HƯỞNG ỨNG GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG - GIẢI "BÚA LIỀM VÀNG" LẦN THỨ 2 - 2017

Cầu nối giữa Đảng với đồng bào có đạo - Bài 2: Phát huy vai trò nòng cốt ở cơ sở

.

Bài 2:  Phát huy vai trò nòng cốt ở cơ sở

Sau khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhiều đảng viên (ĐV) là người có đạo đã phát huy được vai trò nòng cốt ở cơ sở, trở thành những nhân tố tích cực trong việc tham gia tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của thành phố đến với đồng bào có đạo. Qua đó, những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của bà con giáo dân cũng dễ dàng được Đảng, chính quyền nắm bắt, giải quyết thấu đáo.

Chị Nguyễn Thị Kim Huyền hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường Tân Chính, quận Thanh Khê.
Chị Nguyễn Thị Kim Huyền hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường Tân Chính, quận Thanh Khê.

Vận động giáo dân thực hiện di dời, giải tỏa

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện hơn 530 dự án với gần 120.000 hộ dân di dời, giải tỏa; tổng diện tích đất bị thu hồi hơn 11.488ha. Đặc biệt, khi thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), thành phố phải giải tỏa, di dời 5.168 hộ dân, trong đó có nhiều đồng bào Công giáo sinh sống ở Cồn Dầu và đồng bào Phật giáo ở Trung Lương. Để có được sự đồng thuận của người dân nơi đây, nhất là đồng bào có đạo, các ĐV là người có đạo đã đóng vai trò rất lớn trong việc vận động bà con giáo dân chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của thành phố. Trường hợp anh Ngô Văn Ba, người Công giáo được kết nạp Đảng vào năm 2013 và sinh hoạt tại Chi bộ 14, phường Hòa Xuân là một điển hình.

Trước khi trở thành ĐV, anh Ba là giáo dân gương mẫu và nhiệt tình trong các phong trào ở địa phương. Đặc biệt, anh là người tích cực tham gia vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của thành phố trong công tác giải tỏa, đền bù. Sau khi trở thành ĐV, được phân công làm Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư (KDC), anh Ba luôn tiên phong tham gia vận động giáo dân thực hiện chủ trương giải tỏa, di dời đến nơi ở mới. “Khi còn ở thôn Cồn Dầu, nơi tập trung chủ yếu là giáo dân, mình đã động viên bà con trong vùng giải tỏa hiểu và nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố trong việc thực hiện chỉnh trang, phát triển đô thị. Hồi đó, ở Hòa Xuân có trên 60 hộ kéo nhau ra Hà Nội khiếu kiện về đất đai, trong đó thôn Cồn Dầu có hơn 30 hộ. Nhưng qua tuyên truyền, vận động, đến nay nhiều hộ đã chuyển đến khu ở mới và không còn tham gia khiếu kiện. Họ đã đồng tình với chủ trương của thành phố, cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rất nhiều. Nhiều giáo dân đã có của ăn, của để sau khi nhận tiền đền bù và có công ăn việc làm ổn định”, anh Ngô Văn Ba chia sẻ.

Trong quá trình phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thành phố, với sự tham gia vận động tích cực của các ĐV là người có đạo và các tổ chức cơ sở Đảng tại địa phương, giáo dân các giáo xứ Thanh Bình, Ngọc Quang, Thanh Đức, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Hòa Cường… đã ủng hộ chủ trương mở rộng các tuyến đường của thành phố. Các hộ giáo dân tại các giáo xứ Ngọc Quang, An Hải, Cồn Dầu… chấp hành tốt việc giải tỏa, di dời đến nơi tái định cư mới. Đặc biệt, có trường hợp nhà thờ nằm trong diện quy hoạch chỉnh trang đô thị của thành phố như Giáo xứ An Thượng, các chức sắc và đồng bào giáo dân cũng đồng thuận cao và ủng hộ chủ trương di dời đến nơi ở mới.  

Ông Nguyễn Đức Trinh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố khẳng định, hiện nay trên địa bàn thành phố có 57 ĐV là người Công giáo. Sau khi kết nạp, các cấp ủy Đảng bảo đảm điều kiện cho các ĐV là người có đạo được tham gia sinh hoạt tôn giáo theo quy định, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với khả năng của từng người. Các ĐV là người Công giáo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, sống “tốt đời đẹp đạo”, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giữ vững an ninh chính trị và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Chăm lo an sinh xã hội

