Nhà cổ: Ai cứu? Bao giờ?

.

Sở hữu những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi chất chứa bao câu chuyện của thời gian và những giá trị không thể đong đếm, thế nên càng tự hào bao nhiêu, chủ nhân của những ngôi nhà cổ này lại càng đau đáu lo lắng bấy nhiêu...

Ông Đặng Tao (thôn Túy Loan, xã Hòa Phong): “Để cứu lấy ngôi nhà của ông cha, dù một tia hy vọng tôi cũng nuôi lấy”. Ảnh: NGỌC HÀ
Ông Đặng Tao (thôn Túy Loan, xã Hòa Phong): “Để cứu lấy ngôi nhà của ông cha, dù một tia hy vọng tôi cũng nuôi lấy”. Ảnh: NGỌC HÀ

Đầu năm 2018, chúng tôi quay trở lại huyện Hòa Vang, dù tốc độ đô thị hóa vẫn diễn ra mạnh mẽ ở nơi đây nhưng con đường dẫn vào làng Bồ Bản vẫn yên ả dưới hàng tre xanh. Nằm bên cạnh đình làng Bồ Bản, mặt hướng ra cánh đồng xanh ngát, ngôi nhà cổ của ông Tán Tỉnh nép mình dưới những tán cây.

Theo chuyện kể, sau khi xây xong đình làng Bồ Bản (năm 1852), dòng họ Tán mời những người thợ làng mộc Kim Bồng ở lại để xây ngôi nhà của gia đình ròng rã 3 năm trời. Có lẽ vì thế, kiến trúc lẫn các chạm khắc đều thể hiện sự tinh xảo của bàn tay nghệ nhân tài hoa làng mộc Kim Bồng.

Ngôi nhà chính cất thành 4 gian với gần 40 cây cột bằng gỗ mít, thân to tròn, thẳng đứng, đặt trên những tảng đá kê hình tròn, mái nhà lợp ngói âm dương; 2 chái hai bên được thiết kế như hành lang nối phần nhà cầu có mái che xuống nhà sinh hoạt thành một khung vuông bao bọc.

Đến đời ông Tán Ngộ (cha ông Tán Tỉnh), ngôi nhà từng là nơi nuôi giấu cán bộ. Hầm bí mật hiện vẫn còn tại ngôi nhà này. Ông Tán Ngộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, lúc ông Tán Tỉnh còn nhỏ. Lớn lên trong ngôi nhà cổ của cha ông để lại, là một thầy giáo trường làng, một mình ông Tán Tỉnh không đủ sức gánh vác chuyện trùng tu và cứ thế chỉ biết lặng nhìn ngôi nhà xuống cấp từng ngày.

Hiện nay, mái ngói âm dương đã thay bằng mái tôn, hàng phên dậu, cửa gỗ cũng gỡ bỏ, nhà cầu bị sụp hoàn toàn, nhiều đòn tay, rui của ngôi nhà bị thay thế bằng gỗ thường, một số cột bị mối mọt, nền nhà lúc trước được lót ván gỗ vì người xưa thường quan niệm không nên để chân chạm đất, nhưng bây giờ được thay thế bằng xi-măng...

Từ năm 1995, ngôi nhà không còn được sử dụng để ở nữa và ông Tỉnh về sống với con trai (nhà cách đó khoảng 500 mét). Hằng ngày, con trai ông Tỉnh là ông Tuấn Anh vẫn lui tới dọn dẹp.

“Gỗ mít to và cao để làm trụ như trụ nhà tôi hiện nay rất hiếm, khoảng 10 năm trước, các nhà tu sửa di tích ở Huế đã đến ngỏ ý muốn mua 4 cây trụ lớn ở gian chính này với giá 50 triệu đồng/cây nhưng tôi không bán.

Bán đi 4 cây trụ chính thì chẳng khác gì phá bỏ ngôi nhà. Nói thật, trong lòng bây giờ nhiều cảm xúc lẫn lộn lắm. Sở hữu ngôi nhà có giá trị lớn lao về mặt tinh thần mà lại thấy nặng lòng. Gia đình tôi 3 đời đều là con trai một, lại không mấy khấm khá nên việc bảo quản và tu sửa nhà cổ rất khó khăn.

