Ấn tượng Phan Văn Khải

.

Những ngày làm báo tại miền Trung, tôi có mấy dịp được gặp hoặc dự các cuộc họp của ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải, khi các ông đảm niệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Phan Văn Khải (hàng đầu, thứ năm từ phải sang) cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Đà Nẵng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10. 					(Ảnh tư liệu)
Thủ tướng Phan Văn Khải (hàng đầu, thứ năm từ phải sang) cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Đà Nẵng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10. (Ảnh tư liệu)

Nếu Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đặt nền móng cho đổi mới và hội nhập thì người kế nhiệm Thủ tướng Phan Văn Khải lại âm thầm tạo ra những bước đi rất căn cơ cho con đường phát triển đất nước. Những quyết định về đầu tư mạnh mẽ cho mạng Internet và xây dựng Luật Doanh nghiệp, trong đó quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp tư nhân, trong thời kỳ ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng có lẽ đã góp phần quan trọng cho hội nhập và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong giai đoạn giao thời giữa thế kỷ 20 và 21!

Riêng với doanh nghiệp, có lẽ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo Việt Nam đầu tiên trực tiếp tổ chức 3 cuộc gặp gỡ các doanh nhân tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và miền Trung (tại Hội trường Quân khu 5 ở Đà Nẵng) mà thành phần tham dự chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.

Lúc đó ông nhấn mạnh quan hệ trên dưới giữa doanh nhân, doanh nghiệp với Chính phủ như cấp dưới với cấp trên phải được thay đổi. Trước sự phát triển của xã hội, mỗi người một cương vị, nhưng phải gắn kết với nhau đưa đất nước đi lên.

Chính những cuộc gặp gỡ đó, ông đã nghe được những lời nói thẳng của doanh nhân để hình thành sau đó Luật Doanh nghiệp… Người dân được làm mọi thứ luật pháp không cấm, còn luật pháp cấm cái gì thì nói rõ ra trong luật. Thứ hai là chuyển từ tiền kiểm là chính sang hậu kiểm là chính. Đó là tinh thần cốt lõi của Luật Doanh nghiệp.

Sau này, GS Nguyễn Mại, nguyên thành viên Tổ Nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng đã nói: Cái chúng ta khó khắc phục nhất trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp chính là quán tính ăn sâu vào tiềm thức của đội ngũ công chức, từ cấp cao cho đến cơ sở là Nhà nước thì có quyền, còn người dân phải xin phép.

Để khắc phục điều này là điều không đơn giản, là cuộc đấu tranh dai dẳng và lâu dài. Tôi nghĩ sau này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay dùng khái niệm “Chính phủ kiến tạo” chính là xuất phát từ ý tưởng xóa bỏ cơ chế bao cấp đó!  Do đó, đến Luật Doanh nghiệp năm 2005, kinh tế tư nhân bắt đầu được khẳng định và thực hiện một loạt việc cắt bỏ giấy phép con - như một nguồn cơn của tệ nạn xin-cho và hối mại quyền thế - cho thấy cuộc đấu tranh về nhận thức là không dễ dàng trong gần 2 nhiệm kỳ đứng đầu Chính phủ mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã đảm nhiệm...

Những kỷ niệm với Quảng Nam, Đà Nẵng

Xin nhắc lại vài kỷ niệm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với Quảng Nam và Đà Nẵng.

Ngày 5-6-2003, Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định 108 thành lập Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai và ban hành quy chế khuyến khích đầu tư vào khu KTM này. Một tháng sau, ông cử một Phó Thủ tướng vào làm lễ công bố và chưa đầy 1 năm sau, ngày 23-3-2004, ông ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung cho Khu KTM và ngày 13-8 năm đó, là quyết định ban hành chính sách đối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà Đà Nẵng có vai trò đầu tàu, đô thị động lực.

Những văn bản pháp quy nhanh chóng đó là kim chỉ nam cho Đà Nẵng, Quảng Nam và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bứt phá về sau. Sau đó, khi thị sát vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ông trực tiếp giải quyết những khó khăn về nhà ở cho cán bộ, giải quyết tại chỗ những yêu cầu về chính sách xã hội đối với Quảng Nam và Đà Nẵng sau ngày chia tách.

Sau những khó khăn ban đầu, khi về lại Đà Nẵng và Quảng Nam, ông đã rất vui khi thấy diện mạo nhiều thay đổi và câu nói mà tôi còn nhớ mãi của ông là: “Đối với Quảng Nam và Đà Nẵng bây giờ, chúng ta nên cùng nhau nói nên làm giàu bằng cách nào chứ đừng nói nghèo mãi nữa! Tiềm năng nhân tài vật lực chúng ta có, cơ chế chính sách đã được Trung ương xác định thì làm sao mà nghèo mãi được?”…

Giọng ông Phan Văn Khải lúc nào cũng chậm rãi, đều đều nhưng rất có sức thuyết phục. Trong những cuộc họp của ông, tuy thỉnh thoảng ông phải hút thuốc và bảo các nhà báo đừng quay phim chụp ảnh lúc đó, nhưng không khí rất nghiêm túc vì ông luôn lắng nghe và đi vào những vấn đề cốt lõi lay động…
Sau này tôi còn gặp ông ở Đà Nẵng hai lần nữa khi ông đã nghỉ hưu và đi với việc riêng, nhưng cách nghe và cách nói của ông luôn điềm đạm, dễ gần!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.
.