Đổi mới đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ công

.

Trong xu thế đổi mới, hội nhập phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, việc chuyển đổi cơ chế quản lý trong các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) cung ứng dịch vụ công của Nhà nước là việc làm tất yếu. Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua đã nhắc lại vấn đề này.

Trước đó, vấn đề đổi mới hoạt động ĐVSN công lập đã được quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSN công lập; Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9-8-2012 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 37-TB/TW của Bộ Chính trị; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 quy định cơ chế tự chủ của ĐVSN công lập và nhiều quy định khác có liên quan.

Khách sạn Sông Hàn Đà Nẵng (Nhà khách UBND thành phố Đà Nẵng) là một đơn vị sự nghiệp thuộc Văn phòng UBND thành phố đang hoạt động theo cơ chế tự chủ có hiệu quả.
Khách sạn Sông Hàn Đà Nẵng (Nhà khách UBND thành phố Đà Nẵng) là một đơn vị sự nghiệp thuộc Văn phòng UBND thành phố đang hoạt động theo cơ chế tự chủ có hiệu quả.

Chuyển đổi chậm, nặng tính hình thức

Trung ương đã ban hành nhiều chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn, danh mục công việc trong lĩnh vực tài chính, bộ máy, nhân sự và các nghiệp vụ chuyên ngành… nên đã góp phần cho các ĐVSN có cơ sở để triển khai nhiệm vụ tự chủ, xã hội hóa; thu hút các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia cung cấp dịch vụ công, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước; chất lượng dịch vụ có tính cạnh tranh hơn, thu nhập của người lao động tăng lên; việc chi tiêu, sử dụng lao động linh hoạt hơn, có tính tự chủ cao hơn…

Tuy nhiên, do chính sách, cơ chế, pháp lý chưa thật rõ ràng, chưa đồng bộ nên sức sáng tạo và lộ trình chuyển đổi, xã hội hóa tại các ĐVSN công lập diễn ra chậm. Theo báo cáo tổng kết giai đoạn 2001-2010 của Bộ Tài chính, loại hình ĐVSN tự bảo đảm kinh phí hoàn toàn chiếm 3,1% (các nghiên cứu của Chính phủ và báo cáo dự thảo Ban Cán sự Đảng Chính phủ năm 2016 là khoảng 3,54%); đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí là 40,7% (22,36%) - theo nghiên cứu của Chính phủ năm 2016; đơn vị do ngân sách cấp là 56,7% (72,67%); tại Đà Nẵng lần lượt là: 5,1%; 16,6%; 78,2% (theo Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSN công lập giai đoạn 2017-2020 năm 2017 của UBND thành phố Đà Nẵng).

Quá trình chuyển đổi diễn ra chậm, nặng tính hình thức, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước; tình trạng chung là tổ chức, biên chế vẫn tăng, tỷ lệ tự chủ, xã hội hóa còn thấp. Cơ chế hoạt động còn bao cấp, chưa làm rõ vấn đề chung - riêng giữa Nhà nước và ĐVSN. Việc sử dụng lao động còn lúng túng, tồn tại tình trạng có vào - không có ra, một số lao động yếu kém nhưng không giải quyết nghỉ việc được. Mặt khác, do mức thu nhập tăng thêm thấp, phân phối cào bằng nên không động viên được những người tích cực. Cùng với đó, do thiếu chế tài nên có trường hợp đã nhận tự chủ nhưng ngại khó khăn, muốn quay về ban đầu.

Đổi mới mạnh hơn về tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Để đổi mới ĐVSN cung ứng dịch vụ công, trước hết, về hành lang pháp lý, các bộ, ngành và UBND các địa phương cần nhanh chóng ban hành các quy chuẩn, chính sách, chế độ và phải đồng bộ từ các cơ quan đảng, đoàn thể, Nhà nước; ban hành danh mục các ĐVSN công lập do Nhà nước tổ chức thực hiện hoặc danh mục Nhà nước cần hỗ trợ, phần còn lại cho xã hội hóa hoặc khuyến khích các thành phần ngoài Nhà nước tham gia. Việc giao tự chủ về tổ chức, bộ máy, biên chế cần sửa đổi, tạo sự thông thoáng, cởi trói cho thủ trưởng đơn vị, chú trọng đến chính sách, chế độ giảm biên chế. Đối với việc xã hội hóa cung ứng dịch vụ công, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền tạo sự đồng thuận, tránh tư tưởng coi đây là công việc của Nhà nước phải làm; tổ chức đánh giá lại hoạt động các ĐVSN một cách khoa học và nghiêm túc để có các giải pháp xử lý; kiên quyết giảm những đơn vị không cần thiết hoặc quá yếu kém.