Cùng với việc vận động đồng bào có đạo chấp hành các chủ trương di dời, giải tỏa của thành phố, các ĐV là người có đạo còn vận động bà con giáo dân chung tay, góp sức chăm lo, xây dựng nhà tình thương cho người nghèo và gia đình bị bão lũ, thiên tai tàn phá nhà cửa; đồng thời thể hiện vai trò tiên phong đi đầu trong việc phát động phong trào thi đua ở địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Là địa phương phát triển được nhiều ĐV là người có đạo, ông Trần Vĩnh An, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) cho biết, xã Hòa Sơn hiện có 90% dân số là người có đạo, trong đó Công giáo chiếm hơn 80%, Phật giáo chiếm khoảng 10%. Đến nay, Đảng bộ xã có 29/172 ĐV là người có đạo. Các ĐV này đều nhận thức đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và là lực lượng nòng cốt trong tập hợp tín đồ; gương mẫu trong các phong trào thi đua, được quần chúng tín nhiệm và ủng hộ. Điển hình như anh Phan Vui, chị Nguyễn Thị Thùy Linh ở xã Hòa Sơn… “Họ có vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối giữa Đảng với giáo dân, gắn việc đời với việc đạo, sống “tốt đời đẹp đạo”. Nhờ vậy, các giáo dân đã cùng tham gia với chính quyền triển khai thực hiện nhiều mô hình, phong trào mang lại hiệu quả thiết thực như “Xóm đạo bình yên”, “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”..., góp phần giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Trần Vĩnh An nhấn mạnh.

Là Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Sơn, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện Hòa Vang, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (ĐV là người Công giáo) không chỉ làm tốt công tác chuyên môn ở đơn vị mà còn đi đầu tham gia thực hiện công tác an sinh ở địa phương. Trong năm học mới 2017-2018, chị Linh vận động bà con giáo dân quyên góp 101 suất quà trao cho học sinh vượt khó học giỏi; đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, sống “tốt đời đẹp đạo”, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự để thực hiện tốt mô hình “Xóm đạo bình yên” ở KDC. “Trước khi kêu gọi mọi người cùng thực hiện tốt mô hình “Xóm đạo bình yên”, mình và gia đình phải là người tiên phong, gương mẫu làm trước”, chị Linh cho biết.

Cũng như chị Linh, trước đây, khi còn làm Bí thư Chi đoàn Chính Trạch (phường Tân Chính, quận Thanh Khê), chị Nguyễn Thị Kim Huyền, ĐV người Công giáo luôn là người năng nổ trong các hoạt động phong trào và có nhiều sáng kiến trong công tác. Chị đã đứng ra kêu gọi các đoàn viên, thanh niên Giáo xứ Chính Trạch tổ chức “Ngày hội chào hè” vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) và “Đêm hội trăng rằm” vào ngày Tết Trung thu cho các em nhỏ ở KDC. Hoạt động này đến nay được duy trì 8 năm; qua đó, huy động bà con giáo dân hưởng ứng đóng góp trao học bổng cho con em các hộ giáo dân nghèo, khó khăn.

Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp tích cực của chị Huyền, sau khi có Quy định 123-QĐ/TW, ông Lâm Quang Thích, Bí thư chi bộ Chính Trạch lúc đó, đã nhiệt tình giới thiệu, hỗ trợ chị làm hồ sơ kết nạp Đảng với mong muốn đưa đến cho Đảng một nhân tố tích cực, nhiệt tình, sẵn sàng cống hiến sức trẻ cho các phong trào, hoạt động của địa phương.

Nói về năng lực công tác của chị Huyền, ông Lê Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Tân Chính cho biết: “Qua theo dõi, Đảng ủy phường nhận thấy chị Huyền hoạt động phong trào rất năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao và sống gần gũi với người dân trong KDC nên đã rút về làm ở Mặt trận phường và phân công giữ chức Trưởng ban Thanh tra nhân dân. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của chị Huyền và các cán bộ, ĐV, các giáo dân trên địa bàn phường đã chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện tốt các mô hình “Xóm đạo bình yên”, mô hình “3 xây, 3 quản”.

Có thể nhận thấy, trong thời gian qua, các ĐV là người có đạo đã làm tốt vai trò nòng cốt của mình trong việc tuyên truyền, vận động các vị chức sắc và đồng bào có đạo phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tham gia cùng chính quyền xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Nhiều chức sắc trong các tôn giáo đã tích cực tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Cùng với các tầng lớp nhân dân, các vị chức sắc và đồng bào có đạo đã thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở vùng đồng bào có đạo, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, chương trình “Thành phố 4 an”, “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”… và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê:

Sau khi được kết nạp Đảng, các đảng viên là người có đạo rất phấn khởi, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương và đã phát huy vai trò của mình, làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động bà con là đồng bào có đạo thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều đảng viên là người có đạo đã thực sự là cầu nối tuyên truyền nghị quyết đến đồng bào có đạo và các chức sắc, chức việc trong đồng bào có đạo; đồng thời cũng là người trực tiếp triển khai thực hiện...

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.