Nan giải quản lý các lô đất trống

.

Thời gian qua, tình trạng các lô đất bị bỏ hoang trên địa bàn thành phố diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Dù chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác chỉnh trang, xử lý ô nhiễm, song công tác rà soát, quản lý các lô đất trống vẫn là bài toán nan giải.  

Khu đất thuộc dự án Bệnh viện Bưu điện 3 (đường Yên Khê 1, quận Thanh Khê) chưa triển khai thi công nên để xảy ra tình trạng nhếch nhác, cỏ mọc um tùm. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khu đất thuộc dự án Bệnh viện Bưu điện 3 (đường Yên Khê 1, quận Thanh Khê) chưa triển khai thi công nên để xảy ra tình trạng nhếch nhác, cỏ mọc um tùm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Khó rà soát, quản lý  

Theo Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Sơn Trà Cao Xuân Thắng, quận Sơn Trà hiện có hàng trăm lô đất trống nằm rải rác trên các trục đường chính như Ngô Quyền, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa…

Các lô đất trống này vẫn còn nham nhở cỏ dại, đặc biệt nhiều vị trí còn là nơi tập kết vật liệu, xà bần gây bức xúc cho người dân. Để giải quyết tình trạng này, các ngành chức năng quận Sơn Trà thời gian qua một mặt tập trung tiến hành dọn dẹp xử lý, mặt khác yêu cầu các chủ đầu tư dọn vệ sinh môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị theo chỉ đạo của UBND thành phố.

“Tuy nhiên công tác quản lý các lô đất này vẫn còn bất cập. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều cấp, nhiều ngành quản lý và thậm chí do cá nhân, đơn vị là chủ sở hữu quyền sử dụng đất quản lý, làm cho công tác quản lý nay đã khó lại càng khó hơn. Nhiều trường hợp không thể xác định được chủ sở hữu của các lô đất này, quận phải tạm ứng hàng trăm triệu đồng để dọn dẹp vệ sinh, thế nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được kinh phí tạm ứng do không xác định được chủ sử dụng đất” ông Cao Xuân Thắng bức xúc.

Trên địa bàn quận Hải Châu, còn khá nhiều lô đất trống, đặc biệt là các dọc tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Thọ, 30 Tháng 4, Như Nguyệt, Xuân Diệu… Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 1.100 lô đất trống, trong đó chỉ xác định được chủ sở hữu của khoảng 200 lô.

“Việc xác định chủ sở hữu của các lô đất trống là rất khó khăn, đặc biệt là đất của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp thì càng khó quản lý hơn. Nguyên nhân là vì các chủ đất thường là những người địa phương khác đến mua rồi chuyển nhượng qua nhiều người nên rất khó trong công tác kiểm tra, rà soát” ông Lê Anh cho biết.

Nhiều lô đất trống trên đường Như Nguyệt đã được các chủ sở hữu quây tôn, bảo đảm mỹ quan đô thị.
Nhiều lô đất trống trên đường Như Nguyệt đã được các chủ sở hữu quây tôn, bảo đảm mỹ quan đô thị. Ảnh: HOÀNG THIÊN

Theo ông Cao Xuân Thắng, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý các lô đất trống. Cụ thể, đối với khu đất thuộc quỹ đất thành phố kêu gọi đầu tư do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý, đề nghị trung tâm có kế hoạch tổ chức dọn dẹp, xây rào chắn bảo vệ hoặc hợp đồng với UBND phường quản lý.

“Trong trường hợp đất “bỏ hoang” lâu dài thì nên để địa phương tổ chức cho các hộ dân hoạt động kinh doanh, dịch vụ, góp phần việc làm cho người dân địa phương, từ đó ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng cần có những chính sách căn cơ hơn để xây dựng cơ chế, ràng buộc chủ sở hữu các lô đất có trách nhiệm với vấn đề bảo đảm môi trường tại chính lô đất chưa sử dụng của mình”, ông Thắng kiến nghị.

Không để ô nhiễm

Là quận trung tâm thành phố nên công tác xử lý ô nhiễm tại các lô đất trống được quận Hải Châu quan tâm thực hiện. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu, thời gian qua, phòng đã làm việc với các đơn vị liên quan xác định thông tin chủ sử dụng đất rồi yêu cầu thực hiện các biện pháp quản lý đất trống.

UBND quận Hải Châu giao các khu đất trống cho các phường, một mặt tiếp tục đề nghị các chủ đất rào chắn, xử lý ô nhiễm; mặt khác đề xuất sử dụng tạm thời các lô đất trống vào các mục đích như: làm bãi đỗ xe, hàng quán...

Trên địa bàn quận Sơn Trà, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng cho biết, quận có chủ trương giao các địa phương rà soát, tạo điều kiện cho nhân dân sử dụng đất trống để kinh doanh dịch vụ như: nhà hàng, bãi đỗ xe... và canh tác hoa màu nhưng có cam kết bảo đảm giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, hoàn trả đất sạch khi chủ sở hữu đất trống yêu cầu.

“Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, đã tiến hành 10 lượt cắt cỏ, thu gom cỏ, rác, xà bần tại các lô đất trống và tuyên truyền nhân dân xung quanh không đổ rác thải vào các lô đất trống dọc các tuyến đường chính; thu gom, vận chuyển hơn 500m3 đất đá, xà bần, rác thải các loại, đồng thời phát dọn cỏ, thu gom rác thải, xà bần dọc tại các điểm ô nhiễm trên vỉa hè các tuyến đường...”, ông Xứng cho biết.

Tuy vậy, về lâu dài, công tác quản lý các lô đất trống cần có sự chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và có chế tài xử phạt mạnh đối với các chủ lô đất trống không hợp tác với chính quyền trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan thành phố văn minh.

 HOÀNG THIÊN

;
.
.
.
.
.