Cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng

.

Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng, thu hút nhiều đại biểu phát biểu và tranh luận sôi nổi. Phó trưởng Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu thảo luận, đồng thời tham gia tranh luận hai lần về dự án luật này.

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại hội trường sáng 29-5.  					                    Ảnh: HỮU HOA
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại hội trường sáng 29-5. Ảnh: HỮU HOA

ĐB Nguyễn Bá Sơn nhất trí cần thiết phải có Luật An ninh mạng, nhưng đề nghị cần quy định một giới hạn thật rõ ràng, cụ thể về phạm vi điều chỉnh của luật này, để từ đó xác định phương pháp điều chỉnh và các quy định khác.

ĐB Sơn đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định về phòng ngừa xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật, trật tự xã hội. Đối với quy định về xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát, theo ĐB Sơn, việc để hậu quả nặng nề xảy ra mới bắt đầu xử lý sẽ không ổn.

Về việc uy hiếp hoặc gây thiệt hại về tinh thần cho người khác, ĐB Sơn cho rằng, thật khó thẩm định, đo được thiệt hại, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ các vấn đề này.

Về quy định yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp thiết bị số, ứng dụng mạng để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, quy định này chưa rõ, đề nghị phải nói rõ ai có thẩm quyền làm việc này, vì rõ ràng là có nguy cơ xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của doanh nghiệp, người dân nên cần phải quy định rõ ràng.

Về điểm c khoản 2 Điều 26 nêu trong dự thảo luật yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ cho khách hàng với lý do người dùng đăng tải trên không gian mạng các nội dung tuyên truyền, chống phá Nhà nước, kích động, gây bạo loạn, phá rối an ninh..., ĐB Sơn đề nghị cần phải quy định rõ là cơ quan nào, người nào có thẩm quyền và những trường hợp cụ thể nào thì được ngừng, tránh tình trạng trong quá trình áp dụng luật sẽ bị áp dụng một cách tùy tiện, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, cá nhân.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Tham gia thảo luận dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) cho rằng, Điều 66 Bộ luật Hình sự quy định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách, nếu trong thời gian thử thách họ vi phạm nghĩa vụ từ 2 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần trở lên thì tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt còn lại chưa chấp hành.

Trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách thì tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước. Quy định như vậy vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa có tính răn đe đối với người bị phạm tội. Tuy nhiên, đối với người được đặc xá thì lại không phải chịu thời gian thử thách như người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Theo ĐB Quang, chính điều này đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và phần nào tạo nên sự không đồng thuận của một bộ phận quần chúng nhân dân. Vì vậy, ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá và các nghĩa vụ của người được đặc xá trong thời gian thử thách, chế tài xử lý trong trường hợp họ vi phạm nghĩa vụ tương ứng như quy định đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự.

Về các trường hợp không đề nghị đặc xá tại Điều 11, ĐB Quang cho rằng, quy định như dự thảo luật thì những người phạm tội về ma túy vẫn được xem xét đặc xá là chưa đáp ứng được yêu cầu về đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về ma túy; do đó đề nghị cần bổ sung vào luật các đối tượng bị kết án thuộc nhóm tội phạm về ma túy thì không thuộc diện xem xét, đề nghị đặc xá.

Theo ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), tờ trình về dự án Luật Đặc xá ghi rõ là việc ban hành luật này nhằm khắc phục tình trạng đặc xá quá nhiều, nên có một số ý kiến băn khoăn, cho rằng việc đặc xá như vậy chưa thể hiện rõ tính đặc biệt trong việc hưởng ân huệ của người đứng đầu Nhà nước đối với người phạm tội, trong khi đó, dự thảo luật lại mở rộng phạm vi đặc xá thì số lượng người được đặc xá sẽ rất lớn.

PHẠM HỮU HOA 

;
.
.
.
.
.
.