Thuận Phước, nơi đạo - đời đồng thuận

.

Một ngày tháng 12-2017, thượng tá Đặng Ngọc Đông, nguyên Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông quận Hải Châu đến thăm ông Trần Đình Hùng, tổ trưởng tổ 19, phường Thuận Phước. Câu chuyện của họ bỗng chốc quay về kỷ niệm những ngày sau giải phóng. Kỳ tích biến nghĩa địa của giáo dân thành trường học mà họ đã hợp sức cùng làm, nay được nhớ lại với tất cả niềm tự hào. Thượng tá Đông kể: “Sau năm 1975, tôi được phân công về làm cảnh sát khu vực phường Thuận Phước, sau đó kiêm Bí thư Đoàn phường. Làm đến 5 năm thì anh Ngô Thanh Hải (nay là đại tá, nguyên Trưởng phòng Quản lý hành chính Công an thành phố) về làm Trưởng Công an phường. Hai anh em trước đây đều là an ninh Quảng Đà nên rất hiểu nhau. Một số dự định tôi ấp ủ nay được anh ủng hộ tối đa. Đó chính là việc di dời nghĩa địa Thuận Phước vốn nằm ngay giữa lòng thành phố”.

Thượng tá Đặng Ngọc Đông (trái) với ông Trần Đình Hùng.
Thượng tá Đặng Ngọc Đông (trái) với ông Trần Đình Hùng.

Theo lời anh Đông, Thuận Phước trước giải phóng, người tại chỗ rất ít, chủ yếu là giáo dân làm nghề biển các tỉnh phía Bắc di cư vào. Nơi đây có đến 3 nhà thờ, trong đó nhà thờ Thanh Đức lớn nhất. Là vùng đất ven biển, ngư dân ra khơi trong điều kiện vật chất chưa bảo đảm… nên người chết ở vùng này nhiều. Có trường hợp từ nơi khác đưa đến hoặc từ biển trôi vào bờ. Một nghĩa địa ngay trong khu dân cư dần hình thành với gần 1.000 mộ. Ô nhiễm môi trường cũng từ nơi này.

Về làm Trưởng Công an phường, anh Đông thấy ngay bất cập. Tuy nhiên đây là việc hệ trọng, đụng đến tâm linh, mồ mả của giáo dân tồn tại mấy chục năm nay đâu dễ đưa đi nơi khác. Để tạo sự gắn kết giữa Công an và nhân dân, anh Đông phát động công tác thanh niên sôi nổi; tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao, làm các công trình ý nghĩa, tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các buổi diễn văn nghệ thường có sân khấu lộ thiên sát khu nghĩa địa. Phường Thuận Phước thường xuyên đoạt giải nhất trong các dịp thi văn nghệ ở thành phố nhờ đội thánh ca làm nòng cốt. Riêng bóng chuyền giữa Công an và thanh niên thì các anh xin được thi đấu ở sân nhà thờ Thanh Đức. Linh mục Nguyễn Hữu Đăng nhiều lần trao giải thưởng cho các đội thắng cuộc. Chính những dịp gần gũi như thế, Công an phường đặt vấn đề với linh mục xin di dời khu nghĩa địa đi nơi khác lấy đất làm khu sinh hoạt văn hóa, thể thao và nhận được sự đồng ý. Các anh cũng vận động cả Hội đồng giáo xứ cùng thống nhất chủ trương này. Trong các buổi nói chuyện, linh mục đã thông báo ý định của chính quyền và khuyên giáo dân nên đồng lòng ủng hộ.

Vậy là bắt đầu từ năm 1983, suốt một tháng, khu nghĩa địa luôn tấp nập người. Hầu hết bà con di dời hài cốt về quê hoặc đưa lên nghĩa địa Gò Cà, không đòi hỏi bất cứ chi phí nào. Những mộ vắng chủ hoặc các gia đình neo người, Đoàn Thanh niên chung tay cất bốc. Anh Ngô Thanh Hải đến Khách sạn Đà Nẵng nhờ giám đốc là ông Ama Trang ủng hộ kinh phí thuê máy cày, máy ủi, chở cát trắng đổ lên lớp đất mặt. Chẳng bao lâu, khu thể thao sạch đẹp rộng cả ngàn mét vuông đã hình thành và được rào lưới vuông vắn. Chiều chiều thanh - thiếu niên ra đá bóng, mời cả tuổi trẻ giáo dân Cồn Dầu giao lưu. Các buổi văn nghệ diễn ở đây cũng đông người xem hơn. Đời sống tinh thần nâng cao, phường Thuận Phước 8 năm liền là lá cờ đầu bảo vệ an ninh Tổ quốc, được lãnh đạo Trung ương về thăm, đánh giá cao. Đến năm 1996, thực hiện chủ trương của thành phố, khu thể thao được dùng để xây Trường THCS Lê Thánh Tôn hiện nay.

Làm tổ trưởng dân phố suốt 25 năm và chừng ấy năm là tổ trưởng xuất sắc, sống tốt đời, đẹp đạo, ông Trần Đình Hùng có uy tín rất lớn với địa phương. Theo ông, chính từ bài học thực tế dời mồ mả làm khu văn hóa hơn 30 năm trước mà năm 2000, khi thành phố vận động nhân dân Thuận Phước di dời để làm đường 3 Tháng 2, giáo dân ở đây sẵn sàng giải tỏa, đồng ý qua khu tái định cư Tân Phước mà Nhà nước bố trí. Linh mục quản xứ Đặng Đình Canh còn hiến 2.000m2 đất nhà thờ để làm con đường lớn.

Hai người đàn ông tóc đã hoa râm cùng đi qua thăm Trường THCS Lê Thánh Tôn như để ôn lại kỷ niệm xưa. Ông Hùng xúc động: “Nhìn ngôi trường, tôi lại nhớ lớp con anh và con tôi trưởng thành từ đây. Nghe nói con gái anh giỏi lắm, đang là giáo sư trường đại học danh tiếng ở Singapore phải không? Con tôi 5 đứa đều thành đạt, trong đó 4 đứa là thạc sĩ. Bà chị Lê Thị Việt của tôi ở phường đây có 3 đứa con học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ cũng có hai con rất giỏi, đi học nước ngoài… Ngày xưa, đời sống của dân cư Thuận Phước rất thấp. Nay thành phố đổi mới, đời sống cả phường cũng tốt lên”.

Anh Đông mỉm cười với người đã đồng hành với mình suốt 31 năm, từ cảnh sát khu vực lên Trưởng Công an phường. Có lẽ với người chiến sĩ Công an, không hạnh phúc nào hơn khi nghe những lời như thế.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.