Xói mòn bờ sông, bờ biển tác động đến sản xuất, sinh hoạt

.

Tại hội thảo tổng kết khảo sát, thu thập dữ liệu phục vụ quản lý tổng hợp bùn cát trên các hệ thống sông ở miền Trung do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) tổ chức ngày 12-1, các nhà khoa học cho rằng, cần tăng năng lực quản lý bùn, cát các dòng sông để giải quyết triệt để vấn đề xói lở bờ sông, bờ biển.

Hiện tượng xói mòn bờ sông, bờ biển và sự xuống cấp của lòng sông xảy ra rõ rệt ở nhiều nơi, gây ra những tác động bất lợi, nghiêm trọng như: mất đất sản xuất và sinh hoạt, đê và kè xuống cấp, thiệt hại cho ngành du lịch…

Nguyên nhân dẫn đến những hậu quả trên là do sự thiếu hụt bùn, cát vì đã bồi lắng trong các hồ chứa ở thượng lưu, khai thác quá nhiều cát sỏi từ lòng sông, xây dựng các công trình làm thay đổi lưu lượng dòng chảy của sông…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, việc phát triển thủy điện với mật độ cao, khai thác bùn, cát quá mức hoặc trái phép, tàn phá rừng là những nguyên nhân chính gia tăng sạt lở, lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Các yếu tố này gây trở ngại trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, tình hình khai thác cát, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Đà Nẵng dần ổn định, nhưng vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh mong muốn các nhà khoa học có những đề xuất để làm rõ nguyên nhân hiện tượng sạt lở bờ sông, biển và giải pháp quản lý bùn, cát phù hợp.

Qua thống kê, từ năm 2008 đến nay, khoảng 10 triệu m3 cát từ các kênh, sông ở Quảng Nam bị khai thác. Diện tích lưu vực của các hồ chứa, đập thủy điện chiếm 50% tổng diện tích toàn lưu vực sông của tỉnh này.

Lượng bùn cát ra cửa Đại (thành phố Hội An) giảm 14% do xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện và 24% do hoạt động khai thác cát sỏi ở các lòng sông. Trước mắt, các nhà khoa học đề xuất biện pháp nuôi bãi kết hợp xây dựng công trình nắn dòng ở cửa Đại nhằm phục hồi tính liên tục và cải thiện sự bất đối xứng trong vận chuyển bùn cát.

Về lâu dài, để giải quyết triệt để vấn đề xói lở bờ sông, bờ biển, cần thực hiện quản lý tổng hợp bùn, cát và tăng cường nguồn nhân lực, nâng cao khoa học kỹ thuật trong quản lý bùn, cát.

HOÀNG HIỆP - THANH TÙNG

;
.
.
.
.
.
.