Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Bài 3:Trận chiến khốc liệt của Tiểu đoàn R20 - Ngày ấy, trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng

.

Đại tá Lê Ngọc Bảy, 68 tuổi (ảnh), ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, là chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn R20 Quảng Đà hồi Xuân Mậu Thân 1968. Tròn 50 năm kể từ mùa xuân máu lửa ấy, ông Bảy bồi hồi tưởng nhớ bao đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt năm xưa.

Giữa tháng Chạp năm 1967, từ Đại Lộc (Quảng Nam), Tiểu đoàn R20 cơ động về đóng quân tại xã Điện Quang (huyện Điện Bàn) và nhận nhiệm vụ tấn công Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Cả đơn vị bừng bừng khí thế tiến về Đà Nẵng, giải phóng thành phố quê hương. Công tác chuẩn bị tiến hành khẩn trương. 

Ai nấy hừng hực ý chí giết giặc lập công. Niềm tin quét sạch giặc thù sáng ngời trong ánh mắt của từng cán bộ, chiến sĩ. Các đồng chí đang ốm cũng nằng nặc xin được ra trận. Chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Thị Định (Đại đội 3) viết đơn xin đi chiến đấu bằng máu và khi được chấp nhận đã rối rít khoe với mọi người trong niềm vui khôn xiết!

15 giờ ngày 26 tháng Chạp, Tiểu đoàn làm lễ xuất quân. Từ Gò Nổi, đơn vị vượt cầu Kỳ Lam (sông Thu Bồn), bí mật tiến qua Điện An, Điện Thắng…, tạm dừng ở khu vực tiếp giáp của hai xã Điện Nam-Điện Ngọc vào tối 27 tháng Chạp. 

Đêm 28, đơn vị tiến đến bờ sông Trung Lương (phía nam phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn ngày nay), được cơ sở đón và nuôi giấu an toàn, trong khi pháo địch vẫn bắn cầm canh và Mỹ, ngụy lùng sục thường xuyên (khu vực này thuộc vùng địch kiểm soát). 

Chiều 30 Tết, khi đơn vị chuẩn bị vượt sông Trung Lương thì một quả pháo địch bắn trúng đội hình. Tiểu đoàn trưởng Lại Nam Dương bị thương. Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Đáng được giao chỉ huy tiểu đoàn, khẩn trương tìm cách vượt sông Cẩm Lệ.

Một khó khăn lớn mới phát sinh là lúc này bọn địch đã triển khai lực lượng ngăn chặn ở bờ bắc sông Cẩm Lệ. Trong khi phần lớn đội hình tiểu đoàn còn ở khu vực Cồn Dầu, xã Hòa Đa (nay là phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), thì Trung đội 1 (thuộc Đại đội 1 Tiểu đoàn R20) và Trung đội K63 thuộc Khu 3 Hòa Vang - bộ phận đảm nhiệm tấn công đánh chiếm đầu cầu, đã vượt sông trót lọt từ lúc chạng vạng tối 30 Tết. Hai trung đội nhanh chóng men theo bờ tây sông Hàn, tiếp cận vào ngã tư Duy Tân - Võ Tánh, cạnh Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy (nay là ngã tư Duy Tân - Núi Thành). 

Đại đội trưởng Đại đội 1 Dương Văn Chín trực tiếp chỉ huy bộ phận này, khẩn trương tổ chức vượt rào, đưa đội hình áp sát các mục tiêu, chờ lệnh nổ súng. 0 giờ mồng Một Tết, khi pháo binh ta bắn vào sân bay Đà Nẵng (đó là hiệu lệnh tấn công), hai trung đội đồng loạt tấn công, đánh chiếm một góc của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy. 

Ban đầu, địch đối phó lúng túng, ta chiếm được một số vị trí. Nhưng sau đó, khi phán đoán lực lượng ta ít, địch tổ chức chống trả. Hai trung đội kiên cường chiến đấu, rồi rút ra chốt giữ khu vực ngã tư Võ Tánh - Duy Tân chờ các cánh quân tiến vào theo kế hoạch. Trời vừa sáng, địch điều 2 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn bộ binh, 4 xe tăng, hàng chục máy bay trực thăng, ồ ạt phản kích. 

Với tinh thần chiến đấu cảm tử, bộ đội bình tĩnh đánh trả các đợt phản kích, tiêu diệt hàng trăm tên địch.  Trận chiến khốc liệt kéo dài đến trưa mồng Một Tết. Địch tăng cường bộ binh, xe tăng, điên cuồng phản kích. Quân ta đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nhiều chiến sĩ hy sinh, số còn lại bị thương, sa vào tay giặc, chỉ còn 1 chiến sĩ sống sót.

Tại Hòa Đa, trong đêm giao thừa, phần lớn lực lượng R20 không vượt sông được đã chuyển sang tấn công diệt cứ điểm Cồn Dầu của địch, rồi triển khai đội hình sẵn sàng đánh địch phản kích. Sáng mồng Một Tết, Mỹ - ngụy đổ quân bao vây, phản kích. 

Toàn đơn vị kiên cường chiến đấu, đẩy lùi hàng chục đợt phản kích của giặc. Máy bay địch lồng lộn ném bom, bộ binh địch được tăng viện, có xe tăng, pháo binh yểm trợ, liên tục vây ép tứ phía. Cán bộ, chiến sĩ ta đồng lòng quyết tử chiến đấu. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương, bị giặc bắt. Mặc dù bị nhiều tổn thất, quân ta vẫn tổ chức đánh phá vây nhiều lần.

Các cán bộ Đặc Khu ủy tăng cường cho hướng tấn công này như Mai Đăng Chơn, Nguyễn Hữu Đức cùng với Ban chỉ huy Tiểu đoàn R20 vừa động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, vừa cầm súng đánh trả địch và anh dũng hy sinh.

Trận đánh không cân sức diễn ra suốt ngày mồng Một và mồng Hai Tết. Đêm mồng Hai Tết, lợi dụng lúc địch co cụm, đồng chí Nguyễn Văn Trí (Tham mưu trưởng Tiểu đoàn) tổ chức đánh mở đường, đưa hơn 80 cán bộ, chiến sĩ còn lại của tiểu đoàn vượt khỏi vòng vây giặc, trở về Gò Nổi…

 Sau Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn R20 được bổ sung quân số, liên tục chiến đấu, lập nhiều chiến công vang dội và 7 năm sau lại trở về giải phóng Đà Nẵng trong Mùa xuân Đại thắng 1975. Năm ấy, chiến sĩ trinh sát Lê Ngọc Bảy đã trở thành Tiểu đoàn trưởng, chỉ huy đơn vị tiến vào giải phóng thành phố quê hương cùng với các cánh quân khác.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.