Đà Nẵng, 15 năm sau chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải

.

Còn đúng một tháng nữa là tròn 15 năm ngày Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đoàn lãnh đạo của Chính phủ về làm việc với Đà Nẵng để từ đó định ra một hướng đi mới cho thành phố biển miền Trung này.

Những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành hiện thực như đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là tuyến ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa).						   			        Ảnh: THÀNH LÂN
Những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành hiện thực như đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là tuyến ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa). Ảnh: THÀNH LÂN

Trong cuộc làm việc ngày 17-4-2003 với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh, Đà Nẵng đang có đà để từ đây phát triển nhanh và toàn diện. “Đang có đà”, bởi lúc đó, Đà Nẵng thoát khỏi chiếc áo chật trực thuộc tỉnh để trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương được hơn 6 năm.

Thành phố đã đề ra những quyết sách quan trọng để đầu tư cho hạ tầng đô thị, tạo được những kết quả nhất định ban đầu, gầy dựng nên hình hài đô thị. GRDP của thành phố lúc đó 5 năm tăng liên tục với mức hơn 10% mỗi năm; bình quân thu nhập đầu người đạt 581 USD/năm. Những quyết sách về xã hội có những vượt trội, đặc biệt là chủ trương xây dựng “Thành phố 5 không”.

Tuy nhiên, thành phố lúc đó vẫn còn những lúng túng nhất định trong việc phát triển, nhất là liên kết vùng - đặc biệt là giao thông; định hướng thu hút đầu tư du lịch vẫn chưa rõ ràng do hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. Thương hiệu về một thành phố năng động, sáng tạo mới manh nha.

Đời sống văn hóa-xã hội, nhất là giáo dục, y tế… vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình lúc đó càng khó khăn hơn khi khủng hoảng tài chính khu vực châu Á ảnh hưởng nặng nề đến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của thành phố.

Vì vậy, khi chỉ đạo tại buổi làm việc, để “Đà Nẵng phát triển nhanh và toàn diện”, Thủ tướng Phan Văn Khải đề nghị lãnh đạo thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, thích ứng với tình hình mới; trong đó tập trung cho du lịch, xuất khẩu và đầu tư.

Đồng thời, trước các kiến nghị của Đà Nẵng, Thủ tướng Phan Văn Khải đặc biệt quan tâm đến việc huy động các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện để thành phố kết nối, phát triển nhanh hơn. Trong đó, tuyến cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất triển khai thực hiện theo hình thức BOT; địa phương chủ động tìm vốn cho tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc và huy động các nguồn vốn khác. Công trình cầu Thuận Phước triển khai nhanh từ vốn Trung ương và địa phương.

Thủ tướng cũng chỉ đạo triển khai một số chủ trương: di dời ga đường sắt, các cây xăng dầu ra khỏi nội thành; đầu tư 100 tỷ đồng để xây dựng một trung tâm y tế chất lượng cao, kỹ thuật cao cho cả khu vực; xây dựng Trung tâm Công nghệ phần mềm; sử dụng vốn vay ưu đãi để thực hiện dự án cấp nước cho thành phố.

Cùng với những chỉ đạo cụ thể, chỉ 3 tháng sau đó, ngày 15-7-2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg công nhận thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1. Quyết định này tạo động lực cho Đà Nẵng cả về vật chất và tinh thần, để từ đó Đà Nẵng có cơ hội tạo nên bứt phá mới.

Đặc biệt, ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với những chủ trương, chính sách đột phá để thêm đà cho thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Trong đó, những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Phan Văn Khải được khái quát thành những định hướng lớn như: sau năm 2010, thành phố chuyển sang cơ cấu du lịch dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó chú trọng phát triển công nghiệp có công nghệ cao, dịch vụ có chất lượng cao, xây dựng trung tâm công nghệ cao; khai thác tiềm năng kinh tế biển; phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; quan tâm đến đổi mới công nghệ, tiếp cận với công nghệ hiện đại…

Đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của đất nước, là đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hóa - dịch vụ của miền Trung - Tây Nguyên...

Với những định hướng và chỉ đạo đó, 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng ra sức đồng lòng xây dựng, tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách đột phá trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; trong đó đặc biệt là phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, thực hiện những chính sách xã hội vượt trội và đầy tính nhân văn.

Những thành quả đó được thể hiện rõ trên hình hài đô thị hôm nay, trên những chỉ số phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; Đà Nẵng được ghi nhận là một thành phố thân thiện, an bình và đáng sống...

Trong đó, những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành hiện thực như: đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là tuyến ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa); cầu Thuận Phước bắc ngang cửa sông Hàn (cùng nhiều cây cầu khác) góp phần tạo cú hích cho bờ đông sông Hàn; Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm y tế chuyên sâu, chất lượng cao và kỹ thuật cao trong khu vực...; Trung tâm Công nghệ phần mềm đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của công nghiệp phần mềm của cả nước và quốc tế, đồng thời ngày càng được mở rộng và phát triển.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018, tạo kết nối với khu vực duyên hải miền Trung và cả nước... Đặc biệt, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, với doanh thu đạt gần 19.500 tỷ đồng vào năm 2017, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng du lịch dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp...

Niềm vui từ thành quả ấy, hôm nay, sau 15 năm, thực sự là động lực để Đà Nẵng tìm hướng đi mới, phát triển nhanh và toàn diện như chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải...

Anh Quân

;
.
.
.
.
.
.