Những bằng chứng "sống"

.

Hai khu căn cứ lõm nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là khu căn cứ cách mạng K20 và khu căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước được quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng và trở thành những di tích có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân Đà Nẵng. Song, việc phát huy giá trị các di tích này còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc thu hút khách.

Ông Phan Văn Tải giới thiệu những vật dụng ông dùng đào hầm tại căn cứ Hồng Phước.
Ông Phan Văn Tải giới thiệu những vật dụng ông dùng đào hầm tại căn cứ Hồng Phước.

Điểm đến độc đáo

Khu căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước tọa lạc tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) được đưa vào phục vụ khách tham quan vào tháng 3-2017 và là điểm di tích lịch sử cách mạng mang dấu ấn riêng biệt trên địa bàn thành phố. Đến di tích khu căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước, du khách có thể tìm hiểu thêm về căn cứ Hồng Phước qua tranh ảnh, hiện vật như: chum nước, cối giã gạo, nồi đồng, dụng cụ đào hầm... Đặc biệt, du khách có cơ hội tham quan các căn nhà và hầm bí mật được phục dựng, hoặc trò chuyện với nhân chứng “sống” như ông Phan Văn Tải, ông Dương Thành Thị (con trai mẹ Phạm Thị Dĩ), ông Trần Văn Quang (con trai mẹ Phạm Thị Miên - hiện đảm nhận công việc bảo vệ tại di tích).

Thắp nén nhang cho mẹ trong ngôi nhà được phục dựng, ông Dương Thành Thị dẫn chúng tôi ra giới thiệu ụ rơm (cũng được phục dựng) bên hông nhà. Theo ông Thị, cây rơm trong vườn nhà ông vốn dùng làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa mưa bão nhưng gia đình đã sử dụng cây rơm này thành một căn hầm bí mật để che giấu cán bộ. “Khi nghe tin địch đi càn, tôi có nhiệm vụ cột con trâu bên miệng hầm để che mắt địch vì biết trâu sẽ lồng lên giận dữ khi có người lạ đến gần nên bọn địch không dám lại khu vực này”, ông Thị kể lại.

Cạnh đó, tại ngôi nhà mẹ Phạm Thị Miên, ông Phan Văn Tải, nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì, người từng tham gia đào các hầm tại khu B1-Hồng Phước, chỉ cho chúng tôi mô phỏng hầm nổi. Ông Tải cho hay, hồi đó, đất ở đây đào xuống toàn gặp nước nên chỉ làm hầm nổi. Lấy cớ là vùng giao tranh, để tránh lạc đạn giữa quân ta và quân địch, người dân làm hầm nổi tránh đại bác. Địch không bắt chẹt được. Ngay trong hầm nổi, ông Tải cùng anh em làm thêm một tầng nữa ở phía trên (kiểu hầm 2 tầng) và trú ngụ trong đó mà địch không hề hay biết dù chúng lùng sục liên tục. Thống kê cho thấy, căn cứ Hồng Phước có 71 gia đình sinh sống trong 64 nóc nhà, tất cả đều là cơ sở cách mạng với 46 căn hầm bí mật.

Nếu như quận Nhì có căn cứ Hồng Phước thì quận Ba có khu căn cứ cách mạng K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) là vùng đệm để bộ đội, cán bộ và du kích ta làm bàn đạp tấn công vào căn cứ Mỹ-ngụy. Chỉ khác ở chỗ, K20 vẫn còn những ngôi nhà từng nuôi giấu cán bộ, đặc biệt ngôi nhà của ông Huỳnh Trưng vẫn còn giữ chiếc hầm bí mật được xây dựng ngay dưới bàn thờ trong nhà. Chiếc hầm này đã được trùng tu, sửa sang lại rộng rãi hơn để du khách có thể trải nghiệm cảm giác khi chui hầm đi ra ngoài.

Ông Đỗ Dũng, Phó Ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn, người trực tiếp quản lý di tích khu căn cứ cách mạng K20 chia sẻ: “Trong những chuyến về nguồn, các hội, đoàn thể chọn đây là điểm đến. Họ bày tỏ sự cảm phục về tinh thần đấu tranh bất khuất, cũng như những gian khổ mà thế hệ đi trước trải qua, nhất là khi trải nghiệm rúc hầm”.

Cần phát huy giá trị di tích

“Với thế hệ chúng tôi, đặc biệt những người gắn liền chặng đường kháng chiến của dân tộc, việc xây dựng, phục dựng các khu di tích lịch sử để ghi nhận những đóng góp thầm lặng, giới thiệu truyền thống đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đã là quá đủ, quá hạnh phúc”, ông Phan Văn Tải xúc động nói. Có thể nói, các di tích này đã đáp ứng được nguyện vọng của các nhân chứng còn sống, các vị anh hùng cách mạng đã có công gắn bó, hoạt động, đấu tranh kiên cường tại đây; trở thành nơi phục vụ tham quan, học tập, giáo dục tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm của quân dân Đà Nẵng.

Nhưng cũng giống như tình trạng chung của các di tích cách mạng trên địa bàn thành phố, việc phát huy giá trị di tích rất khó khăn, đặc biệt trong việc thu hút khách. Theo báo cáo của Ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn, đưa vào sử dụng từ tháng 4-2016 đến nay, khu di tích đón hơn 4.500 lượt khách, trong đó có 350 khách nước ngoài đến tham quan. Trong khi đó, hơn nửa năm đi vào hoạt động, khu căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước cũng đón chừng 100 đoàn khách đến tham quan. Nhìn chung, lượt khách tham quan không đều và tập trung vào một số ngày lễ lớn, đối tượng khách chủ yếu là hội viên các hội đoàn thể tại địa phương.

Theo nhiều ý kiến, di tích khu căn cứ cách mạng K20 và khu căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước là hai khu căn cứ lõm nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, gắn liền với những câu chuyện cảm động về tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân Đà Nẵng; vì thế, cần có sự quan tâm đúng mức. Theo đó, các ngành chức năng liên quan và cả địa phương có khu di tích cần nghiên cứu kế hoạch cụ thể để thu hút khách tham quan; tăng cường quảng bá, tuyên truyền đến người dân, chú trọng cung cách phục vụ một cách chuyên nghiệp...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.