Đột phá xây dựng chính quyền điện tử

Bài 4: Xây dựng "công dân điện tử"

.

Muốn vận hành chính quyền điện tử (CQĐT), cần phải có công dân điện tử. Thế nhưng, nhiều người dân thành phố chưa mặn mà với các dịch vụ công trực tuyến và vẫn lựa chọn hình thức trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp thủ tục hành chính.

Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm xây dựng lực lượng công dân điện tử. Trong ảnh: Chị Biện Thị Thu (trái), Phó Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà, Trưởng Bộ phận “một cửa điện tử” đang hướng dẫn chị Phạm Thị Tuyết Thương sử dụng dịch vụ công trực tuyến.  					        				       Ảnh: TRÂM ANH
Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm xây dựng lực lượng công dân điện tử. Trong ảnh: Chị Biện Thị Thu (trái), Phó Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà, Trưởng Bộ phận “một cửa điện tử” đang hướng dẫn chị Phạm Thị Tuyết Thương sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: TRÂM ANH

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tiếp cận với CNTT, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách hữu ích hơn.

Người thờ ơ, người hào hứng

Ghi nhận tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính (một cửa) của UBND quận Hải Châu, chúng tôi nhận thấy người dân đến nộp hồ sơ khá đông. Anh Nguyễn Đức Vĩnh (SN 1989, ngụ phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho biết, anh đến đây để nộp hồ sơ đăng ký chuyển quyền sử dụng đất. Hỏi anh đã có tài khoản công dân điện tử chưa, anh gật đầu. Tuy nhiên, anh Vĩnh cho biết chưa sử dụng tài khoản này lần nào và giải thích: “Mặc dù đi lại mất thời gian chút xíu nhưng đến tận nơi liên hệ giải quyết thì tôi mới yên tâm được”.

Trong khi đó, Trang thông tin điện tử của huyện Hòa Vang ưu tiên dành riêng một “phần đất” để giới thiệu về dịch vụ công trực tuyến rất chi tiết, cụ thể, như: giới thiệu các dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn đăng ký dịch vụ công trực tuyến qua SMS và quy trình xử lý hồ sơ...

Tuy nhiên, nhiều người dân trên địa bàn vẫn cũng lựa chọn đến trụ sở UBND các cấp để giao dịch thay vì sử dụng các tiện ích công qua mạng bởi vì... sử dụng máy tính chưa thành thạo. Cầm hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1978, ngụ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết: “Tôi làm thất lạc giấy tờ, cũng nghe người này người kia nói là có thể làm lại qua mạng nhưng tôi không rành sử dụng mấy cái đó (máy tính - PV) nên phải đi trực tiếp như vậy”.

Qua quan sát tại các địa phương và phỏng vấn người dân, chúng tôi nhận thấy những người trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp thủ tục hành chính phần nhiều là người lớn tuổi. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, như: người lớn tuổi không biết cách sử dụng các thiết bị điện tử và ứng dụng CNTT; người trẻ tuổi đi làm vào giờ hành chính nên thường nhờ bố, mẹ làm thay...

Đây cũng là nguyên nhân khiến đa số người lớn tuổi và một bộ phận người trẻ tuổi thờ ơ với các dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, ở một số địa phương, do tính chất đặc thù, người dân không mặn mà với các dịch vụ công trực tuyến bởi không am hiểu về CNTT, không có các thiết bị điện tử... Đơn cử, huyện Hòa Vang có 11 xã, trong đó có 4 xã miền núi nên việc tiếp cận CNTT của người dân còn hạn chế.

Bên cạnh một số người dân thờ ơ, vẫn có nhiều người nhanh chóng tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến; có người nắm bắt thông tin tốt nên thường xuyên sử dụng hình thức này để giao dịch hành chính công. Anh Nguyễn Hoàng An (SN 1985, ngụ quận Thanh Khê) bày tỏ: “Tôi làm việc theo giờ hành chính, việc sắp xếp thời gian để trực tiếp đến các cơ quan công quyền giao dịch thủ tục hành chính rất khó khăn, bất tiện. Từ ngày có dịch vụ công trực tuyến, cần làm gì tôi cũng đều giao dịch trên mạng. Vừa nhanh, vừa tiện”.