Nếu cứ đà này, theo thời gian ngôi nhà sẽ hư hỏng hết. Nghĩ tới điều đó, tôi lại thấy có lỗi với tổ tiên”, giọng ông Tuấn Anh nghèn nghẹn.

Ngôi nhà cổ hơn 300 năm, hiện do ông Đặng Nga (bên phải), 64 tuổi, đời thứ 14 của dòng họ chịu trách nhiệm trông coi. Năm 2017, ông huy động tộc họ được 100 triệu đồng sửa lại ngôi nhà.  	            Ảnh: NGỌC HÀ
Ngôi nhà cổ hơn 300 năm, hiện do ông Đặng Nga (bên phải), 64 tuổi, đời thứ 14 của dòng họ chịu trách nhiệm trông coi. Năm 2017, ông huy động tộc họ được 100 triệu đồng sửa lại ngôi nhà. Ảnh: NGỌC HÀ

Đó cũng là nỗi niềm của ông Đặng Tao (thôn Túy Loan, xã Hòa Phong). Khi nghe có người đến hỏi thăm ngôi nhà, ông lại lật đật ra đón tiếp với hy vọng nhen nhóm ai đó tìm đến hỗ trợ. Ở tuổi xế chiều, sự mong mỏi được sửa chữa lại ngôi nhà nhiều năm tuổi càng nặng nợ trong ông.

Ngôi nhà chỉ hơn ông một năm tuổi - 87 năm tròn và được xây dựng theo mô típ truyền thống 3 gian 2 chái và cũng do tay thợ Kim Bồng làm nên. Điều kỳ diệu ở chỗ, ngôi nhà đứng vững trước sự tàn phá của chiến tranh và đang mang trên mình khá nhiều thương tích.

Từ các cây xà trên mái nhà đến các cây trụ nhà đều đầy các lỗ đạn xuyên qua. Chiến tranh và thời gian như hằn sâu trên ngôi nhà nhỏ bé này khiến nó càng cũ kỹ đến nao lòng. Cửa sổ được chắp vá bằng những mảnh tôn vụn, những cây trụ phần dưới loang lổ những vết mọt ăn. Mái ngói hư hỏng nhiều chỗ, đa phần đều bị vỡ vụn. Những ngày mưa, ông Tao phải che đậy bằng bao nilong, dằn đá để bảo vệ.

Ông Tao kể: Cũng nhiều đoàn đến thăm, có cả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hứa hẹn nếu có dự án tài trợ sẽ ưu tiên cho tôi vào danh sách sửa chữa. Mới đây, thành phố cũng bảo sắp có đoàn đi tham quan nhà cổ, sẽ ghé thăm nhà tôi.

“Rồi không nghe thấy gì nữa, nhưng để cứu lấy ngôi nhà của ông cha tôi, dù một tia hy vọng tôi cũng nuôi lấy. Tôi nghèo thật đấy, song nếu có được nửa số tiền hỗ trợ sửa chữa, tôi sẵn lòng bán đi những gì mình có để giữ lấy ngôi nhà này. Nhà tôi ngày trước do một tay thợ Kim Bồng làm nên tôi cũng chỉ thuê thợ Kim Bồng hoặc thợ tay nghề cao ở Huế vào sửa chứ không thể làm tùy tiện mất đi nét đặt trưng riêng của nhà cổ”, ông Tao tâm sự.

Tại huyện Hòa Vang có khoảng 100 nhà cổ trên trăm năm tuổi nhưng hiếm có chủ nhà đủ điều kiện trùng tu, sửa chữa và gìn giữ nguyên vẹn những nếp nhà xưa. Nhiều ngôi nhà thờ tộc vận động dòng họ cũng chỉ đủ sửa chữa theo kiểu chắp vá.

Nhiều ngôi nhà tư nhân như trường hợp như ông Tán, ông Tao thì lực bất tòng tâm. Điều này khiến không ít nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ lo lắng. Với tốc độ đô thị hóa, một mai nếu những nếp nhà xưa cũng không còn nữa thì hình ảnh làng quê đặc trưng của xứ Quảng chỉ còn là ký ức...

NGỌC HÀ - HUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.