Ô nhiễm Âu thuyền Thọ Quang: Chưa ngăn chặn hoàn toàn nguồn xả thải

.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang giảm đáng kể so với những năm trước nhưng vẫn chưa ngăn chặn hoàn toàn các nguồn xả thải; một số công trình xử lý ô nhiễm môi trường chưa thể triển khai hoặc đang bị xuống cấp, hư hỏng…

Đó là đánh giá tại hội thảo về giải pháp thực hiện giám sát, ngăn ngừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, do Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố) tổ chức ngày 26-12.

Hiện nay còn một số nguồn xả thải vào Âu thuyền Thọ Quang.  					Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hiện nay còn một số nguồn xả thải vào Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, sau một năm phối hợp thực hiện giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang, đặc biệt là thực hiện Quyết định số 5629/QĐ-UBND ngày 18-8-2016 về quản lý vệ sinh môi trường tại khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đã giảm lượng nước thải thủy sản và đô thị không xử lý đạt quy chuẩn khoảng 3.000m3/ngày vào âu thuyền thông qua các cửa xả; giảm lượng rác tồn lưu trên mặt nước, bờ kè âu thuyền; giảm mùi hôi tại chợ cá và cảng cá…

Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, việc đưa vào vận hành Trạm xử lý nước thải Sơn Trà có công nghệ tiên tiến, cho nước thải sau xử lý đạt chuẩn A đã góp phần quan trọng trong cải thiện ô nhiễm môi trường ở âu thuyền. “Tình trạng mùi hôi từ khu vực âu thuyền và Khu công nghiệp (KCN) dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã được cải thiện rất nhiều”, bà Phan Thị Hiền, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố nhấn mạnh.

Còn theo đại diện Ban quản lý KCN và chế xuất Đà Nẵng, 37/40 doanh nghiệp (DN) trong KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã hoàn thành đấu nối nước thải để thu gom, xử lý. Toàn bộ 20 DN có nước thải sản xuất đã hoàn thành xây dựng hố ga trung gian nước thải ngoài tường rào DN và đặt biển báo tại các vị trí hố ga.

Các đơn vị chức năng đã phối hợp kiểm tra 9 cơ sở sản xuất, chế biến thủy, hải sản và nhắc nhở, yêu cầu khắc phục các sai phạm, thiếu sót... Nhờ vậy, một phần mùi hôi phát sinh từ các cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản đã được khắc phục; dễ theo dõi, giám sát việc thu gom, xử lý nước thải của DN…   

Trạm xử lý nước thải Sơn Trà mới được đưa vào vận hành trong năm 2017, nhưng tại hội thảo, các đơn vị chức năng đề nghị sớm triển khai nâng cấp công suất xử lý nước thải của trạm. “Hiện lưu lượng nước thải thu gom về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà đạt gần công suất thiết kế của trạm (25.500m3/ngày).

Nếu có thêm một số DN đi vào hoạt động hoặc mở rộng quy mô sản xuất, trạm sẽ bị quá tải. UBND thành phố đã có chủ trương đầu tư giai đoạn 2 của Trạm xử lý nước thải Sơn Trà, nên cần triển khai thực hiện sớm để bảo đảm xử lý hết nước thải.

Mặt khác, còn 2/8 cửa xả xung quanh âu thuyền chưa đưa vào hoạt động, vẫn còn tình trạng nước thải chưa xử lý chảy ra âu thuyền, chưa nạo vét bùn lắng đáy âu thuyền và chưa triển khai cải tạo, nâng cấp trạm bơm thông thủy”, bà Phan Thị Hiền nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho rằng, trạm bơm thông thủy đang bị hư hỏng phần đế móng của máy bơm, đang trình UBND thành phố phê duyệt đề cương, dự toán việc đánh giá hiệu quả của trạm bơm.

Việc triển khai nạo vét bùn lắng trong âu thuyền chưa thực hiện do UBND thành phố có chủ trương lồng ghép triển khai trong dự án xây dựng đê, kè Mân Quang… Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đề nghị cơ quan chức năng lắp đặt các cửa lưới ngăn rác chảy vào âu thuyền; tăng cường xử phạt các DN đóng sửa tàu thuyền và chủ phương tiện tàu, thuyền xả rác thải xuống vùng nước âu thuyền.

NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.