lượng ĐV toàn quận.

Phường Tân Chính là Đảng bộ phát triển ĐV là người có đạo đầu tiên ở Đà Nẵng sau khi có Quy định số 123-QĐ/TW. Ông Lê Tấn Dũng chia sẻ: “Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp ủy chi bộ KDC về công tác phát triển ĐV là người có đạo, đến nay, việc tạo nguồn trong đồng bào có đạo không còn khó khăn nữa. Thông qua các hoạt động phong trào, các chi bộ đã phát hiện những nhân tố mới là thanh niên có đạo để giới thiệu tham gia lớp cảm tình Đảng.

Đến nay, Đảng ủy phường đã phát triển được 2 ĐV Nguyễn Huy Vũ và Nguyễn Thị Kim Huyền là người theo đạo Công giáo. Đây là hai anh em ruột đã tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Trong đó, anh Nguyễn Huy Vũ là người theo đạo Công giáo đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng trở thành ĐV sau khi có Quy định số 123-QĐ/TW”.

Chị Nguyễn Thị Kim Huyền, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Tân Chính chia sẻ: “Tôi được Chi bộ Chính Trạch kết nạp Đảng năm 2008. Sau khi tôi đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhiều người Công giáo cũng ngạc nhiên vì trước đó, ngoài anh trai tôi, chưa có ai là người có đạo ở khu vực Chính Trạch vào Đảng. Tôi rất phấn khởi, tự hào và luôn tự hứa sẽ nỗ lực hơn nữa để trở thành ĐV gương mẫu, xứng đáng với sự tin yêu của bà con giáo dân và nhân dân”.

Ngoài hai ĐV nói trên, Đảng ủy phường Tân Chính đang trình hồ sơ lên Quận ủy để chuẩn bị kết nạp thêm một ĐV là người có đạo. Số lượng nguồn để phát triển ĐV mới cũng tập trung hơn với 5 quần chúng ưu tú là người có đạo đã được giới thiệu tham gia học lớp cảm tình Đảng và dự kiến sẽ phát triển thêm một quần chúng là Bí thư Chi đoàn Chính Trạch. “Bài học được rút ra là các cấp ủy Đảng phải thường xuyên tập trung chăm lo công tác phát triển ĐV ở KDC, nơi đông đồng bào có đạo sinh sống và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy. Đặc biệt, việc cấp ủy chi bộ KDC có giáo dân sinh sống nhận thức sâu sắc về vấn đề này sẽ tạo thuận lợi cho địa phương trong công tác phát triển ĐV là người có đạo”, ông Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

* Ông Lê Trung Kiên, Trưởng phòng Tổ chức Đảng - đảng viên, Ban Tổ chức Thành ủy:

Khó khăn chung trong việc phát triển đảng viên là người có đạo nằm ở nhận thức khác nhau của các tín đồ tôn giáo về việc tham gia vào Đảng. Đặc biệt, nhận thức của hệ thống chức sắc tôn giáo đa phần cho rằng, đạo và Đảng không có mối liên hệ nhiều nên không nhất thiết phải vào Đảng. Trong khi đó, công tác tuyên truyền của tổ chức Đảng và hệ thống chính trị chưa hiệu quả. Nghị quyết của BCH Đảng bộ thành phố chỉ đưa ra chỉ tiêu chung về số lượng phát triển đảng viên hằng năm, còn việc phát triển đảng viên là người có đạo vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các địa phương

* Anh Ngô Hoàng Tùng (đảng viên là tín đồ Phật giáo), đại biểu HĐND phường Thanh Bình, quận Hải Châu:

Tôi được kết nạp Đảng vào năm 2014 tại Chi bộ Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) khi đang tại ngũ và hiện sinh hoạt tại Chi bộ KDC Bình An 2C, phường Thanh Bình. Trong quá trình huấn luyện, tôi được thủ trưởng đơn vị quan tâm và tạo điều kiện để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là niềm vinh dự không chỉ của riêng tôi mà cho cả gia đình. Bản thân tôi luôn tự hứa sẽ nỗ lực phấn đấu, tham gia tích cực các phong trào của địa phương và các chương trình tình nguyện, từ thiện của các hội, đoàn thể. Song song đó, tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Phật giáo; đồng thời giải thích cho họ hiểu rõ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng để không bị lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.