Đột phá xây dựng chính quyền điện tử

Bài cuối: Hướng đến thành phố thông minh

.

Với những thành công bước đầu trong xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), Đà Nẵng sẵn sàng cho việc xây dựng thành phố thông minh (TPTM). Để hiện thức hóa mục tiêu mọi người dân đều hưởng lợi từ các tiện ích đô thị, Đà Nẵng đang tiến từng bước trên lộ trình phù hợp.

Đồ họa: TRÂM ANH
Đồ họa: TRÂM ANH

Lộ trình có trọng tâm, trọng điểm

Một ngày tháng 10-2016, nhà của chị Nguyễn Thị Mai (ngụ phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) bị kẻ trộm đột nhập lấy cắp 1 máy tính xách tay. Nhờ hệ thống camera giám sát an ninh được lắp đặt tại kiệt nhà chị, lực lượng công an đã xác định và truy bắt đối tượng thành công.

Trong khi đó, năm học mới này, chị Lê Thị Hương Lan (ngụ quận Liên Chiểu) không còn vất vả đăng ký nhập học cho con. “Với ứng dụng tuyển sinh trực tuyến Đà Nẵng (http://tuyensinh.danang.edu.vn), tôi dễ dàng tra cứu tuyến, đăng ký nhập học cho con tại nhà, không phải đi lại nhiều lần. Tôi rất ủng hộ việc nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp cho con bằng hình thức trực tuyến vì rất minh bạch, công bằng”, chị Lan nói.

Còn Nguyễn Văn Thiện (sinh viên Trường Đại học Duy Tân) lại rất thích thú với phần mềm nâng cao hiệu quả tiếp cận xe buýt trên điện thoại di động (Danabus) của Sở Giao thông vận tải. “Khoảng cách từ nhà đến một số cơ sở của trường quá xa nên tôi và các bạn thường di chuyển bằng xe buýt. Từ ngày có ứng dụng Danabus, chúng tôi rất thích những tính năng tiện ích của phần mềm nên thường xuyên lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển”, Thiện chia sẻ.

Những tiện ích đô thị vừa nêu trên là một số kết quả bước đầu của Đà Nẵng trong quá trình hiện thức hóa mục tiêu hình thành TPTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ông Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Đà Nẵng cho biết, giống như triển khai CQĐT, khi xây dựng TPTM, Đà Nẵng đã lập đề án, khung kiến trúc làm cơ sở, bảo đảm triển khai đồng bộ theo lộ trình có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu thực tế và yêu cầu về công nghệ.

Theo ông Đặng Việt Dũng, Đề án xây dựng TPTM hơn của Đà Nẵng dựa trên kết quả khảo sát thực tế và đề xuất thiết thực của đoàn chuyên gia tư vấn cao cấp Tập đoàn IBM. Đề án xác định 5 lĩnh vực ưu tiên triển khai là: giao thông thông minh, cấp nước thông minh, thoát nước thông minh, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Quang Thanh chia sẻ, nền tảng mô hình TPTM của Đà Nẵng được dựa trên kiến trúc CQĐT đã xây dựng. Trong đó, CNTT là hạ tầng thiết yếu bảo đảm cho việc triển khai các ứng dụng theo định hướng thành phố thân thiện với môi trường, phát triển bền vững và dựa trên các nguyên tắc: kế thừa hệ thống thông tin CQĐT; đồng bộ về tiêu chuẩn, tích hợp về kỹ thuật, công nghệ; khuyến khích công nghệ mở; đa đối tác ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong nước và địa phương.

Về giám sát và điều khiển giao thông, bên cạnh xây dựng và vận hành hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình, thành phố thiết lập hệ thống điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 64 nút giao thông, 97 camera giám sát tại 51 điểm giao thông và trung tâm điều hành tập trung; triển khai dự án Mở rộng hệ thống điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông và camera giám sát giao thông, nâng tổng số lên khoảng 328 điểm/nút giao thông; tạo ra 7 tuyến làn sóng xanh.

Sở TT&TT cũng tự nghiên cứu camera giao thông thông minh bằng nguồn lực tại địa phương, thí điểm tại nút giao thông Trưng Nữ Vương - Núi Thành để làm chủ công nghệ, phù hợp với điều kiện tại Đà Nẵng; đồng thời, tạo cơ sở để thành phố so sánh, chủ động trong lựa chọn sử dụng thiết bị, giải pháp, công nghệ của đa đối tác.