Chị Nguyễn Thị Minh Thư (SN 1982, ngụ phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) chia sẻ: “Hôm trước, người thân của tôi đi đổi giấy phép lái xe phải mất nhiều thời gian chờ đợi nộp hồ sơ tại Trung tâm Hành chính thành phố. Tình cờ biết về dịch vụ công trực tuyến, tôi tìm hiểu và thấy việc sử dụng rất đơn giản. Với một vài thao tác nhỏ trên máy tính, tôi đã có thể dễ dàng nộp hồ sơ và xác nhận lịch hẹn đổi giấy phép lái xe trực tuyến. Đến ngày giờ hẹn, có việc bận đột xuất, tôi đã vào website sửa lịch hẹn. Tôi thấy tiện lợi quá nên đã giới thiệu cho người quen của mình cùng thực hiện”.

Đến UBND phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) liên hệ một số thủ tục hành chính, anh Trương Minh Khang (SN 1997, ngụ quận Hải Châu) được cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính (một cửa) giới thiệu, hướng dẫn về thủ tục trực tuyến nên hào hứng trải nghiệm. “Đây là lần đầu tiên tôi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính nên không biết nhiều về các dịch vụ công. Được cán bộ tận tình hướng dẫn, tôi đã làm quen với dịch vụ công trực tuyến và thấy cách làm này rất hay. Lần sau, tôi nhất định sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến nếu có nhu cầu”.

Có thể thấy, bằng nhiều cách thức tiếp cận khác nhau như: trực tiếp tìm hiểu, được bạn bè hoặc người thân giới thiệu, được cán bộ có thẩm quyền hướng dẫn… nên nhiều người đã chuyển từ “công dân truyền thống”, tức chỉ “trung thành” với những giao dịch trực tiếp “mặt đối mặt” sang “công dân điện tử” - biết sử dụng CNTT để phục vụ cho những giao dịch hành chính công trực tuyến khi cần thiết.

Đồ họa: TRÂM ANH
Đồ họa: TRÂM ANH

Đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích người dân tiếp cận CNTT

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, chia sẻ: “Một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với sự phát triển của CQĐT là công dân điện tử. Tuy nhiên, do thói quen cũng như trình độ tin học hạn chế, nhiều người dân còn e ngại với các dịch vụ công trực tuyến và vẫn lựa chọn trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp thủ tục hành chính...”.

Do đó, để phát triển chiều sâu nguồn nhân lực CNTT, Đà Nẵng đã xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu ứng dụng CNTT-Truyền thông (TT) và Cổng học tập trực tuyến nhằm cung cấp kiến thức về CNTT-TT miễn phí cho CBCCVC, doanh nghiệp, người dân với hơn 473 bài giảng phục vụ 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.  Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, có hơn 3.000 lượt học viên tham gia các khóa học trực tuyến miễn phí.

Chị Đặng Nguyễn Xuân Quỳnh (SN 1988, ngụ phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) tâm sự: “Tôi tốt nghiệp kế toán hệ cao đẳng, cần trau dồi thêm kỹ năng CNTT để hỗ trợ cho công việc nhưng không có thời gian tham gia các lớp học trực tiếp. Tình cờ biết đến Cổng học tập trực tuyến của thành phố, tôi đã thử truy cập và học hỏi vào ban đêm, sau giờ làm việc. Tôi đánh giá rất cao sự thuận tiện của các bài giảng vì có video giải thích dễ hiểu, dễ tiếp thu. Hiện tại, công việc của tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên các bài học trước đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều”.

Ngoài cách thức trên, để xây dựng lực lượng “công dân điện tử”, nhiều năm qua, Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tiếp cận với CNTT, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách hữu ích hơn. Trước đây, việc đăng ký tài khoản “công dân điện tử” chỉ có một cách thức duy nhất là bằng thư điện tử. Tuy nhiên, nhiều người dân không có địa chỉ thư điện tử (email) nên ngại đăng ký vì thao tác lâu, tốn thời gian.

Hiện nay, để hỗ trợ công dân đăng ký tài khoản một cách thuận lợi, từ đó sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin CQĐT Đà Nẵng hiệu quả, thành phố đã bổ sung tính năng đăng ký bằng tin nhắn SMS. Chỉ với một tin nhắn (cú pháp: TK, họ và tên, CMND, ngày sinh) gửi đến Tổng đài Thông tin dịch vụ công (8188), người dân sẽ nhanh chóng nhận được tài khoản “công dân điện tử” và mật khẩu. Sau đó, người dân có thể đăng nhập và bổ sung các công tin cá nhân còn thiếu (nếu có) và sử dụng tài khoản vừa được cấp để đăng ký các dịch vụ công trực tuyến.

