Trận đánh Mỹ ở Sơn Trà năm 1962

.

Quân Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965, nhưng rất ít người biết từ đầu năm 1962 đã diễn ra trận đánh bọn cố vấn Mỹ tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Trận đánh do Đội Công tác đặc biệt của Huyện ủy Hòa Vang thực hiện, người chỉ huy là Đội trưởng Trần Thị Kim Cúc, sinh năm 1936, hiện ở phường Thanh Bình (quận Hải Châu).

Cựu chiến binh, thương binh Trần Thị Kim Cúc
Cựu chiến binh, thương binh Trần Thị Kim Cúc

...Năm 1961, Đội Công tác đặc biệt của Huyện ủy Hòa Vang hoạt động bí mật tại nội thành Đà Nẵng, đảm nhiệm gây dựng cơ sở và thu thập tình hình địch trong thành phố báo về căn cứ Huyện ủy Hòa Vang.

Cán bộ, đội viên sống hợp pháp trong vùng địch, làm nhiều nghề khác nhau, trong đó bà Cúc nhập vai người ở giữ em cho gia đình bà Đặng Thị Dậu ở gần khu vực Huyện lỵ Hòa Vang của địch, nay thuộc phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu).

Tháng 2-1962, cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch báo tin có 34 tên cố vấn Mỹ vừa đến Đà Nẵng để huấn luyện biệt kích cho quân ngụy.

Chúng chia làm hai tốp, đóng ở bán đảo Sơn Trà và khu vực Hòa Cầm. Ngay sau đó, Đội Công tác đặc biệt được giao nhiệm vụ nắm bám, theo dõi hoạt động của bọn cố vấn Mỹ. “Tôi phân công đội phó Chế Viết Giám chỉ huy nội tuyến bám bọn Mỹ ở Hòa Cầm, còn tôi trực tiếp chỉ huy nội tuyến bám bọn Mỹ ở Sơn Trà”, bà Cúc nói.

5 ngày sau, đội viên Phạm Nổi (cơ sở nội tuyến, bí danh H1) trong vai ngụy binh, làm việc trong sở chỉ huy địch tại Sơn Trà gửi cho bà Cúc mảnh giấy với nội dung: “9 giờ sáng nay có xi-nê, cậu theo xe đến đúng hẹn để kịp xem”. Tin do đội viên Lê Hợi (cơ sở nội tuyến, bí danh H2) cũng trong vai ngụy binh, làm tiếp phẩm cho địch tại Sơn Trà chuyển đến.

Lập tức, bà Cúc lắp đạn vào khẩu súng ngắn ru lô, chờ H2 chạy xe mua thực phẩm xong quay lại đón. H2 chở bà Cúc đến ven núi Sơn Trà, tại đây, H1 đã đợi sẵn và tiếp tục chở bà Cúc (bằng xe đạp) ra phía biển Tiên Sa trong khu quân sự của địch. Vừa đi, H1 vừa cho biết: Mấy ngày nay, từ sáng sớm bọn cố vấn Mỹ đã luyện tập ở trên núi Sơn Trà, đến 9 giờ, chúng kéo xuống biển, tập tiếp.

Bà Cúc và H1 đến nơi lúc bọn Mỹ từ trên núi vừa kéo xuống biển. Hai người  núp sau vách đá cách địch chừng 20 mét, quan sát, thấy rõ 12 tên Mỹ đang chăm chăm tập lặn, rượt, đuổi dưới nước. Từ trên cao nhìn xuống, địch nằm trong tầm ném lựu đạn. Thấy dễ đánh quá, H1 liền đề nghị: “Mình dợt luôn đi, đội trưởng ơi!”.

Bà Cúc thoáng phân vân vì trên chưa có chủ trương, nhưng H1 cứ háo hức, lăm lăm cầm 2 quả lựu đạn M26, nằn nì xin đánh. Trong phút chốc, bao nhiêu tội ác của quân thù hiện ra trước mắt, bà Cúc bèn quyết định đánh. H1 liền đưa cho bà Cúc 1 quả lựu đạn, còn mình giữ 1 quả. Anh giơ lên, nói đùa: “Cho chúng mày ăn khoai lang nè!”.

Chờ lúc bọn Mỹ cụm lại ở mép nước, hai người cùng rút chốt an toàn, ném vào giữa đội hình địch. Hai tiếng nổ vang rền nối tiếp nhau. Bọn Mỹ hoảng hồn, chạy tán loạn. Những tên bị thương kêu gào thảm thiết. Quân địch ở Sơn Trà nổi còi báo động, xe chở lính chạy rầm rầm, hú còi inh ỏi. Chúng đổ quân chặn các ngả đường. H1 chở bà Cúc phóng nhanh ra khỏi khu quân sự của địch. Bà Cúc lên xe lam về nội thành theo đường cầu Đờ-lách (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Còn H1 khẩn trương đạp xe trở về đồn.

Tại cầu Đờ-lách, người dân và lính ngụy đông nghịt. Bọn địch chặn hết các xe lại, lục soát, khám xét từng người. Bà Cúc bình tĩnh xuống xe, trà trộn vào đám đông, định tìm chỗ kín để giấu khẩu súng ngắn, nhưng chỗ nào cũng trống mà bọn địch đang soi mói khắp nơi, rất dễ bị phát hiện. Bà Cúc liền rẽ vào một quán bún bên đường như là khách.

Nhân lúc quán vắng, bà Cúc nhanh nhẹn tháo đạn ra, vứt khẩu ru lô vào nồi nước nhân, đồng thời nói nhỏ vừa đủ cho bà chủ quán nghe “nhờ dì che chở, chúng con mang ơn”. Miệng nói, tay bà dốc hết tiền trong túi đưa cho bà chủ quán (ngụ ý đền nồi nhân bún). Bà chủ quán tái mét, nhưng cũng kịp hiểu sự việc nên không phản ứng gì. Bà Cúc liền trở ra đường, thản nhiên đi qua các trạm kiểm soát, trở về nhà cơ sở. Mấy ngày sau, đội viên Lê Hợi báo tin trận đánh ấy đã tiêu diệt 3 tên cố vấn Mỹ cùng với 2 tên bị thương nặng.

Thời đánh Mỹ, bà Cúc lập nhiều chiến công và đã bao phen bị địch giam cầm, tra tấn dã man. Dù bị kẻ thù đóng đinh vào đầu cùng nhiều cực hình tàn khốc, nhưng trước sau bà vẫn một lòng kiên trung, son sắt với cách mạng. Rạng ngời niềm tự hào, vị nhân chứng lịch sử tươi cười nói: “Sau trận đánh tại bán đảo Sơn Trà, đồng chí Mai Đăng Chơn, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang đã biểu dương chúng tôi mưu trí, dũng cảm, biết chớp thời cơ tiêu diệt địch và cũng lưu ý việc đánh địch chưa được chuẩn bị chu đáo”.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.