Song song đó, thành phố còn triển khai trạm giám sát và cảnh báo sớm, tự động đo chất lượng nước tại Nhà máy Nước Cầu Đỏ để giám sát cấp nước sạch; hệ thống giám sát và cảnh báo sớm môi trường nước tại hồ Thạc Gián để xử lý kịp thời, tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng môi trường; triển khai cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người dân tra cứu các đơn vị đạt chuẩn an toàn thực phẩm (qua tin nhắn, điện thoại) nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ngoài ra, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đồng hành với Đà Nẵng trong quá trình xây dựng TPTM, ưu tiên triển khai trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Đến nay, đã xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục thực hiện liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học, tiến đến hình thành cơ sở dữ liệu học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến 12) và giáo viên toàn thành phố; hoàn thiện và đưa vào sử dụng 3 phần mềm: phần mềm Y tế xã/phường (100% xã, phường sử dụng); phần mềm quản lý bệnh viện tại Trung tâm y tế cấp quận; phần mềm Hồ sơ y tế điện tử và quản lý ID bệnh nhân.

Ông Đặng Việt Dũng cho biết, thời gian đến, thành phố tiếp tục cập nhật Hệ thống thông tin CQĐT Đà Nẵng và xây dựng các ứng dụng TPTM. Cụ thể, sẽ ban hành và triển khai Khung Kiến trúc tổng thể TPTM và các kiến trúc chuyên ngành (năm 2018 sẽ ban hành cho ngành giao thông, nông nghiệp, du lịch, lao động…). Đặc biệt, với phương châm “Đa đối tác - Một nền tảng - Một hạ tầng - Một chính sách - Đa ứng dụng”, Đà Nẵng có thể hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhưng thực hiện xây dựng TPTM phải dựa trên một nền tảng duy nhất, một cơ sở hạ tầng, một chính sách thống nhất để từ đó xây dựng đa dạng các ứng dụng, dịch vụ thông minh.

Không chỉ tập trung vào các ứng dụng CNTT, Đà Nẵng còn luôn trong vị thế sẵn sàng cho sự thay đổi về hạ tầng CNTT ở thì tương lai. Hướng đến nhu cầu sử dụng lâu dài, chiến lược của Đà Nẵng là lựa chọn công nghệ hiện đại MPLS (Multi Protocol Label Switching) để đầu tư đúng mức, đạt hiệu quả cao.

Điểm nổi bật của công nghệ này là chuyển tiếp lưu lượng nhanh, khả năng linh hoạt, đơn giản và điều khiển phân luồng. MPLS còn có khả năng phục vụ linh hoạt các dịch vụ định tuyến, tận dụng đường truyền giúp giảm chi phí. Với những tính năng này, MPLS là một trong những giải pháp mạng đường trục cho mạng thế hệ mới, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.

Tăng cường phát triển công nghiệp công nghệ thông tin

Mỗi TPTM đều khác nhau và phát triển dựa trên các đặc thù riêng của mình. Tuy nhiên, điểm chung của các thành phố này là đều sử dụng CNTT ở mức độ cao để phục vụ cuộc sống người dân được tốt hơn. Chính vì vai trò quan trọng của CNTT trong quản lý Nhà nước và xây dựng TPTM nên những năm qua, chính quyền thành phố đã tập trung phát triển công nghiệp CNTT. Bởi sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này sẽ là một trong những điểm tựa vững chắc cho thành phố trong việc xây dựng TPTM.

Đà Nẵng hiện có 720 doanh nghiệp (DN) CNTT hoạt động với 5 nhóm dịch vụ chính: sản xuất, gia công cung cấp dịch vụ phần mềm (khoảng 43%); dịch vụ phân phối, mua bán sản phẩm CNTT (29%); sản xuất, lắp ráp, cung cấp dịch vụ phần cứng, điện tử (7%); sản xuất và cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số (5%) và nhóm sản xuất, cung cấp dịch vụ CTTT khác 6%.

Doanh thu trung bình của ngành công nghiệp CNTT thành phố những năm gần đây giữ được tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm. Riêng năm 2016 đạt 13.035 tỷ đồng, nộp ngân sách 114,89 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt 2.972 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 58 triệu USD, tăng 20% so với năm 2015.

