Chiến dịch Đà Nẵng (1858-1860) qua tường thuật của sĩ quan tham chiến Pháp

Bài cuối: Cuộc di tản của quân viễn chinh ở Đà Nẵng

.

Ngày 26 và 27-2-1860, chúng tôi bắt đầu sơ tán khỏi khu vực Chơn Sảng (nguyên văn: Kien-Chan). Các tường thành ở đồn Trấn Dương hầu như được phá bỏ hết.

Sơ đồ vẽ tay của Đại tá Ponchalon về các vị trí của liên quân Pháp-Tây Ban Nha và phòng tuyến của quân triều Nguyễn trên hai bờ sông Hàn ngày 15-9-1859. (Ảnh: NQTT chụp lại)
Sơ đồ vẽ tay của Đại tá Ponchalon về các vị trí của liên quân Pháp-Tây Ban Nha và phòng tuyến của quân triều Nguyễn trên hai bờ sông Hàn ngày 15-9-1859. (Ảnh: NQTT chụp lại)

Sáng 29-2-1860, lúc 4 giờ, quân An Nam, những người nhìn thấy sự chuẩn bị cho việc sơ tán của chúng tôi, đã giễu cợt bằng cách dùng súng bắn đá bắn một vài quả đạn vào những tiền đồn của liên quân.

Lúc 7 giờ, pháo đài Isabelle (pháo đài bằng đất do quân Nguyễn xây ở gần đồn Chơn Sảng- NQTT), đồn Chơn Sảng (nguyên văn là “pháo đài Núm vú”: fort du Mamelon) đã bị cho nổ sập. Khu vực Chơn Sảng bị bỏ ngỏ, liên quân rút về những tiền đồn ở Đà Nẵng.

Ngày 1-3-1860, các nhà kho trên bãi biển bị phá hủy, các thuyền chiến đấu rút khỏi sông Hàn.

Đêm mồng 2-3-1860, quân An Nam bắt đầu chơi lại màn hài kịch nhỏ của mình: họ đến bắn một vài quả đạn đá tại thành Điện Hải, còn những đại bác của họ dường như không nạp đạn, vì không nghe tiếng rít của viên đạn bay ra.

Cả ngày, tiếng tầm-tầm (tiếng súng hỏa mai - NQTT) vang lên trên sông Hàn và tại đồn Chơn Sảng. Quân An Nam đi lại trên phòng tuyến của mình và liên tục phất cờ (thực ra lính triều đình đang truyền tin bằng tín hiệu cờ - NQTT).

Ngày 4-3-1860, ở trên sông Hàn đã giảm bớt tiếng súng. Tại đồn Chơn Sảng quân An Nam đang làm việc để khôi phục lại pháo đài bằng đất. Phía đồn Trấn Dương người ta thấy họ di chuyển trên bộ.

Ngày 5-3-1860, vào lúc nửa đêm, quân An Nam nã đại bác vào thành An Hải. Đến 4 giờ sáng họ bắn vào thành Điện Hải và công sự ở các góc. Một trong số những quả đạn rơi vào thành Điện Hải, nhưng không nổ.

Bộ phận cứu thương di tản những người bệnh đến mạn các con tàu. Pháo đài Phòng Hải của đồn Trấn Dương bị phá hủy, các tiền đồn được phá tan bởi thuốc súng cũ của người An Nam.

Ngày 17-3-1860, lúc nửa đêm, trạm chuyển tiếp nhỏ và các tiền đồn của Sơn Trà bị tấn công và bao vây bởi đội giáo binh của An Nam. Họ bị đẩy lui sau một trận đánh giáp lá cà, hai thủy quân lục chiến bị thương vì giáo đâm. Liên quân ngay lập tức củng cố lại đồn nhỏ. Hai giờ sau lại bị một cuộc tấn công mới bởi toán lính đông hơn. Những loạt súng trường và tiếng kèn hiệu vang lên. Đây là lần đầu tiên quân An Nam dám liều mình đến tận các tiền đồn của chúng tôi ở Đà Nẵng, bởi cho đến nay tất cả các cuộc tấn công của họ chỉ xảy ra quanh khu vực sông Hàn.

Liên quân sắp xếp lại việc bố trí lực lượng trong trường hợp bị tấn công vào các tiền đồn. Mỗi đại đội điều động một tốp lính, một chiếc sà lúp vũ trang chiến đấu thiết lập một trạm gác lớn. Mỗi chiếc tàu sẽ có một thuyền vũ trang bảo vệ, sẵn sàng xuất hiện mỗi khi có tín hiệu đầu tiên được phát ra bằng một ngọn lửa màu đỏ, đặt trên cột cờ của chòi canh ở các tiền đồn. Những thuyền chiến đấu này được đặt dưới sự chỉ huy của một phó thuyền.

Ngày 19-3-1860, những chiếc sà lan và thuyền chiến đấu của tàu được kéo thành đoàn bởi tàu Lampra. Liên quân di dời các khẩu pháo ở thành An Hải, thành Điện Hải và những công sự ở các góc.
Pháo hạm Alarme neo đậu ở phía nam vịnh để bảo vệ thuyền bè đang tiến hành tháo dỡ vũ khí quân dụng ở các pháo đài ven sông Hàn. Liên quân đặt thuốc nổ phá bung pháo đài Phòng Hải và ụ pháo nhỏ của lính Tây Ban Nha ở đồn Trấn Dương. Khói lửa cuồn cuộn bốc lên khắp nơi.

