Đối thoại về các chính sách cho thanh niên

.

Trong khuôn khổ hoạt động của phiên thứ nhất Đại hội toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2017-2022, chiều 10-12, diễn ra nhiều diễn đàn do Trung ương Đoàn phối hợp với các bộ, ngành tổ chức. Theo đó, có 8 diễn đàn đối thoại với bộ trưởng, đại diện các bộ. Cụ thể: Diễn đàn “Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển” - Bộ Giáo dục và Đào tạo; diễn đàn “Khởi nghiệp, việc làm - Cơ hội, thách thức của thanh niên Việt Nam”- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); diễn đàn “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; diễn đàn “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” - Bộ Tài nguyên và Môi trường; diễn đàn “Thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần phát triển thể thao, du lịch” - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; diễn đàn “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN” - Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; diễn đàn “Chính sách cho sự phát triển thanh niên Việt Nam” - Bộ Nội vụ; diễn đàn “Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đại biểu Phùng Thị Phương Thảo phát biểu trong diễn đàn do Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp Trung ương Đoàn tổ chức. 					          Ảnh: tienphong.vn
Đại biểu Phùng Thị Phương Thảo phát biểu trong diễn đàn do Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp Trung ương Đoàn tổ chức. Ảnh: tienphong.vn

Giải đáp tại diễn đàn “Khởi nghiệp, việc làm - Cơ hội và thách thức của thanh niên Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc phân luồng trên hiện nay đang mang tính cơ học. Nhìn chung, thanh niên có tâm lý là muốn học đại học. Nguyện vọng này là chính đáng, rất đúng và nên khuyến khích; nhưng nên dựa trên cơ sở khả năng, năng lực của mỗi người…

Theo đó, hướng nghiệp tốt nhất là mỗi cá nhân phải tìm công việc phù hợp. Học đại học không phải là con đường duy nhất lập thân lập nghiệp. “Cụ thể, mới đây tôi có khảo sát tình hình học nghề tại TP. Hồ Chí Minh và gặp nhiều trường hợp học sinh tốt nghiệp thủ khoa, thành tích học tập tốt, nhưng không học đại học mà học nghề hướng dẫn viên du lịch, nhà hàng khách sạn; đến nay đã có công việc ổn định và khẳng định đó là lựa chọn đúng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Trước thực trạng thất nghiệp của hơn 200.000 sinh viên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mà còn phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành sắp xếp quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương thức đào tạo và xác định năm 2018 sẽ là một năm đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đề án sẽ có 3 đột phá trong giáo dục nghề nghiệp gồm: Tự chủ bộ máy, con người; tự chủ tài chính; kết nối doanh nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thực để xã hội coi học nghề là việc bình thường.

Diễn đàn “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN” tập trung làm rõ một số nội dung như: Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc. Vai trò của thanh niên quân đội, công an trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận.

Những kiến nghị, đề xuất về chính sách đối với sĩ quan trẻ, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong quân đội, công an hiện nay. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn các cấp và các đơn vị quân đội trong phối hợp thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, một số kinh nghiệm trong công tác phối hợp tuyển quân, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an đối với bộ đội, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân xuất ngũ, những kiến nghị, đề xuất đối với công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm.

Công tác phối hợp triển khai thực hiện chương trình “Học kỳ trong quân đội” cho thanh niên, những kiến nghị, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo; kỹ năng, phương thức cần thiết trang bị cho giới trẻ trong xử lý các vấn đề phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; sự phối hợp của Đoàn thanh niên trong giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng.

Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong đấu tranh, ngăn chặn, phản bác thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên mạng xã hội. Tuổi trẻ với các thách thức an ninh phi truyền thống trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu tại phiên thứ nhất Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11. 					                        Ảnh: tienphong.vn
Các đại biểu tại phiên thứ nhất Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11. Ảnh: tienphong.vn

Chia sẻ với những băn khoăn mà các bạn trẻ đặt ra tại diễn đàn “Đối thoại chính sách phát triển thanh niên”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, việc tạo việc làm cho thanh niên để tạo động lực cho phát triển của đất nước. Chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh khởi nghiệp cho thanh niên, hỗ trợ chính sách cho thanh niên khởi nghiệp là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chia sẻ thực tế là hiện nay vẫn còn một bộ phận thanh niên, sau khi tốt nghiệp ra trường chỉ muốn vào làm việc ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng với chủ trương tinh giản biên chế như hiện nay thì việc này chắc chắn là ngày càng ít đi.

“Chúng ta cần học để khởi nghiệp, học xong để làm chủ chứ không phải học để làm thuê và chỉ để vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ. Bộ trưởng cũng cho hay, Đảng, Nhà nước cũng đã có quy định về tuyển dụng người tài, người giỏi vào bộ máy. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị hiện cũng đang đẩy mạnh việc thực hiện việc tuyển dụng thông qua thi tuyển. Điều này nhằm tạo ra môi trường công khai, minh bạch để tuyển dụng người trẻ, người có năng lực vào các cơ quan, đơn vị.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung phát huy thanh niên, đặc biệt là trí thức trẻ Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là cán bộ trẻ có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Cùng với đó là nội dung thúc đẩy hoạt động sáng tạo của thanh - thiếu nhi. Cơ chế phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng từ các trường ĐH, viện nghiên cứu làm hạt nhân hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ khởi nguồn từ kết quả nghiên cứu; cơ chế hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho những nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Sáng cùng ngày, 1.000 đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2017 - 2022 đã tham dự lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt vòng hoa và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Sau lễ viếng, các đại biểu tập trung tại Trung tâm Hội nghị quốc gia bắt đầu họp phiên thứ nhất của Đại hội do Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong điều hành. Đồng chí Lê Quốc Phong khẳng định: Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của tuổi trẻ Việt Nam.

Với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Việt Nam tiên phong, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, phát triển”, Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh - thiếu nhi nhiệm kỳ 2012-2017; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Đoàn và phong trào thanh - thiếu nhi nhiệm kỳ 2017-2022; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa 11.

Hôm nay, 11-12, đại hội tiến hành phiên chính thức.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.