Để quy tụ các doanh nghiệp CNTT, tạo môi trường liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có không gian hoạt động với hạ tầng tốt và chi phí ưu đãi, thành phố Đà Nẵng đã và đang hình thành các khu công viên phần mềm và khu CNTT tập trung. Toàn thành phố hiện có 3 khu đang hoạt động (Công viên Phần mềm, Tòa nhà Phần mềm FPT, Khu CNTT tập trung) và 3 khu đang triển khai đầu tư xây dựng (Khu CNTT tập trung số 2, Khu Công nghệ cao và Khu Công viên Phần mềm số 2).

Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa sự phát triển của ngành CNTT, thu hút đầu tư vào các khu CNTT tập trung, như: chính sách hỗ trợ, giá thuê đất, thuê mặt bằng và hạ tầng cho các nhà đầu tư, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, hỗ trợ vay vốn phục vụ sản xuất. Thành phố thường xuyên làm việc với các trường đại học, cao đẳng để nâng cao số lượng, chất lượng đầu ra sinh viên nhằm tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực CNTT.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thanh nhận định, hiện nay, công nghiệp CNTT phát triển chậm; chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của thành phố, còn thua kém các địa phương khác; chưa mạnh so với trụ cột “ứng dụng CNTT”. Do đó, Sở TT&TT đã đề ra một số nhiệm vụ chính trong thời gian đến, như: cập nhật, hoàn thiện “Đề án phát triển công nghiệp CNTT thành phố đến năm 2020”; xây dựng và trình UBND thành phố ban hành “Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2020”; đề xuất thành phố cơ chế hỗ trợ, thu hút chuyên gia CNTT các nơi về Đà Nẵng làm việc; kết nối hợp tác DN CNTT Đà Nẵng với DN CNTT các tỉnh/thành và nước ngoài; hỗ trợ triển khai hiệu quả đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”…

Có thể khẳng định, trong quá trình xây dựng TPTM, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Thế nhưng, với những nỗ lực trên mọi lĩnh vực phát triển của Đà Nẵng cùng sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị liên quan, tin rằng, Đà Nẵng sẽ nhanh chóng xây dựng thành công TPTM theo định hướng tự chủ về công nghệ, chi phí phù hợp, nguồn nhân lực sẵn sàng, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.

Lời kết:

Thực tiễn cho thấy, những năm qua, mô hình CQĐT của thành phố Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng trong công tác quản lý cũng như sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, để CQĐT có thể phát huy tốt nhất “sứ mệnh”, chính quyền thành phố cần có những chính sách quyết liệt hơn nữa trong việc tăng cường nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, hỗ trợ tối đa sự phát triển của ngành CNTT, thu hút đầu tư vào các khu CNTT tập trung…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về CQĐT cần được đẩy mạnh, quảng bá rộng rãi đến cộng đồng, len lỏi sâu trong từng ngôi nhà. Đồng thời, chính quyền thành phố cần kịp thời nhận thấy những ưu, khuyết điểm trong quá trình vận hành CQĐT để có sự điều chỉnh phù hợp.

Cùng với đó, định hướng của Đà Nẵng là xây dựng TPTM theo hướng thân thiện môi trường, phát triển bền vững; bao gồm hệ thống giám sát, dịch vụ dữ liệu và điều khiển tự động nhằm phục vụ quản lý hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống. Việc trở thành TPTM theo quá trình vừa định hướng, vừa triển khai thực hiện sẽ giúp Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư mới; đây cũng là mục tiêu cụ thể hướng đến “Thành phố 4 an”. Để làm được điều này, Đà Nẵng càng phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa và sẵn sàng đối mặt với các thách thức đặt ra trong tương lai.

“Để xây dựng TPTM theo cách nhìn thông minh hơn, bằng cách làm những việc thông minh hơn, sẽ tốn rất nhiều tiền. Vì vậy, phải có cách suy nghĩ, tiếp cận thông minh để lựa chọn bước đi phù hợp, với công nghệ phù hợp, nhân lực phù hợp, “tiêu hóa” được các công nghệ này. Nếu chúng ta cứ lao vào tất cả, làm đồng thời, không tính toán, không phù hợp với năng lực quản lý sẽ thất bại”.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại hội thảo “Giải pháp tổng thể xây dựng thông minh” do UBND thành phố phối hợp với Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) tổ chức ngày 8-11-2016

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.