An toàn thực phẩm dịp Tết: Kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào

.

Mặc dù đang trong giai đoạn ổn định bộ máy nhưng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) thành phố Đà Nẵng vẫn quyết liệt triển khai cùng lúc nhiều kế hoạch kiểm soát chất lượng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán; đồng thời thực hiện các giải pháp xử lý dứt điểm những hạn chế tồn tại bấy lâu trong lĩnh vực hết sức phức tạp này.

Đà Nẵng siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.  Trong ảnh: Nông sản nhập về chợ Đầu mối Hòa Cường.
Đà Nẵng siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Trong ảnh: Nông sản nhập về chợ Đầu mối Hòa Cường.

Kiểm tra, giám sát toàn diện

Ngay khi đi vào hoạt động, BQL ATTP đã ban hành kế hoạch bảo đảm công tác ATTP trên địa bàn thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, đơn vị tập trung kiểm tra những nhóm thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội; hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành về ATTP cho các cá nhân, tổ chức và đông đảo người dân sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm.

Ông Nguyễn Tứ, Phó BQL ATTP thành phố cho biết, đơn vị đã thành lập 5 đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP dịp Tết, có sự tham gia của lực lượng quản lý thị trường, UBND các quận, huyện và Cảnh sát môi trường. “Chúng tôi tập trung kiểm tra những địa điểm cung cấp thực phẩm quy mô lớn như chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm, xử phạt theo quy định của pháp luật; đồng thời qua đây sẽ nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này nếu nhận thấy sự bất cập”, ông Tứ cho biết.

Việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các loại rau, củ, quả và hải sản nhập về Đà Nẵng từ đầu năm 2017 đến nay được thực hiện theo Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố về quản lý ATTP đối với các sản phẩm nông-lâm-thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau-củ-quả, thủy sản tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng. Theo BQL ATTP, đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào để có thể khoanh vùng, loại trừ những nhóm thực phẩm có nguồn gốc và tiềm ẩn nguy cơ cao. “Lượng thực phẩm nhập về chợ Đầu mối Hòa Cường và cảng cá Thọ Quang dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Giống như những lần trước, chúng tôi luôn cử cán bộ túc trực giám sát tại hai địa điểm này và lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm”, ông Tứ cho biết thêm. Thực hiện Quyết định số 35 của UBND thành phố, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã ký kết các chương trình hợp tác với 95 nhà cung cấp hoa, quả ở 10 tỉnh, thành và 75 nhà cung cấp trái cây ở 11 tỉnh, thành trong cả nước. Số rau, củ, quả bị phát hiện có chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tại chợ Đầu mối Hòa Cường trong năm 2017 chiếm 2,7% số mẫu được mang đi kiểm nghiệm. Theo ông Tứ, đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện vai trò, hiệu quả của việc thực hiện Quyết định số 35, bởi tỷ lệ trong năm 2016, khi chưa thực hiện quyết định này chiếm đến 8%.

Tạo “sân chơi” mới

Thời gian qua, mặc dù các sở, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực kiểm soát chất lượng thực phẩm nhưng lĩnh vực này vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Trong năm 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 52 người nhập viện. Việc các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ, thực phẩm phớt lờ quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP là thực trạng đáng ngại, tạo hình ảnh xấu về một thành phố đang phát triển theo hướng dịch vụ, du lịch. “Đó là lý do BQL ATTP muốn xây dựng chương trình tập trung những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống cam kết cung ứng thực phẩm an toàn. Đây sẽ là sân chơi mới của những cơ sở làm ăn chân chính, chấp hành tốt quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP”, ông Tứ cho biết thêm.

Chương trình thí điểm này không chỉ khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, có trách nhiệm với thương hiệu và sản phẩm của chính mình mà còn cung cấp thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng biết và yên tâm chọn lựa. Những cơ sở này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Nhà nước về ATTP trên tinh thần tham gia tự nguyện và sẽ được BQL ATTP thành phố hỗ trợ quảng bá thương hiệu công khai đến người tiêu dùng. Chia sẻ về chương trình này, anh Lê Minh Tuấn, chủ nhà hàng ở lô 110-111 Hồ Tùng Mậu, quận Liên Chiểu cho rằng, đây là sân chơi cần thiết để phân biệt tình trạng “vàng thau lẫn lộn” hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống. “Cần minh bạch, rõ ràng giữa những cơ sở làm ăn chân chính với việc kinh doanh chụp giật vì lợi nhuận mà bỏ quên sức khỏe của người tiêu dùng. Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn đối với người dân, du khách trong và ngoài nước. Việc xây dựng những địa chỉ ăn uống, giải trí an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý là điều nên làm để tạo niềm tin và giữ chân du khách”, anh Tuấn cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Tứ, chương trình dự kiến sẽ triển khai trong tháng 1 này, các cơ sở kinh doanh có thể đăng ký tại BQL ATTP. Sau khi đăng ký, BQL ATTP tiến hành kiểm tra cơ sở và công bố kết quả trong vòng 2 ngày.

 Ban Quản lý An toàn thực phẩm có trụ sở mới

Trụ sở mới của BQL ATTP chuyển về địa chỉ 06 Trần Quý Cáp thay cho địa chỉ 51 Lý Tự Trọng trước đó, do địa điểm này xuống cấp, không bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ. Mọi cá nhân, tổ chức có thể liên hệ làm việc với BQL ATTP tại địa chỉ này, hoặc phản ánh những vấn đề liên quan đến ATTP qua đường dây nóng: 0935.207237.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.