Bộ trưởng Công Thương: Xử lý triệt để 12 dự án thua lỗ

.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết như vậy khi giải trình về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong xử lý giải quyết 12 dự án thua lỗ và các dự án khác có khả năng phát sinh thua lỗ trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước sáng 1-11.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu trước Quốc hội sáng 1/11. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu trước Quốc hội sáng 1/11. Ảnh: VGP

 Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 12 dự án này như đã giải trình ở trong phiên họp đầu của Quốc hội thì nội dung rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau và phần lớn đều có những vấn đề mà nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan.

Để giải quyết tồn đọng của các dự án này, bảo đảm hiệu quả trong quản lý Nhà nước và nguồn lực của Nhà nước thì phải làm một cách đồng bộ, đánh giá lại toàn bộ một cách hệ thống những vấn đề tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và hướng giải quyết.

Vì vậy, trong năm 2016 và 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo về mặt cơ chế là thành lập những ban chỉ đạo của Chính phủ để đánh giá tổng thể, toàn diện, kết hợp với kiểm tra cụ thể các dự án để tìm ra được nguyên nhân của những tồn tại, bất cập và hướng giải quyết.

Đồng thời, tiếp tục ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn cụ thể để giải quyết đồng bộ về mặt công nghệ, thương mại để bảo đảm hiệu quả nguồn lực của Nhà nước đầu tư trong các dự án này. Mặt khác, giải quyết triệt để vi phạm pháp luật của các tổ chức và cá nhân ở các cấp.

Từ những bài học kinh nghiệm đó, đề ra biện pháp giải quyết, ngăn chặn những vi phạm mới hoặc phát sinh những dự án mới không có hiệu quả tương tự như vậy.

Trên thực tế, Bộ Chính trị đã nghe và cũng đã thống nhất với kiến nghị của Chính phủ là trong năm 2017 hoàn tất toàn bộ những việc chuẩn bị, trong đó có giải pháp cơ chế chính sách và những bước để triển khai tiến hành. Năm 2018, sẽ tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng này. Đến năm 2020 thì giải quyết triệt để toàn bộ, đồng bộ tất cả các khía cạnh và lĩnh vực.

Trên thực tế hiện nay, tiến độ đang được bảo đảm. Trong số 12 dự án này, 4 dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục lại hoạt động sản xuất và đang từng bước tiếp cận thị trường, có hoạt động thương mại có hiệu quả để từ đó hướng đến giải pháp bán vốn cũng như thu hồi vốn Nhà nước.

Ba dự án khác trong lĩnh vực về xăng sinh học cũng đang có khởi động, tiếp tục tổ chức lại để năm 2018 sẽ có hoạt động thương mại, tham gia thị trường và cũng là cơ sở để giải quyết triệt để được các dự án này.

Các dự án như gang thép Thái Nguyên, thép Việt Trung cũng đang có những bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn Nhà nước cũng như tiếp tục giải pháp về mặt công nghệ, giải quyết những tồn tại với các nhà thầu, tổng thầu của nước ngoài để có cơ sở giải quyết.

“Chúng tôi xin phép có giải trình với đại biểu Quốc hội bằng văn bản nếu như các đại biểu Quốc hội có nhu cầu thêm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu.

Theo Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.