Chàng trai Mỹ nhặt rác ở phố An Thượng

.

ĐNO - Một buổi trưa đầu tháng 3, chúng tôi gặp Andrew J. Smith tại một quán nước nhỏ nằm trên đường An Thượng 32 (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Đó là một thanh niên Mỹ có nước da ngăm và nụ cười thân thiện thường trực trên môi.

Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi được biết Andrew J. Smith đến Việt Nam từ hơn một năm trước và có mặt ở Đà Nẵng được hơn một tháng nay. Trước khi đặt chân lên mảnh đất hình chữ S, anh đã có thời gian làm công tác cộng đồng tại Mỹ. Ấn tượng với “một Việt Nam có nhiều người trẻ nhiệt huyết và năng động”, chàng trai 27 tuổi đã nghĩ đến việc sang Việt Nam sống và làm việc.

Hình ảnh một chàng trai người nước ngoài đi thu gom rác đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách tại khu An Thượng. Ảnh: XUÂN SƠN
Hình ảnh chàng trai người nước ngoài đi thu gom rác đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách tại khu An Thượng. Ảnh: XUÂN SƠN

“Tôi muốn sống tại đây để lắng nghe, quan sát, tìm hiểu đời sống cũng như văn hóa người Việt và hơn hết là trở thành một phần trong cộng đồng những người trẻ trên đất nước này”, Andrew tâm sự.

Đến Đà Nẵng, Andrew lựa chọn sống tại khu phố An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), một khu phố có đông người nước ngoài sinh sống. Kể từ thời điểm đó, người dân khu phố An Thượng bắt đầu biết đến một thanh niên người Mỹ hay đi bộ dọc khu vực để thu gom rác. Rác từ nhà dân và các khách sạn được anh thu gom thành từng túi, sau đó mang về điểm tập kết cố định để công nhân vệ sinh đưa về nơi xử lý.

Bên ấm trà nóng, Andrew vui vẻ kể lại những ngày đầu “vác tù và hàng tổng” của mình. Lúc đó, anh thường xuyên gặp những ánh mắt khó hiểu của bà con và nhiều du khách.

Anh nói: “Ban đầu, mọi người đều ngạc nhiên khi ngày nào cũng thấy tôi đi thu gom rác, ai cũng thắc mắc là: “Ôi, sao lại có một ông Tây làm việc này ở đây?”, nhưng khi hiểu ra ý nghĩa từ việc làm của tôi thì ai cũng ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình. Mỗi lúc gặp tôi trên đường, bà con và du khách lại đưa ngón tay cái ra dấu hiệu tán thành và khích lệ, điều đó khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục việc làm của mình”. 

Đến Đà Nẵng sống, Andrew nhận thấy khu vực anh đang ở tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng. Lượng rác rất nhiều. Anh nghĩ mình có thể chủ động đi thu gom rác để góp phần làm sạch môi trường cho khu phố, cũng như giúp đỡ mọi người trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống.

“Việc thu gom rác ở khu phố, khu dân cư thật sự không quá khó khăn và ai cũng có thể làm được. Khi bắt tay vào việc này, tôi đã nghĩ mình nên làm điều gì đó có sức “lan tỏa” ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Tôi sẽ cố gắng hết sức để tuyên truyền ý nghĩa tốt đẹp của việc thu gom rác thải không chỉ đến với người dân mà còn với những người nước ngoài khác”, Andrew chia sẻ thêm.

Thông qua việc làm của mình, Andrew muốn cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất. Ảnh: XUÂN SƠN
Thông qua việc làm của mình, Andrew mong muốn cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất. Ảnh: XUÂN SƠN

Theo Andrew, Đà Nẵng đang có nhiều lợi thế để phát triển thành một thành phố “xanh và bền vững”. Qua quá trình tiếp xúc và sách báo, anh nhận thấy người dân thành phố rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Anh ấn tượng khi chứng kiến ngày càng nhiều chương trình, dự án và những câu lạc bộ bảo vệ môi trường ra đời trên khắp mảnh đất hình chữ S nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Anh luôn tâm niệm, công tác bảo vệ môi trường không đòi hỏi những ý tưởng lớn lao, không bắt buộc phải là những việc làm có tính chất vĩ mô, chỉ cần cộng đồng chung tay thực hiện ngay từ những việc nhỏ trong đời sống hằng ngày, từ đó sẽ góp phần tạo nên một thành phố xanh và bền vững trong tương lai.

Ông Lâm Xuân Quang, Tổ trưởng tổ dân phố 72 thuộc phường Mỹ An chia sẻ: “Tôi tình cờ biết Andrew trong một lần gặp anh đi thu gom rác. Hình ảnh một thanh niên người Mỹ với những túi rác và nụ cười tươi rói đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách tại đây. Hy vọng từ việc làm ý nghĩa của Andrew mà mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở khu dân cư”.

XUÂN SƠN – LÊ DIỄM

;
.
.
.
.
.
.