Sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần

.

Sáng 8-6, với 88,3% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Luật có 7 chương và 40 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).        Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Luật quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (từ 88 xuống còn 18 doanh nghiệp), sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Các đoàn kinh tế - quốc phòng được tổ chức, hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, đứng chân và hoạt động chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người...; có nhiệm vụ tham gia xóa đói, giảm nghèo, củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đồng thời là đơn vị quản lý, huấn luyện dự bị động viên, sẵn sàng mở rộng, chuyển thành các đơn vị bộ đội chủ lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng. Vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp.

Sáng cùng ngày, cho ý kiến vào dự án Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành luật này nhằm hoàn thiện pháp luật về CSB Việt Nam, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển; đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Về sự cần thiết phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của CSB với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác, trong đó, nên quy định CSB hoạt động từ lãnh hải trở ra, theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Pháp lệnh năm 1998 quy định CSB hoạt động từ lãnh hải trở ra; song qua tổng kết 10 năm thực hiện quy định này thấy không phù hợp với thực tiễn.

Do vậy, Pháp lệnh năm 2008 quy định CSB hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Kế thừa Pháp lệnh năm 2008, phạm vi hoạt động của CSB đã được quy định tại Điều 11 của dự thảo. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định:

Quy định như trên phù hợp với pháp luật và các Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Bộ luật Hàng hải năm 2015 và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, CSB là lực lượng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Trên cùng một vùng biển, đối với những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều lực lượng, thì lực lượng nào phát hiện trước, lực lượng đó phải tiến hành xử lý ngay trong phạm vi thẩm quyền của mình và chuyển hồ sơ cho lực lượng chức năng nhiệm vụ chủ trì giải quyết.

Pháp luật hiện hành quy định lực lượng Biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách quản lý bảo vệ an ninh trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển. CSB là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

Trong chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 8-6, với 87,47% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 (Chương trình).

Quốc hội quyết nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, bổ sung vào Chương trình các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường...

B.T

;
.
.
.
.
.
.