Tạo động lực cho người khuyết tật

.

Các cấp, ngành, đoàn thể quận Thanh Khê đã hỗ trợ phương tiện sinh kế, đào tạo nghề, giúp người khuyết tật (NKT) vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Nhờ được hỗ trợ máy may, chị Nhung tự nuôi sống bản thân bằng nghề gia công sản phẩm may mặc.
Nhờ được hỗ trợ máy may, chị Nhung tự nuôi sống bản thân bằng nghề gia công sản phẩm may mặc.

Thành lập được 4 năm nay, Hội NKT quận Thanh Khê trở thành cầu nối để NKT gắn kết với cộng đồng và tiếp cận các chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương. Ông Phạm Sáu, Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Khê cho biết, từ chỗ không có trụ sở, đến năm 2017, UBND quận đã tạo điều kiện bố trí văn phòng làm việc và cấp kinh phí hoạt động cho Hội. Các cấp, ngành cũng hỗ trợ phương tiện sinh kế cho nhiều trường hợp NKT có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê hỗ trợ 5 trường hợp mua tủ đông, máy may công nghiệp, đồ nghề sửa xe máy để mưu sinh.

Nhận được sự hỗ trợ này, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1981, phường Tân Chính) không khỏi xúc động. Thị lực yếu bẩm sinh, cha mất khi Nhung còn nhỏ, một mình mẹ tần tảo nuôi mấy anh em khôn lớn nên Nhung luôn cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình. Sau nhiều nỗ lực, chị Nhung cũng có nghề gia công sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, do thị lực yếu, đi lại khó khăn nên chị không thể tiếp tục với nghề. Từ sự giới thiệu của Hội, chị được Ủy ban MTTQ Việt Nam quận hỗ trợ một máy may công nghiệp và nhận may gia công tại nhà. “Mẹ cũng mất mấy năm rồi, anh chị đều có cuộc sống riêng, tự nuôi sống được bản thân, không là gánh nặng của người khác nên tôi vui lắm, càng vui hơn khi mình vượt qua được cảm giá tự ti, mặc cảm”, chị Nhung tâm sự.

Ngoài trường hợp chị Nhung, năm 2017, Hội Phụ nữ cơ sở trên địa bàn quận cũng giúp 18 phụ nữ khuyết tật thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Các cấp Hội đã đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội cho 7 hộ vay với tổng cộng hơn 167 triệu đồng; hướng dẫn, đề nghị Sở LĐ-TB&XH trợ cấp bảo trợ xã hội 5 hộ với số tiền trợ cấp 405.000 đồng - 540.000 đồng/tháng; thăm và tặng quà cho 18/18 hộ với tổng số tiền 20 triệu đồng.

Với nhiều NKT, ngoài được hỗ trợ phương tiện sinh kế, điều họ thực sự mong muốn còn là được đào tạo nghề để tự sinh sống và hòa nhập cộng đồng. Em Nguyễn Văn Đông (SN 1994, trú phường Thạc Gián), bị tật ở chân chia sẻ, hiện tại em ở nhà phụ mẹ làm nghề vàng mã; tuy nhiên em mong muốn có được cái nghề, ra ngoài đi làm để giao tiếp với nhiều người hơn.

Ông Phan Thành Nhân, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH quận Thanh Khê cho biết, thời gian qua, địa phương đã kết hợp với Sở LĐ-TB&XH thành phố và các trung tâm dạy nghề đào tạo nghề theo nguyện vọng của NKT. Các nghề được chọn chủ yếu là vi tính, điện tử, thủ công, nữ công gia chánh…

“Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, đa phần NKT phải tự tạo công việc cho chính họ khi rất ít cơ sở kinh doanh nhận hỗ trợ dạy nghề và nhận NKT vào làm việc. Đây chính là rào cản không nhỏ cho NKT hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi sẽ nỗ lực kết nối để tạo điều kiện đào tạo nghề cho NKT, giúp NKT vượt qua tự ti, mặc cảm bản thân, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”, ông Nhân nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.