Mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn: Không dễ tìm người "gánh vác cả hai vai"

.

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 1-4-2017 của Thành ủy về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố, thời gian qua, một số xã thuộc huyện Hòa Vang đã triển khai mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng nhân rộng được mô hình này.

 Đảng viên Lê Văn Nghĩa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang vừa được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư kiêm trưởng thôn. Trong ảnh: Ông Lê Văn Nghĩa truyền nghề chế biến rượu cần của đồng bào dân tộc Cơ Tu cho cô con dâu.
Đảng viên Lê Văn Nghĩa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang vừa được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư kiêm trưởng thôn. Trong ảnh: Ông Lê Văn Nghĩa truyền nghề chế biến rượu cần của đồng bào dân tộc Cơ Tu cho cô con dâu.

Phát huy vai trò của người đứng đầu

Đến thời điểm này, Hòa Phú là xã duy nhất trong 11 xã của huyện Hòa Vang có số thôn thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nhiều nhất: 5/10 thôn. Ông Võ Sơn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú) nhiệm kỳ 2017-2020 chia sẻ, sau gần 3 tháng kiêm nhiệm 2 chức danh, ông vừa tiếp thu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, vừa trực tiếp chỉ đạo thực hiện nên công việc được triển khai nhanh hơn, dễ tạo sự thống nhất cao trong chi ủy chi bộ.

Tuy nhiên, để gánh trọn hai vai, ngoài nỗ lực của bản thân còn đòi hỏi sự đoàn kết, tinh thần cộng tác cao của cán bộ, đảng viên và sự ủng hộ của nhân dân. Còn ông Đăng Hoa, Bí thư chi bộ thôn An Châu (xã Hòa Phú), người vừa được bà con tín nhiệm bầu giữ thêm chức trưởng thôn này, cho biết khi gánh vác cả hai chức danh, chắc chắn công việc sẽ nhiều hơn, vất vả hơn. Nhưng để làm tốt cả hai vị trí, người đứng đầu thôn phải đặt sự công tâm, công bằng lên trên và tất cả phải vì lợi ích của người dân. “Mình muốn bà con nghe mình, tin mình thì phải tạo được uy tín, thể hiện bằng sự gương mẫu “nói đi đôi với làm”, ông Hoa cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú cho rằng, việc cơ cấu chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn được đông đảo đảng viên, nhân dân đồng tình. Qua triển khai cho thấy, mô hình này đã phát huy vai trò năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu thôn, khắc phục tình trạng “lệch pha” giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Trong nhiệm kỳ 2017- 2020, xã Hòa Phú có 5/10 thôn triển khai mô hình “nhất thể hóa” chức danh bí thư kiêm trưởng thôn. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này ở tất cả các thôn trong xã không phải là điều dễ dàng làm được.

Khó tìm nguồn

Từ kinh nghiệm của xã Hòa Phú, Đảng ủy các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang cũng triển khai nhân rộng mô hình này tại các thôn trong xã. Nhưng trên thực tế, không phải xã nào cũng thực hiện được mô hình nói trên một cách thuận lợi. Mặc dù chủ trương “nhất thể hóa” chức danh bí thư kiêm trưởng thôn được Huyện ủy Hòa Vang triển khai sau các đại hội chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2017-2020, thế nhưng, hiện không ít địa phương thiếu nguồn cán bộ ngay từ dưới các thôn nên khó áp dụng mô hình này.

Bên cạnh đó, đa số đảng viên tại các chi bộ thôn đều tuổi cao, sức khỏe yếu hoặc là đảng viên trẻ; ngoài những đảng viên là cán bộ, công chức xã, phường, số trưởng thành từ cơ sở có trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế. Cũng bởi không có nguồn cán bộ đủ năng lực và tâm huyết cho hai vị trí trên nên nhiều địa phương không triển khai được mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Mặt khác, chế độ phụ cấp quá thấp nhưng công việc đòi hỏi tiếp xúc với dân nhiều nên không ít người rất ngại mỗi khi được đề cử vào cả 2 chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Kim Đính, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, do có số lượng đảng viên ít nên khi thực hiện mô hình này, Đảng ủy xã đã không tìm được nguồn để nắm giữ cả 2 chức danh bí thư kiêm trưởng thôn.

Còn theo ông Đinh Ngọc Thiên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương, trên thực tiễn, khi thực hiện mô hình này, người bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phải có sức khỏe, năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành; phải am hiểu công tác Đảng, có kinh nghiệm, uy tín cao trong Đảng, trong dân. Do vậy, một số chi bộ gặp khó khăn trong công tác lựa chọn nhân sự. Người đảm nhận được chức bí thư chi bộ thì tuổi cao, sức yếu, không gánh được hai vai; người làm tốt vai trò trưởng thôn lại không phải là đảng viên nên không thể làm bí thư chi bộ được.  

Từ thực tế trên, có thể khẳng định, hiệu quả của việc kiêm nhiệm là điều không phủ nhận, vì nhờ đó, cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến khâu tổ chức thực hiện. Tuy nhiên để mô hình này phát huy hiệu quả, có chiều sâu, điều quan trọng nhất là cần sự vào cuộc của cấp ủy trong khâu lựa chọn cán bộ cũng như chế độ chính sách kèm theo đối với những người “gánh vác cả hai vai”.

Nhìn nhận từ thực tế sau khi triển khai mô hình này, ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, để mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là khâu lựa chọn cán bộ. Tuy nhiên, mô hình này chỉ phù hợp với những thôn có quy mô dân số không lớn, số lượng đảng viên nhiều… Vì vậy, trong thời gian đến, Huyện ủy Hòa Vang sẽ tiếp tục duy trì và khuyến khích các xã tùy theo điều kiện cụ thể mà áp dụng, nhân rộng mô hình này.

Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.