Ngày 20-3-1860, nửa đêm, quân An Nam tấn công các thành An Hải và Điện Hải, chúng tôi đáp trả hai loạt đạn cối. Người An Nam ném vào cùng lúc trên sông hai chiếc sọt khá nguy hiểm, được làm bằng tre nhồi rơm trộn thuốc súng. Chiếc đầu tiên bị thu giữ trước khi bắt lửa, chiếc thứ hai bùng cháy sau khi lướt qua các thuyền chiến đấu. Những khẩu đại bác cuối cùng ở các pháo đài ven sông Hàn được chuyển đi. Liên quân đốt bỏ các thuyền mành và thuyền đánh cá vẫn còn trong bến cảng.

Ngày 21-3-1860, trong đêm, quân An Nam đặt một quả nổ trong công sự ở các góc, pháo hạm Alarme trả đũa bằng hai phát đại bác.

Chúng tôi sắp ngựa xuống tàu. Đến giữa trưa, công binh đánh sập những kho thuốc súng ở thành Điện Hải và công sự ở các góc. Ngọn lửa bao phủ tất cả những túp lều phía bờ trái sông Hàn. Các toán quân rút khỏi thành An Hải bằng đường bộ, trở lại với các tiền đồn trên eo đất của Đà Nẵng.

Lúc 3 giờ chiều, kho thuốc súng ở thành An Hải bị công binh thổi tung. Họ đốt luôn những lều ăn ở khu vực pháo đài. Đến 3 giờ rưỡi chiều, cuộc di tản trên dòng sông Hàn đã kết thúc.

Việc xuống tàu của liên quân được bắt đầu với lính Tây Ban Nha, những người vừa rời khỏi sông Hàn. Chúng tôi củng cố các tiền đồn. Vào 11 giờ đêm, quân An Nam như chào mừng sự ra đi của chúng tôi, bắn về trạm chuyển tiếp một loạt gần 40 quả đạn đá. Các vị quan An Nam bây giờ có thể tuyên bố rằng họ đã đánh đuổi chúng tôi bằng những phát đại bác. Đó là sự thật. Than ôi! Chúng tôi đã trao cho họ phần tốt đẹp.

Ngày 22-3-1860, di tản khỏi Đà Nẵng. Từ lúc mặt trời mọc đến tận hoàng hôn, âm thanh những vụ nổ thật lớn, tất cả các pháo đài ở Đà Nẵng bật tung lên từ chỗ này tiếp nối chỗ khác, lửa bao trùm khắp nơi, sức nóng của ngọn lửa thật kinh khủng đến nỗi có thể cảm thấy nó ngay cả khi đứng trên boong tàu.

Đại đội của tôi lãnh nhiệm vụ bảo vệ cuộc rút quân, lên tàu Marne lúc 5 giờ chiều. Đôi mắt nhòe đi, tôi từ biệt Đà Nẵng lần cuối. Tôi trải qua cả đêm trên boong tàu. Như câu chuyện cổ tích, Đà Nẵng mãi mãi bằng lửa rực sáng nói chung.

Hòn đảo Cô được thắp sáng bởi ánh lửa từ một chiếc thuyền mành phản chiếu trên những bước sóng run rẩy nơi bến cảng. Cột buồm cháy tóe ra những tia lửa, loang ra rồi như bị hãm lại bởi một bàn tay vô hình. Những người An Nam chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng như vậy nên dường như cảm thấy sững sờ. Không có âm thanh nào được phát ra ở eo đất và bán đảo Sơn Trà. Họ phải nghĩ gì khi thấy rằng, ngọn đuốc trong tay chúng ta đã hủy diệt không chỉ các pháo đài, mà còn tất cả các công trình do chính chúng ta đã xây dựng, với cái giá quá sức mệt mỏi và nhiều mất mát?

Liệu chúng ta có thể ngạc nhiên, nếu họ gọi chúng ta là “những kẻ man rợ”?

Ngày 23-3-1860, khởi hành từ Đà Nẵng. Lúc 8 giờ sáng, để chứng minh với người dân rằng chúng tôi tự nguyện rút khỏi Đà Nẵng (vì đánh mãi không chiếm được đất liền- NQTT), tất cả các tàu hơi nước chạy một vòng quanh vịnh, và mỗi tàu bắn một phát đạn cối về hướng chiến tuyến của quân An Nam. Sự chứng minh này đem lại cho chúng tôi một chút an ủi. Chúng tôi nhìn thấy trên sông Hàn một số lượng lớn các thuyền mành treo cờ; nhưng người An Nam giữ một khoảng cách tôn trọng tầm đại bác trên tàu của chúng tôi.

Đến 8 giờ 30, đoàn tàu di tản khỏi vịnh Đà Nẵng. Tôi phóng tầm mắt u buồn lần cuối về phía nghĩa trang (nằm ở chân bán đảo Sơn Trà, phía đông núi Mỏ Diều, dân gian quen gọi là nghĩa địa Y Pha Nho, tức Tây Ban Nha, cũng gọi là khu Mả Tây, về sau Pháp gọi là đồi Hài cốt - NQTT) mà chúng ta đang bỏ rơi, nơi có rất nhiều người đã hy sinh tất cả cho đất nước của họ.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN


(Lược dịch và hiệu chỉnh thuật ngữ chuyên môn từ Colonel Henri de Ponchalon, Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris, 1896)

;
.
.
.
.
.
.