Trên thực tế, làm sao để mỗi người dân đều là “công dân điện tử” là nỗi trăn trở thường trực ở mỗi cơ quan, địa phương. Xác định một trong những bước cản lớn nhất khi xây dựng “công dân điện tử” là thói quen của người dân, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: phát tờ rơi, trình chiếu các video hướng dẫn ở Bộ phận “một cửa điện tử”, tuyên truyền trên đài truyền thanh, trang tin điện tử của địa phương...

Tại trụ sở UBND quận Ngũ Hành Sơn, bàn hướng dẫn thủ tục hành chính được bố trí thêm máy tính có đường truyền Internet tốc độ cao để hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phó Chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn Mai Xuân Thủy cho biết, mỗi ngày, đoàn viên thanh niên cơ quan sẽ thay nhau trực, thực hiện nhiệm vụ quảng bá, hướng dẫn khi người dân có nhu cầu làm thủ tục trực tuyến.

Quyết liệt hơn, quận Hải Châu đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn. Ông Dương Văn Vân, Trưởng phòng Nội vụ quận Hải Châu, cho biết: “Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2017, 80% người dân trên địa bàn quận sẽ có tài khoản điện tử để truy cập giải quyết thủ tục hành chính, UBND quận Hải Châu đã phối hợp với Trường Đại học Duy Tân, Ban Dân vận Quận ủy, Quận Đoàn thành lập các tổ tuyên truyền. Các tổ này sẽ phối hợp cùng cán bộ tại các phường đến từng nhà tuyên truyền về CQĐT và hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản điện tử. Sau đó, UBND quận sẽ kiểm tra bằng cách chọn ngẫu nhiên một tài khoản điện tử và xác minh”. Nhờ cách làm quyết liệt này, đến ngày 31-8-2017, 13/13 phường thuộc quận đã đạt trên 80% người dân có tài khoản điện tử.

Đối với quận Liên Chiểu, địa phương lại đẩy mạnh thực hiện giải pháp “xã hội hóa công tác hướng dẫn và đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại các điểm kinh doanh Internet trên địa bàn quận”. Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cho hay, thời gian qua, Văn phòng HĐND và UBND quận đã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin quận chọn 3 điểm Internet trên địa bàn phường Hòa Minh làm thí điểm.

Bước đầu, giải pháp này đã mang lại kết quả tích cực khi người dân xung quanh khu vực các điểm Internet nói trên đã quan tâm, hỏi thông tin và có 5 hồ sơ trực tuyến mức 3 nhận được từ các điểm Internet này...

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng cho biết, sắp đến, địa phương sẽ triển khai phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh, đoàn viên trở thành “công dân điện tử”. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt tiếp tục giới thiệu, giúp đỡ người thân trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến; từ đó, nâng cao số lượng và chất lượng “công dân điện tử”.

Riêng huyện Hòa Vang, địa phương có đặc thù địa lý và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực không ngừng, có nhiều cách làm hay, riêng biệt. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, huyện đã thí điểm triển khai nhiều mô hình nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận gần hơn với CNTT, như: “Điểm ứng dụng CNTT nông thôn mới kiểu mẫu” tại 5 xã; “Điểm tư vấn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4” tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của huyện và 3 điểm, gồm xã Hòa Phước (khu vực đồng bằng), xã Hòa Liên (khu vực miền núi) và xã Hòa Nhơn (khu vực trung du). Đặc biệt, mới đây, huyện còn đưa các thiết bị CNTT như máy tính, máy in, máy scan có kết nối mạng Internet… về tận thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) qua mô hình “Điểm ứng dụng CNTT nông thôn mới kiểu mẫu” nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tiếp cận với CNTT.

Với các biện pháp quyết liệt trên, thành phố đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thay đổi thói quen liên hệ dịch vụ công từ truyền thống sang trực tuyến ở người dân, doanh nghiệp. Điều này được chứng minh qua số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông: tổng hồ sơ trực tuyến trong năm 2016 là 1.265.380/1.363.806 tổng số hồ sơ, (chiếm 92,7%). Tuy nhiên, để CQĐT không phải là mô hình chỉ dành riêng cho người trẻ, người biết CNTT, thành phố cần thêm nhiều giải pháp hữu hiệu trong công tác xây dựng “công dân điện tử” để làm sao phấn đấu mỗi người dân trở thành một “công dân điện tử” thực thụ, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của thành phố.

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.