Bảo đảm trật tự an toàn giao thông

.

Thời gian qua, Cảnh sát giao thông quận Thanh Khê đã có nhiều cách làm hiệu quả trong việc kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Ngoài tăng cường xử lý vi phạm giao thông, Cảnh sát giao thông luôn tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông đường bộ.
Ngoài tăng cường xử lý vi phạm giao thông, Cảnh sát giao thông luôn tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông đường bộ.

Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng mang tầm quốc tế, thu hút lượng lớn du khách đến hội họp, tham quan, kéo theo đó là lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao. Trong khi đó, đóng vai trò là “cửa ngõ” dẫn vào trung tâm thành phố với các tuyến đường huyết mạch như: Điện Biên Phủ, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh (dẫn từ sân bay), nên giờ cao điểm, quận Thanh Khê luôn có mật độ giao thông dày đặc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Để bảo đảm ATGT, những năm qua, Công an quận Thanh Khê chủ động nắm những bất cập, hạn chế về hạ tầng giao thông, báo cáo công tác định kỳ và đột xuất về tình hình trật tự ATGT cho Ban ATGT , UBND quận và Công an thành phố. Trước hết là việc giải quyết tốt các “điểm nóng” về giao thông. Theo Ban ATGT quận Thanh Khê, đến nay, việc lắp đặt, vận hành khoa học tín hiệu giao thông tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh dẫn vào sân bay quốc tế Đà Nẵng; đặc biệt là việc đầu tư, xây dựng hầm chui nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương đã giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc và TNGT tại ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương và Lê Độ.

Anh Nguyễn Văn Bình (ngụ đường Lê Độ) cho biết, những năm trước, khi chưa có hầm chui Điện Biên Phủ, tình trạng kẹt xe tại bùng binh này diễn ra như cơm bữa; đặc biệt, lưu lượng phương tiện đổ về đường Lê Độ vào giờ cao điểm, kèm theo tình trạng xe đứng chờ tàu tại đường ngang khiến người dân rất bức xúc. Tuy nhiên, sau khi có hầm chui Điện Biên Phủ, bộ mặt giao thông ở Thanh Khê thay đổi hẳn, TNGT cũng giảm so với những năm trước.

Một giải pháp quan trọng nữa là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, những năm qua, Quận ủy, UBND quận đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Riêng Công an quận Thanh Khê tích cực tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn. Trong quá trình điều hòa giao thông, các chiến sĩ cũng luôn nhắc nhở người dân chấp hành tốt quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Ngoài ra, theo Trung tá Phạm Bảy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an quận, hằng năm, đơn vị triển khai nhiều chuyên đề xử lý vi phạm, trong đó tập trung vào các lỗi là nguyên nhân gây ra TNGT như: xe ben, xe tự chế, chở hàng cồng kềnh, nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, vi phạm làn đường... “Mỗi năm, lực lượng xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm; riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã xử lý hơn 2.400 trường hợp vi phạm giao thông, ra quyết định xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 454 trường hợp. Qua đó, TNGT hằng năm được kiềm chế, góp phần quan trọng để quận Thanh Khê ổn định, phát triển kinh tế-xã hội”, Trung tá Phạm Bảy chia sẻ.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

;
.
.
.
.
.
.