KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật An ninh mạng

.

Sáng 23-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật An ninh mạng, các đại biểu Quốc hội còn ý kiến khác nhau về sự cần thiết của việc bảo đảm an toàn thông tin mạng và việc thực thi cam kết quốc tế đối với nhà mạng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn bởi có những quy định tại dự án luật này khá tương đồng với Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường.  Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), nên cân nhắc kỹ xem có cần thiết ban hành luật riêng này không, hay chỉ cần bổ sung các quy định còn thiếu vào các luật hiện hành như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh quốc gia... Đại biểu Thúy dẫn chứng các điều trong dự luật cho thấy, cùng lúc có nhiều cơ quan quản lý vấn đề an ninh mạng như Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… Điều này sẽ tạo thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như Điều 16 của dự thảo quy định về việc đánh giá hợp chuẩn, hợp quy với hệ thống an toàn thông tin quốc gia, nhưng điều này đã được quy định tại Điều 39 của Luật An toàn thông tin mạng. Như vậy, cùng một việc nhưng phải đánh giá 2 lần theo 2 luật, gây khó khăn.

Trong khi đó, các đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) và Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) khẳng định tính cần thiết của dự án luật này, trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng quan trọng và thực tế, nhiều vụ việc tấn công mạng, gây mất an ninh quốc gia đã xảy ra tại Việt Nam. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, nếu không có Luật An ninh mạng, nhiều vụ việc điều tra dở chừng phải dừng lại vì doanh nghiệp nước ngoài không hợp tác và cũng không có quy định xử lý được.

Có nên yêu cầu nhà mạng ngoại phải đặt máy chủ tại Việt Nam?

Một quy định trong dự thảo luật được các đại biểu quan tâm thảo luận và tranh luận là khoản 4, Điều 34: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam...”. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc bắt buộc phải đặt máy chủ tại Việt Nam sẽ khó khả thi và không thiết thực với đặc thù dịch vụ trên không gian mạng. Các dịch vụ xuyên biên giới của Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Yahoo, YouTube, Twitter... có nguy cơ trở thành bất hợp pháp ở Việt Nam nếu như quy định này được đưa ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định với EU, hay TPP (được đổi tên thành CPTPP-PV), dịch vụ viễn thông qua biên giới không yêu cầu phải đặt máy chủ tại tất cả các nước. Quy định này trái với cam kết của Việt Nam với quốc tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, việc đặt máy chủ dữ liệu ở đâu không quan trọng bằng việc quản lý sử dụng dữ liệu đó ra sao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu cơ quan soạn thảo luật tiếp tục rà soát các quy định, không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như những cam kết của Việt Nam với quốc tế, không đặt thêm những thủ tục hành chính không cần thiết.

Dự kiến, dự án Luật An ninh mạng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào năm 2018.

* Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với 85,74% đại biểu tán thành. Luật được thông qua gồm 10 chương với 63 điều, quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công. Nợ công quy định tại Luật này bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

B.T

;
.
.
.
.
.