Chăm lo đời sống con em công nhân lao động

.

Hiện nay, Đà Nẵng có gần 74.000 lao động làm việc tập trung tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Trong đó, có khoảng 46% là lao động ngoại tỉnh với thực trạng đời sống văn hóa, tinh thần còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, các cấp chính quyền và các sở, ngành đã có nhiều giải pháp quan tâm tới đời sống con em công nhân lao động (CNLĐ), giúp họ giảm gánh nặng cả vật chất lẫn tinh thần.

Con của công nhân được học tập tại Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky.
Con của công nhân được học tập tại Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky.

Trong cuộc khảo sát của Liên đoàn Lao động thành phố năm 2016, nhu cầu nhà trẻ của CNLĐ khá bức thiết. Có 22,9% CNLĐ gửi con tại các nhà trẻ tư thục; 18,3% gửi con tại các nhóm trẻ gia đình; 10,9% gửi con tại trường công lập; 9,2% gửi con cho người thân; 50,2% mong muốn được gửi con gần nơi làm việc; 47,9% có nhu cầu gửi trẻ khi tổ chức Công đoàn xây dựng các nhà trẻ tại KCN với mức học phí từ 700.000 đồng – 900.000 đồng/tháng…

Từ thực tế đó, đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục KCN, KCX đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã phần nào cải thiện nhu cầu nhà trẻ của CNLĐ. Là một trong 10 tỉnh/thành được chọn thí điểm, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực khi có 60 nhóm trẻ được hỗ trợ cơ sở vật chất với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Bích Thu (Công ty CP Keyhinge Toys Việt Nam, KCN Hòa Khánh) chia sẻ: “Việc triển khai thực hiện đề án phù hợp với nhu cầu gửi trẻ của nữ CNLĐ. Bây giờ chúng tôi yên tâm gửi con ở các nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ bởi đề án này”.

Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu khảo sát quỹ đất và huy động các nguồn lực từ ngân sách, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phi chính phủ để triển khai xây dựng nhà trẻ ở KCN, KCX. Theo đó, thành phố đã kêu gọi Tổ chức Half the Sky Foundation (Hoa Kỳ) tài trợ với tổng kinh phí 70 tỷ đồng mở Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky, thu nhận 250 trẻ là con công nhân làm việc tại quận Liên Chiểu. Đồng thời, qua rà soát các dự án tại KCN Hòa Khánh, Ban Quản lý các KCN và CX đã phối hợp, hỗ trợ Công ty TNHH MTV Xây dựng Bạch Hải (đang thuê đất của Nhà nước và đã trả tiền thuê lại đất cho cả vòng đời dự án đến năm 2046) triển khai xây dựng thí điểm trường mầm non ưu đãi dành cho con em công nhân đang làm việc tại các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về học phí, thời gian nhận giữ trẻ…

Có con học tại Trung tâm OneSky, chị Nguyễn Thị Lộc (Công ty TNHH Daiwa) chia sẻ, trước đây, chị phải gửi con ở nhóm trẻ tư với mức học phí hơn 1 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không yên tâm về không gian giữ trẻ, điều kiện chăm sóc. May mắn là con chị hiện nay được học ở trường tiêu chuẩn quốc tế, chế độ dinh dưỡng và điều kiện học tập được nâng lên trong khi mức học phí chỉ 800.000 đồng/tháng.
Ông Phạm Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban quản lý các KCN và CX Đà Nẵng cho rằng, đó là dấu hiệu rất tích cực. Bởi vấn đề chăm lo cho người lao động không chỉ là chức năng riêng của tổ chức Công đoàn mà cần có sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó có vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp và chính quyền. Sự ra đời của Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky Đà Nẵng, Trường mầm non Nốt nhạc xanh tuy chỉ mới giải quyết một phần rất nhỏ nhu cầu bức thiết của người lao động trên địa bàn KCN Hòa Khánh, nhưng đây là một trong những nền tảng để thành phố tiếp tục có những chính sách “mở” cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đến đời sống của người lao động tại KCN trong thời gian đến.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho biết, tại các KCN, KCX có gần 70% là nữ CNLĐ. Qua 3 năm theo dõi vấn đề nhà trẻ tư thục ở KCN, KCX, Hội nhận thấy dấu hiệu tích cực không chỉ dừng lại ở việc trẻ em được học trong điều kiện tốt hơn, mà điều này còn tạo hiệu ứng lan tỏa đến cộng đồng, thay đổi nhận thức của xã hội; quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan để tham mưu cho thành phố có những văn bản, đề án có lợi cho CNLĐ và con em họ tại các KCN, KCX…

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.