Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể

.

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động; trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cũng là công cụ quan trọng của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ người lao động. Vì thế, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Đà Nẵng đặc biệt chú trọng công tác này.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác xây dựng, thương lượng và ký kết TƯLĐTT được Ban Thường vụ Công đoàn các KCN&CX Đà Nẵng thực hiện sâu sát. Theo đó, Công đoàn các KCN&CX Đà Nẵng phối hợp với Ban Quản lý các KCN&CX hướng dẫn quy trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho các Công đoàn cơ sở trực thuộc; tổ chức tập huấn về kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT, xây dựng các bộ biểu mẫu khoa học, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng và bảo đảm đúng quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan cho cán bộ Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thực hiện; đại diện cho người lao động tại những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn cơ sở để tổ chức lấy ý kiến, thương lượng và ký kết TƯLĐTT với những điều khoản có lợi cho người lao động. Ngoài ra, Công đoàn các KCN&CX hỗ trợ Công đoàn cơ sở trong quá trình thương lượng, đặc biệt là những Công đoàn cơ sở mới thành lập, ban chấp hành Công đoàn cơ sở có thay đổi về nhân sự, những Công đoàn cơ sở thương lượng sửa đổi, bổ sung thỏa ước các quy định về tiền lương, phụ cấp và các chế độ hỗ trợ khác như tăng tiền cơm ca theo tinh thần Nghị quyết 7c của Tổng Liên đoàn, chính sách riêng cho lao động nữ...

Theo bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Đà Nẵng, chất lượng các bản TƯLĐTT vô cùng quan trọng. Vì thế, Công đoàn các KCN&CX Đà Nẵng luôn quan tâm việc hướng dẫn Công đoàn cơ sở từng bước nâng cao chất lượng TƯLĐTT, thông qua việc thương lượng thực chất, tổng hợp những nội dung đã thỏa thuận được qua các buổi đối thoại định kỳ, thương lượng định kỳ và các ý kiến đã được thống nhất tại hội nghị người lao động hằng năm, để sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT. “Hạn chế tối đa tình trạng các bản thỏa ước sao chép các quy định của pháp luật, quan trọng hơn là phải có những điều khoản cao hơn luật, có lợi hơn cho người lao động so với pháp luật, đó là điều các bản thỏa ước cần đạt được. Trong thời gian qua, Công đoàn các KCN&CX Đà Nẵng đã nỗ lực để các bản thỏa ước được ký kết đạt giá trị cao nhất”, bà Oanh cho biết.

Điển hình, phải kể đến một số đơn vị cơ sở như Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, trong bản TƯLĐTT, người lao động được nghỉ thêm 2 ngày thứ bảy/tháng, được hỗ trợ tiền năng suất hằng tháng, doanh nghiệp tổ chức đại hội thể dục - thể thao hằng năm, thưởng cho bộ phận sắp xếp gọn gàng nhất trong tháng, hỗ trợ cho lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 18 tháng tuổi, thưởng trong các kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, 2-9, lì xì đầu năm, hỗ trợ đồng phục. Tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, người lao động được nghỉ thêm 1 ngày thứ bảy/tháng; trợ cấp tiền thuê nhà và đi lại, hỗ trợ phí sinh hoạt, trợ cấp ca đêm, thưởng chuyên cần, hỗ trợ ăn giữa ca miễn phí, hỗ trợ ăn khi tăng ca từ 2 giờ trở lên trong ngày, trợ cấp nuôi con nhỏ, trang bị phòng vắt sữa cho lao động nữ, phụ cấp ngoại ngữ; hưởng nguyên lương 1 ngày khi ông bà nội, ngoại, anh, chị, em mất.

Bản TƯLĐTT tại Công ty TNHH Heineken có đến 25 quy định có lợi hơn so với quy định của pháp luật, được Công đoàn các KCN và CX Đà Nẵng xếp loại A, với số điểm 93 điểm, có nhiều nội dung có lợi cho NLĐ đặc trưng như: tiền lương thứ 13; tiền thưởng trả cho người lao động cao qua các năm, thưởng năm 2016 là bình quân 5,5 tháng; người lao động được nghỉ phép 18 ngày/năm trong điều kiện làm việc bình thường và nhiều lợi ích khác. Hay như tại Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa, người lao động được phúc lợi khi kết hôn, tang lễ, hỗ trợ tiền ăn ca, công nhân mang thai tháng thứ 2 đến thứ 7 được về sớm 1 giờ, nghỉ hưởng nguyên lương 1 ngày thứ bảy hằng tháng; thưởng chuyên cần; thưởng sản xuất; hỗ trợ tiền thuê nhà; khen thưởng người lao động có đề án cải thiện…

Tuy nhiên, qua thực tế, việc thực hiện TƯLĐTT còn khó khăn. Đó là rất ít Công đoàn cơ sở thương lượng được những quy định có lợi cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng; công tác thương lượng chưa mang tính thực chất, còn nặng cơ chế “xin - cho” của doanh nghiệp; một số cán bộ Công đoàn cơ sở còn ngại va chạm, kỹ năng thương lượng chưa cao, lệ thuộc nhiều vào người sử dụng lao động về tiền lương, việc làm, hoặc chức vụ chuyên môn, không dám nêu ý kiến, kiến nghị của người lao động, không thu thập các thông tin từ những đơn vị cùng ngành nghề trong cùng khu vực để có thể tổ chức được cuộc thương lượng đúng quy trình.

Về khách quan, một số các quy định về quy trình thương lượng và ký kết TƯLĐTT vẫn còn nhiều bất cập, chế tài xử phạt chưa nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động. Người sử dụng lao động còn xem nhẹ quyền lợi của người lao động, né tránh việc ký kết TƯLĐTT cũng như thực hiện thỏa ước lao động; thiếu tôn trọng quy tắc ứng xử đối với các tổ chức Công đoàn. Việc thanh, kiểm tra về thực hiện Luật Lao động chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiêp vi phạm các quy định về TƯLĐTT. Ngoài ra, trong công tác thương lượng chưa có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước.

“Tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng Ban Thường vụ Công đoàn các KCN&CX Đà Nẵng nhiệm kỳ qua đã luôn nỗ lực bảo vệ quyền lợi người lao động, để thực hiện nhiều hơn các bản thỏa ước và nâng cao chất lượng thỏa ước, đem lại lợi ích cao hơn cho người lao động. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để có những bản thỏa ước giá trị, thực sự có lợi cho người lao động”, bà Lê Thị Ngọc Oanh khẳng định.

AN NHIÊN

;
.
.
.
.
.