ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Thay đổi nhận thức, hạn chế đốt, rải vàng mã

.

Việc đốt giấy tiền, vàng mã bị một bộ phận người dân lạm dụng và biến tướng trở thành hành vi, hoạt động mê tín, dị đoan, thiếu văn minh, gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, đặc biệt là tại lễ hội. Để chấn chỉnh thực trạng này, các đơn vị, địa phương của thành phố tập trung tuyên truyền, phối hợp để hạn chế tục đốt, rải vàng mã, góp phần xây dựng thành phố văn minh.

Chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà), chị T.T.D (trú phường An Hải Đông) cho biết, chị đốt vàng mã với mong muốn thần linh sẽ phù hộ cho công việc kinh doanh của mình. “Thói quen của tôi khi làm lễ, cúng bái là phải có vàng mã dâng lên tổ tiên, thần thánh, tuy nhiên thời gian gần đây nhờ được sự vận động của các ngành các cấp, gia đình cũng đã hạn chế dần”, chị D chia sẻ. Ông L.T.K (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), chủ cửa hàng tạp hóa, luôn có thói quen mua nhiều vàng mã vào những dịp cúng lễ của gia đình. “Kể từ khi hưởng ứng chủ trương xây dựng nếp sống văn minh đô thị,  nhiều năm nay, gia đình tôi cùng người dân khu vực hạn chế đốt vàng mã, không rải muối, gạo ra đường sau khi cúng”, ông K nói.

Hơn 3 năm trở lại đây, để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, các quận, huyện của thành phố tập trung tuyên truyền hạn chế đốt vàng mã. Trong đó, quận Sơn Trà đẩy mạnh công tác tuyên truyền không rải vàng mã khi đưa tang và tiếp tục triển khai Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng cho biết, lãnh đạo UBND quận Sơn Trà đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, các hội, đoàn thể quận phối hợp và yêu cầu các phòng, ban, ngành, UBND các phường tập trung hướng dẫn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, không rải vàng mã khi đưa tang; hướng dẫn các chức sắc tôn giáo trên địa bàn quận tuyên truyền, vận động tín đồ, đạo hữu thực hiện không rải vàng mã khi đưa tang. “Hằng năm, UBND các phường làm việc với các cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn cam kết phối hợp thực hiện văn minh trong việc tổ chức tang lễ như: hướng dẫn, yêu cầu gia đình người có tang không rải tiền, vàng mã hoặc bất cứ vật gì khác trên đường đưa tang. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, việc tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ sức khỏe cho những người chung quanh”, ông Nguyễn Đắc Xứng cho hay.

Theo Đại đức Thích Thông Đạo, Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành phố, trong giáo lý nhà Phật không hề có việc đốt vàng mã cúng tế người chết, quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Đại đức Thích Thông Đạo khẳng định, hiện nay tại hầu hết cơ sở tự viện trên địa bàn thành phố không hướng dẫn và thực hiện nghi thức đốt vàng mã để cúng người đã mất. Việc đốt vàng mã chỉ phổ biến tại tư gia một số người dân và Phật tử… Cũng theo Đại đức Thích Thông Đạo, ngay từ đầu năm 2018, khi Trung ương GHPGVN có công văn về việc loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, Ban Trị sự GHPGVN thành phố sẽ có hướng dẫn các cơ sở tích cực triển khai thực hiện tinh thần đó; thường xuyên thuyết giảng, khuyên răn mọi người làm điều tốt đẹp, tích đức hành thiện, tuyệt đối không nói và làm theo những lời sai trái, hành vi trái với luân thường đạo lý.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa  và Thể thao Hà Vỹ cho biết: “Nhờ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, tình trạng rải vàng mã khi đưa tang trên địa bàn thành phố đã giảm hơn 90%. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố và hướng dẫn các đơn vị, địa phương đề xuất, triển khai nhiều biện pháp nhằm đạt mục tiêu “không rải vàng mã khi đưa tang”, hướng tới xây dựng thành phố Đà Nẵng văn hóa, văn minh, phấn đấu trở thành Thành phố môi trường”.

QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.
.