GEF 6 giúp Đà Nẵng phát triển bền vững

.

Ngày 29-6, sau một tuần tham dự các cuộc họp của kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6), nhiều đại biểu đã tham quan thành phố Đà Nẵng, khám phá bán đảo Sơn Trà và bày tỏ những ý kiến đóng góp giúp Đà Nẵng phát triển bền vững.

Các đại biểu GEF 6 tham quan bán đảo Sơn Trà và ngắm voọc chà vá chân nâu.
Các đại biểu GEF 6 tham quan bán đảo Sơn Trà và ngắm voọc chà vá chân nâu.

Có mặt tại rừng Sơn Trà để ngắm voọc chà vá chân nâu, nữ hoàng linh trưởng quý hiếm, các đại biểu đến từ Brazil, Philippines, Ấn Độ, Indonesia… rất ngạc nhiên khi khu bảo tồn thiên nhiên có nữ hoàng linh trưởng chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 15 phút đi xe.

Các đại biểu quốc tế cho hay, rất ít thành phố trên thế giới có khu thiên nhiên gần như nguyên vẹn như Sơn Trà. Đây không chỉ là sản phẩm du lịch độc đáo, mà còn là nơi giáo dục môi trường sinh thái, bảo vệ rừng và động vật hoang dã cho học sinh, sinh viên.

Ông Claus Pram Astrup, Ban thư ký của GEF chia sẻ: “Mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác phát triển du lịch không thể tách rời trong bối cảnh hiện nay. Phát triển vấn đề này không chỉ đem lại lợi ích quốc gia mà còn đóng góp vào phát triển đa dạng sinh học toàn cầu.

Đà Nẵng đang sở hữu “viên ngọc quý” Sơn Trà. Việc xây dựng nhiều công trình nơi đây sẽ gây phá vỡ cảnh quan và đe dọa đa dạng sinh học, làm mất giá trị của “viên ngọc quý” và cơ hội phát triển du lịch bền vững”.

Trong khi đó, cách đây 20 năm, bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF đã đến Đà Nẵng để làm việc cho một dự án đô thị của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm giúp đỡ các thành phố hạng 2. Bà Naoko Ishii nói:

“20 năm đã trôi qua, Đà Nẵng không còn là thành phố hạng 2 mà là thành phố lớn với cơ sở hạ tầng hiện đại và được thế giới biết đến. Thật tuyệt vời khi được trở lại Đà Nẵng và được nghe lời đề nghị hỗ trợ để Đà Nẵng tham gia vào Diễn đàn toàn cầu các thành phố phát triển bền vững (GPSC).

Việc này cần có Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đệ trình hồ sơ, nhưng tôi rất hoan nghênh và mong muốn Đà Nẵng tham gia GPSC ngay trong nhiệm kỳ 2018-2022”.

Ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ, đi bộ trên bãi biển lúc 6 giờ sáng sẽ nhận ra Đà Nẵng rất tuyệt vời. Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực du lịch, bởi du khách vừa có thể hưởng thụ những tiện nghi, vừa tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ở đây.

Một trong những nội dung đã được thảo luận trong các buổi hội thảo là làm sao tận dụng sự đa dạng sinh học để phát triển du lịch bền vững. Môi trường thiên nhiên rất dễ tổn thương, nhưng lưu ý rằng, đây chính là lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng.

WB là nhà tài trợ lớn để thực hiện nhiều dự án quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng hơn 10 năm qua như: dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường, dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.

“Tôi không nhớ chính xác con số tài chính mà GEF và WB đã thực hiện ở Đà Nẵng, nhưng tôi khẳng định chúng tôi rất ủng hộ Đà Nẵng, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Những năm qua, WB đã triển khai nhiều dự án ở Đà Nẵng và nhìn một cách tổng quát, các dự án đã triển khai rất tốt và giúp thành phố phát triển bền vững”, ông Axel Van Trotsenburg bày tỏ.

Về việc đề nghị hỗ trợ thành phố Đà Nẵng tham gia GPSC, một chương trình GEF 7 dành khoản ngân sách 155 triệu USD (từ năm 2018-2022) chủ yếu do WB tài trợ, ông Axel Van Trotsenburg nhấn mạnh: “Đà Nẵng tham gia vào GPSC là rất tốt. Tại đây, các thành phố sẽ quyết định, đưa ra những thỏa thuận, hành động chung và nhìn vấn đề một cách toàn cầu. Chúng tôi ủng hộ Đà Nẵng”.

HOÀNG HIỆP – KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.