Bên cạnh đó, để thay đổi cơ chế, phương pháp quản trị, Nhà nước cần sớm ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy hoạch chung, quy hoạch ngành để cấp dưới có cơ sở thực hiện; tạo điều kiện cho các tổ chức ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ hoặc xã hội hóa trên nguyên tắc không hạn chế các loại hình cung ứng dịch vụ công. Các tổ chức của Nhà nước phải thu gọn, giảm dần đầu mối, giảm tổ chức đồng nghĩa với giảm biên chế một cách hiệu quả, giảm cung cấp ngân sách để nuôi bộ máy hoạt động.

Về bộ máy, cần giảm dần các ĐVSN cung ứng dịch vụ công đồng nghĩa với không tăng biên chế và cũng giảm dần biên chế. Cơ cấu tổ chức của các ĐVSN Nhà nước không nên quá cứng nhắc, cần tạo sự linh hoạt trong bố trí công việc phù hợp, từng bước làm rõ lao động thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và lao động thực hiện dịch vụ để phân bổ thu nhập hợp lý.

Liên quan đến công tác cán bộ, cần tiến hành rà soát, bố trí lại người đứng đầu ĐVSN trên cơ sở chọn những người thật sự năng động, cầu tiến, có năng lực hoặc tổ chức thi tuyển lãnh đạo, thi tuyển phương án quản lý và phát triển đơn vị, thuê giám đốc điều hành, thuê chuyên gia… Đồng thời, tăng thẩm quyền, chế độ đãi ngộ tương xứng, đầy đủ; có chính sách khen thưởng, kỷ luật và chế tài rõ ràng; khuyến khích thủ trưởng và lãnh đạo đơn vị cùng tham gia góp vốn (nếu có thể trong cổ phần, xã hội hóa) để tăng thêm tính trách nhiệm. Ngoài ra, cần làm rõ vai trò của Hội đồng quản lý, trách nhiệm của từng thành viên và phải có chế tài cụ thể. Hội đồng quản lý phải có thực quyền, hoạch định ra chiến lược, kế hoạch, kiểm tra, kiểm soát hoạt động, có quy chế làm việc và phải báo cáo cơ quan cấp trên giám sát việc thực hiện, tránh hình thức.

Song song đó, việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo đối với lãnh đạo ĐVSN là bắt buộc, đồng thời chú ý các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ về quản lý tài chính, quản lý nhân sự, các kỹ năng chuyên môn… Riêng việc xây dựng vị trí việc làm, tuyển dụng nên giao cho ĐVSN tự lo, kể cả các đơn vị do Nhà nước cấp ngân sách toàn bộ vì khi giao nhiệm vụ, ngân sách dựa trên số lượng lao động đã bố trí trả tiền lương, tiền công. Tuy vậy, để tránh tuyển dụng không khách quan, minh bạch, công khai, cơ quan quản lý cấp trên phải có quy chế giám sát chặt chẽ.

Một kinh nghiệm của Đà Nẵng là ban hành Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSN công lập thuộc UBND thành phố Đà Nẵng quản lý giai đoạn 2017-2020, trong đó quy định sáp nhập, giải thể, chuyển đổi, lộ trình thực hiện, cơ cấu lao động trực tiếp, gián tiếp; quy định số lượng cấp phó… Đây là việc làm cần thiết, cấp bách, tuy có tính bắt buộc nhưng làm cho đơn vị áp dụng thống nhất bằng các giải pháp cụ thể, giúp công tác quản lý Nhà nước và quy hoạch của thành phố đạt được mục tiêu đề ra. Trong thời gian này, đây cũng là một giải pháp hợp lý.

Đặng Công Ngữ

;
.
.
.
.
.